Thông tin cho sinh viên
 
Tân SV ngoại tỉnh và nỗi lo ngày nhập học

Ngày nhập học tới gần, cùng với niềm vui và cảm giác háo hức, các tân sinh viên ngoại tỉnh đang mang trong mình nhiều nỗi lo…


Nỗi lo mang tên nhà trọ!
Ở nơi thành phố vốn đất chật người đông, để tìm được một chỗ trọ vừa ý không phải dễ dàng, nhất là đối với bạn vừa từ quê ra còn “lạ nước lạ cái”. Chính vì thế, nhà trọ trở thành nỗi lo đầu tiên đối với các tân sinh viên tỉnh lẻ.
Bạn P. Vy (SV ĐH Luật Hà Nội) than thở: “Trường mình đến mùng 9 tháng 9 mới nhập học nhưng mình đã phải lên từ mùng 1 để tìm phòng trọ, nhưng không ngờ khó tìm như thế. Mình và mẹ đã đi khắp các khu vực lân cận trường mà không tìm được. Giờ mình phải ở tạm nhà người quen rồi tìm tiếp còn mẹ mình phải về lo việc ở quê”.
Song hành với nỗi lo tìm nhà trọ còn có một nỗi ái ngại khác là “ở ghép”. Tìm nhà trọ vốn khó khăn, giá phòng lại đắt đỏ mà với những bạn không có điều kiện thì ở ghép được coi là một giải pháp khả thi. Thế nhưng, khi ở ghép, các tân sinh viên lại không thôi lo lắng về việc hòa nhập với bạn cùng phòng, với những xung đột về tính cách, lối sống... 
Cuộc sống tự lập
Đây là nỗi ám ảnh lớn với nhiều SV lần đầu xa nhà lên thành phố học. Học ĐH đồng nghĩa với việc nhiều bạn phải một thân một mình sống giữa thành phố, xung quanh toàn những người xa lạ.
Do đó, từ chuyện sinh hoạt, học hành... với những khó khăn trong cuộc sống thường nhật các bạn sẽ phải tự giải quyết. Với những cậu ấm, cô chiêu vốn đã được bố mẹ che chở, bao bọc, nuông chiều thì có lẽ các bạn còn lo lắng nhiều hơn thế.
Bạn L. Nhi cho biết: “Mình được bố mẹ thuê sẵn cho một phòng ở chung cư mini ở Pháo đài Láng, mua đủ bếp gas, xoong nồi, bát đũa...nhưng mình không biết xoay sở thế nào với chuyện ăn uống bởi mình..chẳng biết nấu nướng”.
Một nỗi lo nữa của các bạn tân sinh viên tỉnh lẻ là việc cân đối trong chi tiêu khi mà ở thành phố cái gì cũng hấp dẫn nhưng đắt đỏ. Bạn P. Thành (tân SV ĐH GTVT) ngậm ngùi chia sẻ: “ Bố mình nói hàng tháng sẽ gửi cho mình 1 triệu rưỡi, mình đang lo không biết mình sẽ phải chi tiêu như thế nào trong khi chỉ tiền nhà, tiền ăn đã chiếm gần hết”...
Hoà nhập cũng trở thành nỗi lo
Hầu như các tân SV ngoại tỉnh luôn có một chút thiếu tự tin khi hòa nhập trong môi trường mới, nhất là các bạn cảm nhận được cái gọi là “sự khác biệt về đẳng cấp” từ những chiếc điện thoại xịn, chiếc xe máy đắt tiền hay những bộ quần áo, túi xách hàng hiệu của “dân thành phố”, gia đình khá giả.
Chính vì cảm nhận này đôi khi tạo ra tâm lý e ngại, co cụm trong nhiều bạn tân SV khi hòa nhập với môi trường ĐH. Từ đó, các bạn không dám mạnh dạn thể hiện năng lực bản thân. 
Bạn Hoàng T (tân SV một trường ĐH dân lập) bày tỏ: “Hình như trường mình có nhiều bạn là “con nhà giàu”, mình chỉ là SV tỉnh lẻ lên học, điều kiện gia đình lại khó khăn, mình sợ chẳng hòa nhập được với các bạn mất”..
E ngại trước những... cạm bẫy!
Chốn thành thị nhiều cám dỗ và cạm bẫy, điều này càng trở nên nguy hiểm với những bạn từ ở quê lên thành phố học – vốn hiểu biết về xã hội và cuộc sống nơi đây quá ít. Những trò lừa đảo bủa vây các bạn dưới đủ mọi hình thức, mà chỉ cần một chút bất cẩn hay một chút “thiếu bản lĩnh” thì bạn sẵn sàng bị sa chân ngay lập tức. 
Điều đó khiến không ít tân SV dè dặt và nơm nớp lo khi bước chân lên thành phố nhập học. Bạn H. An (ĐH Sư phạm Hà nội) kể: “Sau khi ổn định việc học, mình muốn xin một công việc làm thêm để kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình. Thế nhưng mình đã nghe nhiều anh chị khóa trên cảnh báo trước về những trò lừa đảo khi xin việc nên mình cũng thấy sợ!”
Đành rằng còn rất nhiều nỗi lo trước ngày nhập học, nhưng các bạn tân sinh viên ngoại tỉnh ơi, hãy cố gắng gạt bỏ những nỗi lo lắng này để bắt đầu cuộc đời sinh viên thật tươi đẹp nhé.


(Dân trí)