Thông tin cho sinh viên
 
Giải pháp hữu hiệu cho thu hút FDI tại Việt Nam trong bối cảnh mới

Hội thảo đã đưa ra những phân tích sâu về tác động của bối cảnh mới đối với FDI toàn cầu và ứng biến của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, dự báo về triển vọng và những hàm ý chính sách thu hút FDI cho Việt Nam trong thời gian tới.


Với những phân tích sâu về tác động của bối cảnh mới đối với FDI toàn cầu và ứng biến của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, đưa ra dự báo về triển vọng và những hàm ý chính sách thu hút FDI cho Việt Nam trong thời gian tới, Hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề “FDI toàn cầu và ứng biến của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong bối cảnh mới” (Global FDI and responses of FDI enterprises in Vietnam in the new context) do Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN phối hợp với Trường ĐH Hải Phòng, Trường ĐH Thương mại và Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng tổ chức ngày 08/10/2021 đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và xã hội.
Hội thảo được tài trợ bởi Quỹ Friedrich Naumann Stiftung Für Die Freiheit (FNF) với sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị tổ chức và hơn 300 nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, học giả quốc tế, nghiên cứu sinh, học viên cao học đến từ các cơ quan nhà nước, các trường đại học và viện nghiên cứu trong và ngoài nước.
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đánh giá cao những giá trị khuyến nghị chính sách của Hội thảo.
Theo PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, là đối tượng trực tiếp chịu tác động cũng như nhận thức được cả các cơ hội lẫn thách thức từ bối cảnh mới, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã có những điều chỉnh chiến lược, chính sách hết sức đa dạng để chống chịu, khôi phục trong và sau đại dịch. Việc nghiên cứu, đánh giá về những tác động của bối cảnh mới đối với dòng vốn FDI và những điều chỉnh chính sách của doanh nghiệp FDI là hết sức cần thiết nhằm giúp đưa ra những hàm ý chính sách cho Việt Nam trong việc tiếp tục thu hút FDI một cách chọn lọc, hỗ trợ khôi phục nền kinh tế và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Hội thảo khoa học quốc tế “FDI toàn cầu và ứng biến của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong bối cảnh mới” chính là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản trị doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu trong nước và học giả quốc tế trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến sự thay đổi của dòng vốn FDI trên phạm vi toàn cầu, ứng biến của các doanh nghiệp FDI và các hàm ý chính sách cho Việt Nam để tiếp tục thu hút được dòng vốn FDI một cách chọn lọc và hiệu quả trong bối cảnh mới.


Theo PGS.TS. Nguyễn Hoài Nam - Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng, FDI là yếu tố để nâng cao được tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 

Bức tranh FDI toàn cầu trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm trên diện rộng

Thế giới đã và đang trải qua nhiều biến động lớn có tác động sâu rộng đến mọi mặt trong đời sống kinh tế và xã hội. Đại dịch COVID 19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất, thương mại và đầu tư, gây đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu khiến cho nền kinh tế thế giới rơi vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Bên cạnh đó, mức độ và cách thức mà các nền kinh tế tương tác với nhau còn chịu ảnh hưởng từ một loạt các yếu tố khác như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn nhằm giữ vững và củng cố vị thế toàn cầu, quá trình chuyển đổi số được thúc đẩy trong bối cảnh đại dịch và Cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng xanh hóa nền kinh tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới phát triển bền vững, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và xu hướng bảo hộ mới ở một số quốc gia… Những biến động này có tác động mạnh mẽ, nhiều chiều đến tăng trưởng kinh tế, thương mại và đặc biệt là dòng vốn FDI toàn cầu. Bên cạnh đó xuất hiện làn sóng dịch chuyển đầu tư các dự án FDI để đối phó với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu và quan trọng cho thị trường các nước phát triển.


PGS.TS. Hà Văn Hội - Trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN với những phân tích về bức tranh FDI toàn cầu năm 2020.

Tại hội thảo, các diễn giả cho biết, kinh tế toàn cầu 2020 suy giảm trên diện rộng và phần lớn các nền kinh tế đều tăng trưởng âm, ngoại trừ Trung Quốc, Ai Cập và Việt Nam, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 OECD ở mức -4,2%.
Trong bối cảnh đó, FDI toàn cầu giảm mạnh, sự suy giảm vốn FDI ở các nước đang phát triển là khoảng 12% xuống còn 616 tỷ USD. Theo dự báo của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD), FDI sẽ tiếp tục suy giảm trong 2021, đe dọa đà phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Sự giảm sút tập trung ở các nước phát triển, vốn FDI giảm 69% còn khoảng 229 tỷ USD, mức thấp nhất trong 25 năm qua.


Phân tích về những diễn biến tăng trưởng thương mại và FDI toàn cầu của các nhà khoa học tại Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.

Các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN dự báo, chu chuyển FDI vẫn sẽ còn yếu do sự không chắc chắn về tình hình đại dịch Covid-19 cũng như môi trường chính sách đầu tư toàn cầu. Sự gia tăng trong chu chuyển FDI toàn cầu năm 2021 không phải là đầu tư mới vào tài sản sản xuất mà từ M&A xuyên quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và y tế. Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đang thu hút số lượng kỷ lục các thỏa thuận trong các lĩnh vực tư vấn IT và công nghệ số, bao gồm các nền tảng TMĐT, dịch vụ xử lý dữ liệu và thanh toán điện tử.
 

Tình hình thu hút FDI của Việt Nam có những chuyển biến tích cực

Nền kinh tế Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung của nền kinh tế thế giới, đã và đang chịu nhiều tác động, song cũng hứa hẹn nhiều cơ hội cho đất nước. Các cơ hội đến từ tổng hòa rất nhiều yếu tố như công cuộc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới đã ký kết để thu hút FDI. Ngoài ra, những điều chỉnh chính sách trong thu hút FDI một cách chọn lọc và tích cực cải thiện môi trường kinh doanh cũng là một yếu tố quan trọng giúp dần cải thiện chất lượng của dòng vốn FDI.
Trong 30 năm qua, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, bổ sung vào nguồn vốn đầu tư, phát triển, tăng thu ngân sách, thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Nguồn vốn FDI đã góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nâng cao năng lực quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp; nâng cao năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đặc biệt, nguồn vốn FDI đã thúc đẩy xuất nhập khẩu, thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng hàng chế tạo có giá trị gia tăng cao, mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động của Việt Nam.

Theo PGS.TS. Hà Văn Hội - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGGHN, trong thời gian gần đây, thu hút vốn FDI vào Việt Nam đã bắt đầu có những chuyển hướng tích cực về chất lượng dòng vốn. Thu hút FDI từ các tập đoàn lớn, công nghệ cao, tạo điều kiện chuyển giao công nghệ, kiến thức và bí quyết, tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, góp phần tạo ra việc làm "tử tế" và giá trị gia tăng, tăng cường nền tảng kỹ năng cho các thành phần kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI hoạt động một cách có trách nhiệm với xã hội và môi trường FDI vào lĩnh vực năng lượng “xanh”.


So sánh dòng vốn FDI vào Việt Nam qua các năm Giai đoạn 2010 - 2020 (%)

Tuy nhiên, dòng vốn FDI vào Việt Nam còn một số hạn chế, như tình trạng ô nhiễm môi trường, rủi ro mất an ninh năng lượng, an ninh tài chính từ một số dự án FDI; các dự án công nghệ cao và mang lại nhiều giá trị gia tăng chiếm tỷ trọng nhỏ trong đầu tư FDI và chưa thu hút được công nghệ nguồn; mức độ kết nối, lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực đầu tư trong nước còn thấp; chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ cao từ doanh nghiệp FDI đến nay vẫn còn hạn chế, chưa đạt kỳ vọng.

 

Cơ hội và giải pháp nào để đẩy mạnh thu hút FDI thế hệ mới của Việt Nam?

Năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên lọt top 20 nước thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhất thế giới. Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA) giúp thúc đẩy hơn nữa cơ hội vào thị trường Việt Nam của các tổ chức nước ngoài. Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp về đầu tư môi trường kinh doanh, hạ tầng, nguồn nhân lực...để thu hút nguồn vốn FDI.

Theo kết quả nghiên cứu hàm hồi quy của nhóm tác giả TS. Nguyễn Thị Thúy Hà, Ths.Đoàn Thị Oanh, tồn tại mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa GDP và FDI. Cụ thể, khi FDI tăng 1% thì GDP tăng 1,1149980%, sự thay đổi FDI giải thích được 69% sự thay đổi GDP.


Kết quả ước lượng trong kiểm định tự tương quan bằng kiểm định White đã được phân tích tại Hội thảo

Theo PGS.TS. Hà Văn Hội - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, giải pháp quan trọng nhất là Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi vượt trội, mang tính cạnh tranh, để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các công ty đa quốc gia (MNCs) đầu tư, thành lập các trung tâm R&D, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam với các dự án trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao, ít tác động tiêu cực tới môi trường. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác giữa đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Tăng cường liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho biết, cần thực hiện xúc tiến đầu tư, mời gọi MNCs có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý đầu tư vào Việt Nam; đẩy mạnh liên kết với DN trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị; chủ động theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI và công nghệ vào Việt Nam để lựa chọn và thu hút những dự án đầu tư phù hợp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tiếp nhận FDI thế hệ mới, tiếp nhận CGCN từ các nhà đầu tư nước ngoài.

PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Loan và PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Nhàn (Trường Đại học Thương mại) trong bài tham luận với đề tài “Giải pháp cho doanh nghiệp FDI trong thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người lao động khi Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới” đã khẳng định việc thực hiện trách nhiệm xã hội tại doanh nghiệp đã trở thành mắt xích trọng yếu để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, còn tồn đọng nhiều vấn về người lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ ở những ngành thâm dụng lao động là thách thức lớn đối với việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp theo cam kết của các FTAs.


PGS.TS. Nguyễn Anh Thu - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN


GS.TS. Andreas Stoffer - Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation For Freedom (FNF) tại Việt Nam

Trong khuôn khổ Hội thảo, Ban tổ chức đã xuất bản Kỷ yếu quy tụ được 88 bài viết chất lượng từ các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và các giảng viên trên cả nước. Theo đó, nội dung kỷ yếu tập trung vào ba nhóm chủ đề chính: (1) Bối cảnh quốc tế và ảnh hưởng đến dòng FDI toàn cầu và khu vực; (2) Bối cảnh mới và ảnh hưởng đến dòng FDI vào Việt Nam; (3) Tác động của bối cảnh mới đến hoạt động FDI và ứng biến của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Đây là tư liệu giàu tính lý luận và thực tiễn, là tài liệu tham khảo giá trị cho nhiều đối tượng độc giả.
Hội thảo khoa học quốc tế “FDI toàn cầu và ứng biến của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong bối cảnh mới” do Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN phối hợp tổ chức với những khuyến nghị chính sách sâu sắc đã góp phần giúp các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước, các nhà khoa học và quản trị doanh nghiệp bổ sung thêm được những luận cứ khoa học và thực tiễn toàn diện và xác đáng hơn, góp phần thúc đẩy việc thu hút FDI vào Việt Nam và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Đồng thời, thông qua việc kết nối các chuyên gia, học giả, giảng viên, người học và doanh nghiệp trong nước và quốc tế, hội thảo cũng đã góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo về kinh tế và kinh doanh ở các trường đại học.
 
 


Hội thảo được tổ chức ở nhiều điểm cầu, thu hút sự quan tâm của nhiều học giả

 

Tài liệu hội thảo


Thùy Dung - UEB Media


Các tin khác