Thông tin cho sinh viên
 
Lễ ra mắt Chương trình Sáng kiến thúc đẩy năng suất Việt Nam - Nhật Bản

TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách phát biểu giới thiệu về VJPP
Sáng 22/1/2016, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Lễ ra mắt Chương trình Sáng kiến thúc đẩy năng suất Việt Nam - Nhật Bản (Vietnam - Japan Productivity Promotion Initiative).


Chương trình Sáng kiến thúc đẩy năng suất Việt Nam - Nhật Bản (viết tắt là VJPP) là chương trình do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - ĐHQGHN thành lập.

Giới thiệu về Chương trình tại buổi lễ, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho biết, trong quá trình phát triển của mình, mục tiêu của VEPR là thành lập những trung tâm nghiên cứu về các đối tác lớn của Việt Nam (trong đó có Nhật Bản) nhằm mang đến những tư vấn chính sách góp phần nâng cao chất lượng hợp tác quốc tế của Việt Nam.

Và mục tiêu của VJPP là trở thành một trung tâm nghiên cứu và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh mới, với các hoạt động nghiên cứu, đào tạo dựa trên học hỏi kinh nghiệm và chuyển giao tri thức từ Nhật Bản cho Việt Nam, hướng tới mục đích cuối cùng là thúc đẩy năng suất lao động, góp phần đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước công nghiệp hiện đại.
Hoạt động chính của VJPP bao gồm: (i) nghiên cứu kết hợp với tư vấn chính sách cấp trung ương và địa phương trong các lĩnh vực liên quan tới chính sách phát triển, đặc biệt là chính sách ngành và chính sách về nguồn nhân lực, với mục tiêu hỗ trợ chuyển giao kiến thức và công nghệ Nhật Bản tới Việt Nam; (ii) tổ chức đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bao gồm đào tạo kiến thức về kinh tế - xã hội Nhật Bản và đào tạo kỹ năng làm việc theo quy trình sử dụng lao động của Nhật Bản.
TS. Nguyễn Đức Thành cũng cho biết, qua một năm lên ý tưởng và có những hoạt động hợp tác ban đầu, Chương trình VJPP được thành lập với nhiều thuận lợi, trong đó có sự ủng hộ của lãnh đạo Nhà trường, sự phối hợp của đối tác thân thiết và lâu dài là Văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA), đồng thời Trường ĐHKT cũng có nhiều cán bộ/giảng viên đã từng học tập và nghiên cứu tại Nhật Bản. Đây sẽ là những điều kiện thuận lợi để VJPP triển khai các hoạt động trong thời gian tới.

Tại buổi lễ, GS Kenichi Ohno (Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản) đã giới thiệu về những hoạt động dự kiến sẽ được VEPR và JICA phối hợp triển khai trong khuôn khổ Chương trình VJPP


Phát biểu chào mừng tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN cho biết, Nhà trường đánh giá cao sáng kiến của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách trong việc thành lập Chương trình VJPP. Bên cạnh việc chuyển giao các kinh nghiệm của Nhật Bản về thúc đẩy năng suất lao động, sáng kiến này còn góp phần tăng cường trao đổi kiến thức, kỹ năng, ý tưởng giữa các nhà quản lý doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học của Việt Nam và Nhật Bản; đặc biệt là trao đổi và học tập kinh nghiệm giữa các giảng viên/nghiên cứu viên của Trường ĐHKT - ĐHQGHN với các nhà khoa học Nhật Bản, qua đó nâng cao năng lực của giảng viên/nghiên cứu viên của trường. Ngoài ra, Chương trình cũng sẽ phát huy được nguồn nhân lực được đào tạo bài bản tại Nhật Bản của Trường ĐHKT, ĐHQGHN và Việt Nam nói chung cho sự phát triển của cả hai nền kinh tế.


PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT phát biểu chào mừng sự ra đời của VJPP


Phần phát biểu chào mừng của đại diện JICA, ông Hiroaki Yashiro, cố vấn cao cấp về xúc tiến đầu tư, Bộ Kế hoạch - Đầu tư


Trong thời gian qua, VJPP kết hợp với JICA đã thực hiện một số hoạt động đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của một số địa phương như: Hà Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, từ đó cung cấp tư liệu cho phía Nhật Bản để thiết kế dự án hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời tư vấn định hướng chiến lược phát triển.
Đặt trong mối quan hệ chiến lược giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản, hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương vào năm 2018, VJPP cũng đề xuất thực hiện dự án gồm các khóa đào tạo, giao lưu tìm hiểu về những đặc điểm căn bản của kinh tế - xã hội Nhật Bản, với mục tiêu trong 3 năm (2016-2018) sẽ tổ chức một chuỗi các khóa đào tạo ngắn hạn cho 450 sinh viên Việt Nam (thông qua 15 khóa học) và thực hiện giao lưu văn hóa cho 45 sinh viên ưu tú sang Nhật Bản.


Một số hình ảnh về những hoạt động đầu tiên của Chương trình VJPP


Các thông tin chi tiết về Chương trình Sáng kiến thúc đẩy năng suất Việt Nam - Nhật Bản vui lòng theo dõi trên website của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tại địa chỉ: htpp://vepr.org.vn/ hoặc tại đây.

Đỗ Chiêm