Trang Đảm bảo chất lượng
 
Chuẩn kiểm định AUN-QA: Lợi ích lớn nhất là người học

Bài đăng trên Báo Giáo dục Thời đại số 60 năm thứ 52, ngày 15/4/2011
Để nâng cao chất lượng trong giáo dục đại học, việc tổ chức đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của đơn vị bằng bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của các tổ chức quốc tế được coi như một chuẩn mực công nhận chất lượng. Nhân sự kiện chương trình đào tạo đại học ngành Kinh tế Quốc tế hệ chất lượng cao của Trường Đại học Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) được Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng của tổ chức này, Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác đào tạo của trường.


- Ông đánh giá thế nào về việc Chương trình đào tạo đại học ngành Kinh tế Quốc tế (KTQT) hệ chất lượng cao (CLC) của Trường ĐH Kinh tế được đánh giá đạt chuẩn kiểm định chất lượng AUN-QA?

TS. Nguyễn Ngọc Thanh: Trong 6 năm triển khai đào tạochương trình đào tạo đại học ngành KTQT hệ chất lượng cao, chúng tôi luôn tâm niệm đã chất lượng cao thì phải hơn các chương trình thường, phải đạt được những chuẩn mực quốc tế, phải ngang tầm với các chương trình đào tạo tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, với các quy trình tuyển sinh, đào tạo, kiểm tra đánh giá được đầu tư phát triển theo hướng chuẩn quốc tế. Để đánh giá chất lượng của ngành học này, chúng tôi đã lựa chọn bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA). Với mục đích: Thứ nhất là, để biết chương trình đào tạo đại học ngành KTQT hệ chất lượng cao đã đạt cấp độ nào trên thang đánh giá của khu vực; Thứ hai là, để phát hiện chương trình còn những tồn tại gì cần khắc phục nhằm đảm bảo chương trình đạt chất lượng ngang tầm các chương trình đào tạo cùng lĩnh vực trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, đây cũng là bước thí điểm để các chương trình đào tạo khác của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN tham gia kiểm định chất lượng quốc tế.

- Vậy, việc đánh giá này sẽ mang lại những lợi ích gì và trực tiếp ở đây là người học, thưa ông?

TS. Nguyễn Ngọc Thanh: Lợi ích cao nhất của đánh giá chất lượng nói chung và kiểm định chất lượng theo bộ tiêu chuẩn của AUN nói riêng là cải tiến nâng cao chất lượng đào tạo. Kết quả đánh giá này sẽ là một bức tranh chi tiết mô tả chất lượng của chương trình. Từ đó, Nhà trường sẽ có những kế hoạch hành động cụ thể để từng bước cải tiến nâng cao chất lượng

Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) được thành lập từ năm 1995 với mục tiêu thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực thông qua giáo dục đại học trong khu vực ASEAN. Tính đến tháng 12/2010, đã có 27 trường đại học đến từ 10 quốc gia ASEAN trở thành thành viên AUN. Đánh giá chất lượng giáo dục đại học theo những tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung (AUN-QA) cũng nhằm đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng bên trong các trường, đồng thời nâng cao sự tin tưởng lẫn nhau về chất lượng đào tạo giữa các trường trong khu vực cũng như với các trường đại học đối tác trên thế giới, từng bước góp phần thúc đẩy sự công nhận thành quả học tập và phát triển hợp tác giữa các trường đại học trong khu vực.

Như vậy, người hưởng lợi đầu tiên từ hoạt động kiểm định chất lượng chương trình này chính là sinh viên. Sinh viên sẽ được hưởng một chương trình đào tạo có chất lượng được cải tiến liên tục, trên tất cả các khía cạnh như khung chương trình, các môn học, giảng viên và hoạt động giảng dạy, hoạt động hỗ trợ sinh viên. Và không chỉ sinh viên có lợi, các bên liên quan khác như giảng viên, nhà tuyển dụng đều có lợi. Cụ thể là nhà tuyển dụng có cơ hội sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao hơn, còn giảng viên được giảng dạy cho đối tượng là các sinh viên giỏi, được nghiên cứu và giảng dạy trong môi trường mang tính quốc tế, đặc biệt là có thêm cơ hội giao lưu học hỏi với các đối tác quốc tế và cũng tự hoàn thiện mình để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình.

- Với kết quả đánh giá của AUN, và kết quả tự đánh giá của ĐHQG Hà Nội, theo ông có sự khác biệt nhiều không?

TS. Nguyễn Ngọc Thanh: Từ năm 2009, Trường ĐH Kinh tế đã tiến hành kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học ngành Kinh tế Quốc tế hệ CLC theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của ĐHQG Hà Nội. Kết quả tự đánh giá và đánh giá ngoài chương trình này đã đạt được cấp độ 1 (tương đương với chuẩn quốc gia) theo quy định về kiểm định chất lượng của ĐHQG Hà Nội. Còn theo như đánh giá của AUN với kết quả trước đó, thì chất lượng đào tạo của chương trình từ trước đó đã có kết quả tốt, đạt yêu cầu quốc tế.

Hiện tại, theo thông báo của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á điểm số mà chương trình đào tạo đại học ngành KTQT hệ CLC đạt được là 4,69. Trong Bộ tiêu chuẩn của AUN-QA có 18 tiêu chuẩn với 74 tiêu chí. Mỗi tiêu chí được đánh giá theo 7 mức. Mỗi tiêu chí đều có trọng số như nhau, điểm đánh giá của toàn bộ chương trình là điểm trung bình cộng của cả 74 tiêu chí. 4.0 là ngưỡng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của AUN. Với số điểm đạt được là 4,69, có thể khẳng định chất lượng của chương trình đào tạo đại học ngành KTQT hệ CLC tại ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội vượt chuẩn AUN và hầu hết các tiêu chuẩn được đánh giá đạt hiệu quả.

- Sau khi triển khai kiểm định chất lượng chương trình này, nhà trường có kế hoạch gì cho những năm tiếp theo, thưa ông?

TS. Nguyễn Ngọc Thanh: Trường ĐH Kinh tế luôn có định hướng lâu dài trong việc đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng và đặc biệt là kiểm định chất lượng quốc tế, ở cả cấp chương trình và cấp trường đại học. Tới đây, ngoài chương trình đào tạo đại học ngành KTQT hệ CLC, Trường ĐH Kinh tế đã có kế hoạch chuẩn bị để chương trình đào tạo đại học ngành Quản trị kinh doanh đạt trình độ quốc tế sẽ tham gia kiểm định chất lượng theo bộ tiêu chuẩn của AUN.

Sau đợt kiểm định chất lượng quốc tế này, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư, và nâng cao hơn nữa chất lượng chương trình đào tạo đại học ngành KTQT hệ CLC cũng như các chương trình đào tạo khác nhằm hội nhập với các trường đại học trong khu vực và quốc tế.

- PV: Xin cảm ơn ông.

DH (thực hiện)