PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường ĐHKT, ĐHQGHN
Thư của PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN gửi sinh viên ngày 14/4/2020:
Hà Nội, ngày 14 tháng 4 năm
2020
Thân gửi các em sinh viên Trường Đại học Kinh tế -
ĐHQGHN,
Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động đến mọi mặt của
đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Mọi quốc gia, dân tộc, mọi gia đình và
cá nhân đều đang phải cố gắng vượt qua vô vàn khó khăn, thách thức. Nhưng chính
lúc này chúng ta cũng đang được chứng kiến sự mạnh mẽ của tinh thần dân tộc, sự
hy sinh của chính quyền và người dân Việt Nam ngay trong thời bình. Niềm tin,
những nghĩa cử cao đẹp, những hình ảnh đơn sơ nhưng thấm đẫm nhân ái, yêu
thương đang lan tỏa khắp nơi trong những ngày cả nước đồng lòng cùng chống
dịch.
Các em thân mến,
Chủ trương giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá bằng
hình thức trực tuyến đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo thông qua và Trường Đại học
Kinh tế - ĐHQGHN đã có nhiều thông báo hết sức kịp thời đến mọi học viên, sinh
viên. Nửa học kỳ đã trôi qua, các em đang bước vào những tuần kiểm tra giữa kỳ
vất vả nhưng thầy tin rằng thầy cô và các em đã nhanh chóng thích nghi với môi
trường và công cụ giảng dạy, học tập mới. Ban Giám hiệu và toàn thể cán bộ,
giảng viên Nhà trường đang nỗ lực hết sức mình để cùng các em trải qua một học
kỳ với những điều mới lạ và thử thách sự thích nghi của những công dân số hướng tới quốc tế trong tương lai.
Chủ nhân của giảng đường và sân trường đại học chính
là các em. Những chủ nhân ấy đang xa thầy cô và bạn bè nhiều ngày dù không mong
muốn. Giảng đường, thầy cô đang nhớ các em! Là một người thầy đang chứng kiến
sân trường không bóng dáng sinh viên - giảng viên,
là một phụ huynh đang có con chưa được đến trường vì đại dịch, thầy rất hiểu
những khó khăn nhất định và một số bất tiện của việc giảng dạy, học tập trực
tuyến. Nhưng chắc chắn các em cũng đồng tình với thầy rằng đó là giải pháp hữu
hiệu nhất và phù hợp hơn cả để chúng ta không bị trễ một học kỳ. “Luôn luôn
nhìn vào mặt tươi sáng của cuộc sống” là câu thành ngữ nổi tiếng của Ba Lan
mà thầy rất tâm đắc. Chúng ta cần nhìn nhận những ngày này cũng là cơ hội để
thầy trò chúng ta thúc đẩy nhanh quá trình phát triển “đại học số” và trở thành
“công dân toàn cầu”.
Trong
khi Trường đang đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục, đổi
mới toàn diện hoạt động giảng dạy, dù dịch bệnh đang tiếp diễn, Nhà trường vẫn
không ngừng nỗ lực tạo ra một môi trường học tập quốc tế, đó là những cuộc thảo
luận trực tuyến gần gũi giữa các giảng viên quốc tế với sinh viên ĐHKT, giữa
sinh viên quốc tế với giảng viên ĐHKT.
Thầy
luôn tin rằng, các em sẽ chủ động vượt qua những rào cản trước mắt để khám phá
những chân trời tri thức mới; đồng thời khai thác, sử dụng hiệu quả các
nguồn tài liệu mà thầy cô đã hướng dẫn và hệ thống thư viện mở của ĐHQGHN để sẵn sàng vươn ra biển lớn. Thầy cũng tin rằng, là công dân toàn cầu, các em sẽ sử dụng các công cụ, mạng xã hội
một cách hiệu quả, an toàn và tuân thủ pháp luật, phù hợp với các chuẩn mực xã
hội. Đặc biệt, đây sẽ là thời gian quý báu để các em học và thực hành các bài
học khác của cuộc sống như khả năng thích nghi với thay đổi trong những hoàn
cảnh khó khăn, khốc liệt, bất ngờ, diễn biến khó kiểm soát; trau dồi kỹ năng sử
dụng hiệu quả thời gian, kiểm soát hành vi, xây dựng tư duy sống tích cực, chia
sẻ khó khăn chung và khám phá, phát hiện, đúc kết ra những điều trân quý của
cuộc sống.
Thầy kêu gọi tất cả sinh viên của Trường Đại học Kinh
tế - ĐHQGHN hãy tích cực học tập, rèn luyện thể lực, lan tỏa tinh thần lạc quan
và yêu thương trong những ngày chống dịch. Thầy cũng mong muốn các em hãy thực
sự tận dụng từng khoảnh khắc này cho những người thân yêu trong gia đình, cho
cộng đồng, xã hội và cho việc học tập của bản thân.
Thầy gửi lời kính chúc sức khoẻ đến các quý phụ huynh
và gia đình của các em, chúc các em có những ngày tháng đại học thật nhiều niềm
vui và đầy kỷ niệm!
Hãy chuẩn bị thật tốt hành trang cho chặng đường lập
thân, lập nghiệp của mình sắp tới các em nhé!
Hẹn sớm gặp lại các em trên giảng đường Trường Đại học
Kinh tế - ĐHQGHN của chúng ta.
Thân ái!