Trang tuyển sinh
 
Sinh viên ĐHKT tìm hiểu về hoạt động Thương mại biên giới tại các Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn

Hoạt động thương mại biên giới lần đầu tiên được đưa vào chương trình thực tế của Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, sinh viên chương trình CLC được trực tiếp trải nghiệm hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, hoạt động logistic… tại khu cửa khẩu sầm uất như Cửa khẩu Quốc tế Hữu nghị Lạng Sơn, Cửa khẩu Tân Thanh.


Đoàn đã được nghe thuyết trình về Cửa khẩu Quốc tế Hữu nghị và Cột mốc 1116. Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị là một điểm quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng theo thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam - Trung Quốc về chủ trương xây dựng "hai hành lang, một vành đai kinh tế", vị trí quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc, Việt Nam với các nước ASEAN và ngược lại.

Đoàn thực tế nghe giới thiệu về cột mốc 1116

Hàng năm, qua lại cặp Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan có trên 30 ngàn lượt phương tiện hàng hóa (chưa bao gồm các loại phương tiện vận tải khác thực hiện giao, nhận hàng hóa tại khu vực cửa khẩu) và có từ 40 đến 50 ngàn lượt phương tiện chuyển tải hành khách tại khu vực cửa khẩu.

Trung bình mỗi năm Hải quan Lạng Sơn làm thủ tục cho khoảng 100.000 bộ tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu. Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị là một cửa khẩu quốc tế của Việt Nam nằm trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Đây là điểm nối tuyến đường cao tốc Nam Ninh - Hà Nội, là cầu nối quan trọng trong phát triển quan hệ kinh tế giữa 2 nước Việt Nam và Trung Quốc. Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, phía Việt Nam đã cắm cột mốc 1116 và phía Trung Quốc cắm cột mốc 1117, đây đều là các cột mốc cỡ lớn, có gắn Quốc huy của hai nước. Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị nằm trên Quốc lộ 1A, cách thành phố Lạng Sơn 17 km về phía Bắc.”

Đường biên giới Việt - Trung chụp từ khu vực Cột mốc 1116

Sau khi kết thúc phần nghe thuyết trình và chụp ảnh kỉ niệm, đoàn tiếp tục di chuyển sang Cửa khẩu Quốc tế Hữu nghị. Tại đây, đoàn được ông Hoàng Văn Quyết, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu báo cáo chuyên đề liên quan đến vấn đề quy hoạch và xây dựng Cửa khẩu Quốc tế Hữu nghị, hoạt động Thương mại biên giới tại Lạng Sơn

Ông Hoàng Văn Quyết , Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng giới thiệu hoạt động thương mại biên giới

“Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, Ủy ban Nhân dân huyện Cao Lộc, Ủy ban Nhân dân thị trấn Đồng Đăng đã công bố công khai, xác định mốc giới quy hoạch xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị ngoài thực địa. Cửa khẩu Hữu Nghị được xây dựng trên diện tích 124ha bao gồm cột Km 0 Quốc lộ 1A, Hành lang xuất nhập cảnh, Tòa nhà quản lý xuất nhập cảnh, Quốc môn, Khu giao dịch thương mại, Quảng trường trung tâm. Tổng mức đầu tư cho dự án này trên 789 tỷ đồng.

Tổng mặt bằng khu quy hoạch cửa khẩu Hữu Nghị được tổ chức thành hai khu vực chức năng là khu đối ngoại bao gồm đường giao thông 6 làn xe; khu trung tâm bố trí tập trung các công trình chính của cửa khẩu với hệ thống giao thông được tổ chức thành hai luồng riêng biệt dành cho luồng người xuất nhập cảnh và cho xuất nhập khẩu hàng hóa.

Các công trình lịch sử văn hóa trong cửa khẩu Hữu Nghị là quần thể tái hiện một số công trình lịch sử như Nhà xứ, Đền sinh từ, Giếng nước, Dinh quan tổng trấn, Đền quan trấn ải, mang những dấu ấn lịch sử nơi biên cương Việt Nam.”

Bên cạnh đó là báo cáo về tình hình xuất nhập quan trong thời gian qua. “Để thúc đẩy phát triển thương mại biên giới, xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn, trong năm 2018, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thực hiện các quy định trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu; tạm nhập, tái xuất; thương mại biên giới..., qua đó tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, góp phần tích cực thu hút các doanh nghiệp hoạt động XNK hàng hóa qua địa bàn.

Ước tính, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn năm 2018 đạt 4,855 tỷ USD, bằng 100,7% kế hoạch, giảm khoảng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 2.955 triệu USD, đạt 103,7% kế hoạch, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2017; nhập khẩu đạt 1.900 triệu USD, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2017. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu qua Lạng Sơn năm 2018 gồm máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng, hóa chất, nguyên liệu, linh kiện phụ tùng sản xuất… Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản, hải sản, lâm sản các loại (đồ gỗ mỹ nghệ, cá ba sa, tinh bột sắn, gạo, dưa hấu, xoài, thanh long, măng cụt, sầu riêng, nhãn, chuối, ớt, mít quả tươi…).

Bước sang năm 2019, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất, tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch trọng tâm phát triển đối với ngành Công Thương, trong đó tiếp tục chú trọng thúc đẩy phát triển thương mại biên giới, thúc đẩy XNK hàng hóa, đặt chỉ tiêu kế hoạch kim ngạch XNK qua địa bàn năm 2019 phấn đấu đạt 5,180 tỷ USD (xuất khẩu đạt 3 tỷ USD, nhập khẩu 2,1 tỷ USD và xuất khẩu hàng hóa địa phương 137,5 triệu USD).”

Đến trưa, đoàn tiếp tục lên xe di chuyển sang Cửa khẩu Tân Thanh dung bữa trưa.

Chúng tôi đã được thưởng thức các món ăn rất đặc trưng của Xứ Lạng cũng như vùng biên giới: Vịt quay, Thịt xiên nướng lá móc mật, Đậu phụ Tứ xuyên, Bò xào măng đắng,...

Sau bữa trưa là thời gian tham quan Khu Chợ Biên giới Việt - Trung. Khu chợ (Khu Trung tâm Thương mại) này có nhiều Ki-ốt bán quần áo, chăn ga gối đệm, đồ điện tử, đặc sản vùng miền,… là nơi giao thương giữa người dân của 2 nước. Việc mua bán ở khu chợ Tân Thanh khá dễ dàng vì mặt hàng đa dạng người dân có thể nói 2 ngôn ngữ Việt Nam, Trung Quốc.

Tôi cùng hai người bạn thân đã ghé vào một cửa hàng điện tử mua mic sạc điện và giao lưu cùng người bán hàng. Người dân ở đây rất thân thiện, tư vấn và hướng dẫn nhiệt tình. Đặc biệt, anh còn hát giao lưu với chúng tôi vài bài để kiểm tra mic. Những người chủ tiệm bên cạnh cũng rất thân thiện vỗ tay theo.

Trước khi kết thúc tham quan tự do, chúng tôi đã thử một món đặc sản đó là Sữa chua uống. Người bán hàng quảng cáo rằng loại sữa này có tác dụng làm trắng da và hồng môi. Hiệu quả tuy chưa thể kiểm chứng nhưng hương vị thì quả thực rất thơm ngon với nhiều hương vị trái cây để lựa chọn.

Điểm đến cuối cùng của chuyến đi thực tế này là Cửa khẩu Tân Thanh. Cửa khẩu Tân Thanh là cửa khẩu tại vùng đất bản Nà Lầu xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam. Cửa khẩu Tân Thanh thông thương sang cửa khẩu Pu Zhai (Pò Chài) ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Cửa khẩu Tân Thanh nổi tiếng ở miền bắc Việt Nam là nơi có chợ biên giới trao đổi hàng nông thủy sản, và nhập hàng công nghiệp tiêu dùng giá rẻ từ Trung Quốc.

Ở Cửa khẩu Tân Thanh chúng tôi được nghe đơn vị Biên phòng giới thiệu và tham quan cột mốc 1091. Ở đây có rất nhiều xe tải lớn ra vào cửa khẩu. Nhiều sinh viên còn vui tính hỏi rằng sao trên xe tải chỉ toàn rơm. Nhìn kĩ chúng tôi mới thấy rõ đây là những xe tải chở dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc. Những trái dưa hấu được xếp trong rơm để tránh hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Xe tải đi qua cửa khẩu sẽ phải qua khâu kiểm dịch và phun khử trùng trước khi thông quan.

Kết thúc chuyến thực tế, cả đoàn lên xe quay trở về Hà Nội. Mặc dù đây là một chuyến đi trong ngày với gần 10 tiếng ngồi xe mệt mỏi và ê ẩm, nhưng cũng rất xứng đáng. Chúng tôi đã được tham quan những địa điểm mới, học hỏi những kiến thức mới không chỉ là những kiến thức kinh tế mà còn cả kiến thức văn hóa và lịch sử.

Đoàn chụp hình lưu niệm tại cửa khẩu Tân Thanh

Sau chuyến đi này chúng tôi mong còn có nhiều chuyến thực tế hơn nữa để thu được kiến thức và thêm nhiều thời gian bên thầy cô và bạn bè.


Hoàng Ngọc Mai_QH 2016 E KTQT CLC