Trang Đảm bảo chất lượng
 
Xây dựng đề án đào tạo tiến sĩ ngành Kinh tế Phát triển đạt trình độ quốc tế

Ngày 15/12/2010, tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã diễn ra hội thảo về việc triển khai chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Kinh tế Phát triển đạt trình độ quốc tế.


Phó Giám đốc ĐHQGHN PGS.TS Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội thảo đã quán triệt chủ trương của ĐHQGHN là đẩy mạnh đào tạo đạt chuẩn quốc tế ở bậc sau đại học và yêu cầu Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trình bày kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Kinh tế Phát triển đạt trình độ quốc tế. Đây là một ngành đào tạo có thế mạnh của Trường và có nhu cầu xã hội cao. Phó Giám đốc Phùng Xuân Nhạ yêu cầu ý tưởng cần rõ ràng, có tính khoa học và thực tiễn cao, phù hợp với mục tiêu của nhiệm vụ chiến lược của ĐHQGHN.

PGS.TS Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội thảo

TS. Vũ Quốc Huy trình bày đề án

TS. Vũ Quốc Huy - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triền, Trường ĐHKT đã trình bày đề án xây dựng Trung tâm liên kết đào tạo Tiến sĩ Kinh tế học và Kinh tế Phát triển. Ông cho rằng đây là một bước khởi đầu cần thiết hướng tới xây dựng chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Kinh tế Phát triển trình độ quốc tế.

Tiếp đó, các ý kiến khác đã phân tích nhiều vấn đề liên quan đến: những mục tiêu cụ thể mà chương trình đào tạo phải đạt được; việc đảm bảo các điều kiện về nhân lực, tài chính, các nguồn tuyển sinh và chương trình đào tạo; lộ trình triển khai để xây dựng đề án.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn khẳng định quyết tâm sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới mà ĐHQGHN giao.

Trên cơ sở các ý kiến phân tích và sự đồng thuận, nhất trí cao của các đại diện cán bộ chủ chốt tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Hiệu trưởng  Thường trực Trường ĐHKT khẳng định: Trường Đại học Kinh tế sẵn sàng nhận nhiệm vụ mà ĐHQGHN giao cho.

Kết thúc buổi làm việc, PGS.TS Phùng Xuân Nhạ đã phát biểu ghi nhận ý tưởng thành lập Trung tâm liên kết đào tạo tiến sĩ Kinh tế học và Kinh tế phát triển như là một bước đệm cho việc xây dựng chương trình đào tạo tiến sĩ Kinh tế Phát triển đạt trình độ quốc tế. Chương trình đào tạo nếu thực hiện được sẽ đem lại hiệu quả lớn, đáp ứng cao nhu cầu của xã hội. Hướng phát triển này phù hợp với xu hướng phát triển học thuật cũng như thực tiễn phát triển của Việt Nam, thế giới và phù hợp với định hướng nhiệm vụ chiến lược của ĐHQGHN. Trong thời gian tới, ĐHQGHN giao cho Trường Đại học Kinh tế xây dựng đề án chi tiết và khả thi về việc triển khai chương trình đào tạo này. PGS.TS Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị trong khi lập kế hoạch, Nhà trường cần chú ý tiếp cận chuẩn đầu ra được quốc tế công nhận; tập trung nguồn lực để huy động các điều kiện xây dựng chương trình; hướng tới mục tiêu tự chủ và phát triền bền vững cho chương trình đào tạo.


Hà - Tuấn