Đề thi rộng, tăng mức độ khó
Là địa phương có số lượng thí sinh lớn nhất cả nước với 79.000, ngoài việc tổ chức thu phiếu đăng ký dự thi theo tiến độ quy định, Hà Nội đang khẩn trương chuẩn bị điều kiện tổ chức kỳ thi, trong đó có việc rà soát cơ sở vật chất của các nhà trường được chọn làm địa điểm thi. Ông Phạm Quốc Toản, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, Sở chủ trì thành lập một hội đồng thi cho tất cả học sinh. Hà Nội dự kiến tổ chức 123 điểm thi với khoảng 3.300 phòng thi. Để bảo đảm tính minh bạch trong khâu tổ chức thi, 50% số lượng cán bộ coi thi và giám sát phòng thi sẽ được điều động từ các trường đại học, số còn lại là cán bộ, giáo viên các trường phổ thông của Hà Nội.
Vấn đề thu hút sự quan tâm của học sinh ở thời điểm này là biết đề thi được xây dựng ra sao, để có hướng ôn tập hiệu quả. Giải đáp mối băn khoăn này, TS Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin: Khác với năm trước, đề thi năm nay có thêm phần kiến thức lớp 11, tuy nhiên, phần kiến thức lớp 12 vẫn là chủ yếu. Cấu trúc đề thi gồm 2 phần là kiến thức cơ bản và phần nâng cao. Học sinh lưu ý, đề thi năm nay sẽ tăng số câu hỏi phân hóa, giúp cho công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng thêm chính xác, chất lượng. Tuy vậy, học sinh không nên quá lo lắng, các em cần bĩnh tĩnh hệ thống lại kiến thức, nhất là phần kiến thức cơ bản, bởi phần này chiếm hơn 50% nội dung thi, nếu chủ quan sẽ mất khá nhiều điểm.
Về định hướng ôn tập, ông Dương Công Thịnh, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) bổ sung: Học sinh cần bám sát yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình lớp 11, 12 để học tập và ôn luyện; tập dượt nhuần nhuyễn với các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, trong đó chú ý đến việc nâng cao mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức. Ngoài ra, do hầu hết các môn đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan (chỉ trừ môn ngữ văn), các em cần chú ý điều tiết thời gian làm bài trắc nghiệm hợp lý, tránh bỏ sót câu hỏi.
Sắp xếp nguyện vọng hợp lý
Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là tới hạn nộp phiếu đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018. Song, thời điểm này vẫn còn không ít học sinh loay hoay không biết nên đăng ký bao nhiêu nguyện vọng để có cơ hội đỗ cao nhất. TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khuyến cáo học sinh tập trung vào một số nguyện vọng, không nên đăng ký quá nhiều vì điều đó không chỉ khiến gia đình tốn tiền (lệ phí mỗi nguyện vọng là 30.000 đồng), mà còn khiến các em hoang mang trong quá trình ôn tập. Tuy nhiên, nếu đăng ký quá ít nguyện vọng, các em sẽ mất đi cơ hội học tập. Trung bình, mỗi em nên cân nhắc khoảng 4-5 nguyện vọng.
"Em dự định đăng ký tổ hợp khối A, song hiện có rất nhiều trường/ngành xét tuyển khối này, nên chưa biết nên sắp xếp thứ tự nguyện vọng ra sao để có thể đỗ vào trường/ngành mà em mong muốn" - Hoàng Văn Thái, học sinh Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên, bày tỏ. Đây cũng là băn khoăn của nhiều học sinh, kết quả là đến nay, nhiều em vẫn chưa nộp phiếu đăng ký dự thi.
TS Trần Văn Nghĩa khẳng định: Nếu học sinh thuộc quy chế, nắm vững kiến thức thì chắc chắn đỗ, trừ khi bị điểm liệt hoặc chưa biết lượng sức, đăng ký nguyện vọng ở trường/ngành có điểm xét tuyển quá cao so với khả năng. Theo quy chế, học sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nhưng chỉ có 1 cơ hội trúng tuyển.
"Trong cùng đợt xét tuyển, học sinh đăng ký với thứ tự nguyện vọng khác nhau vào cùng 1 ngành nhưng sẽ được xét cơ hội trúng tuyển như nhau. Vì vậy, ngành nào các em yêu thích nhất, có khả năng học nhất cần được đặt là nguyện vọng 1, nguyện vọng tiếp theo nên chọn trường/ngành thật "chắc chân", sát với năng lực học tập để bảo đảm cơ hội trúng tuyển nếu trượt nguyện vọng 1" - TS Trần Văn Nghĩa chia sẻ.