Thông tin cho sinh viên
 
Hội thảo khoa học quốc tế “Cách tiếp cận mới chủ nghĩa Marx”

Sáng 5/5/2009, Khoa Kinh tế Chính trị Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHNđã tổ chức thành công hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Cách tiếp cận mới chủ nghĩa Marx”.


Tham dự hội thảo, về phía khách mời có GS. Hiroshi Ophnishi - Thành viên hội nghiên cứu Maxist thế giới, giảng viên trường đại học Kyoto Nhật Bản; các chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về lý thuyết kinh tế Marx như GS.TS Đỗ Thế Tùng - Nguyên chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, giảng viên kiêm nhiệm của Khoa Kinh tế Chính trị Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN; TS. Nguyễn Khắc Thanh - Phó viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; về phía Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có PGS.TS Phạm Văn Dũng – Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị cùng các cán bộ giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên của Khoa.
Mở đầu hội thảo, GS. Ohnishi đã trình bày tổng quan kết quả của những nghiên cứu từ năm 1992 của mình về tiếp cận chủ nghĩa Marx như một mô hình tân cổ điển nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản (Bản dịch của ThS. Trần Quang Tuyến và NCS. Hoàng Văn Cương - Khoa KTCT). Trong bài thuyết trình của mình, GS. Ohnishi đặc biệt nhấn mạnh đến phương pháp nghiên cứu dựa trên phương pháp chủ nghĩa duy vật của Marx. Bài trình bày đã làm rõ quan điểm về chủ nghĩa tư bản, chứng minh một số quan điểm cơ bản của Marx trong bộ Tư bản bằng mô hình tân cổ điển dựa trên tiền đề lý luận về giá trị sức lao động. Theo mô hình này, có một biện pháp để đạt tới tỉ lệ tối ưu về tư bản và lao động mà không thông qua cách mạng, đó chính là sự phát triển của các công ty cổ phần, hay hình thức người giàu cho người nghèo thuê vốn, khi đó, chênh lệch tài sản và “sự bóc lột” sẽ chấm dứt. Cách hiểu mới này gây ra nhiều tranh luận, tuy nhiên có nhiều nhà khoa học nghiên cứu Marx đã tán thành và ủng hộ cách lập luận trên. Hiện tại nhiều nhà khoa học Trung Quốc, Nhật Bản và ở Việt Nam đang khảo sát tính thực tế của mô hình này tại các nước trên thế giới. Trong phần trình bày của mình, giáo sư Ohnishi cũng đưa ra những ví dụ, số liệu thống kê của Nhật Bản làm minh chứng cho mô hình của mình.
Trong phần thảo luận, GS.TS Đỗ Thế Tùng, PGS.TS Nguyễn Khắc Thanh, PGS.TS Phạm Văn Dũng, PGS.TS Phan Huy Đường, TS. Phạm Thị Hồng Điệp, ThS. Trần Quang Tuyến... đã đặt nhiều câu hỏi về học thuật và thực tiễn ở Nhật Bản và các nước phát triển khác liên quan đến học thuyết kinh tế Marx. Do tính chất phức tạp của vấn đề nên các ý kiến còn nhiều khác biệt. Hơn nữa, buổi thảo luận lại có giới hạn về thời gian nên có những vấn đề chưa được trao đổi thật sâu sắc.
Kết thúc thảo luận, PGS.TS. Phạm Văn Dũng – Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị đã có một số nhận xét, đánh giá quan trọng về cách tiếp cận mới chủ nghĩa Marx này. Việc học thuyết kinh tế Mác được nghiên cứu, trao đổi rộng rãi trên thế giới hiện nay chứng tỏ học thuyết kinh tế này là khoa học, có giá trị thực tiễn cao và đang tràn đầy sức sống. Việc nhận thức và vận dụng học thuyết kinh tế Mác là không dễ dàng. Trong bối cảnh mới của đất nước và thế giới, để nhận thức, vận dụng và phát triển học thuyết Mác, cần có sự hợp tác sâu rộng hơn nữa của các nhà khoa học trên thế giới như GS. Ohnishi và tích cực tham gia các chương trình nghiên cứu khoa học, hội thảo quốc tế.


GS. Hiroshi Ophnishi thuyết trình tại hội thảo.


GS. Hiroshi cùng chụp ảnh lưu niệm với các nhà khoa học và cán bộ Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.


Ngô Thùy Dung - Khoa Kinh tế Chính trị