Trang tuyển sinh
 
Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN dự kiến hợp tác sau đại học với các địa phương

Ảnh minh họa
Căn cứ theo hướng dẫn số 4588/HD-ĐHQGHN ngày 28/11/2017 về tổ chức đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và thạc sĩ cho các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và các vùng kinh tế trọng điểm; trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và các trường đại học tại địa phương, cụ thể là trường Đại học Hải Dương - tỉnh Hải Dương, Đại học Phạm Văn Đồng - tỉnh Quảng Ngãi, Đại học Đông Á - thành phố Đà Nẵng, năm 2019, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN dự kiến hợp tác đào tạo các chuyên ngành thạc sĩ:


Hợp tác với trường Đại học Hải Dương - tỉnh Hải Dương:

- Chuyên ngành Quản trị kinh doanh

- Chuyên ngành Chính sách công và phát triển

Hợp tác với trường Đại học Phạm Văn Đồng - tỉnh Quảng Ngãi:

- Chuyên ngành Kinh tế quốc tế

- Chuyên ngành Chính sách công và phát triển

Hợp tác với trường Đại học Đông Á - thành phố Đà Nẵng:

- Chuyên ngành Chính sách công và phát triển

Các chương trình hợp tác đào tạo thạc sĩ với mục tiêu nhằm bổ sung nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, góp phần xây dựng tỉnh Hải Dương, tỉnh Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng phát triển nhanh hơn nữa về kinh tế, văn hóa và xã hội; đồng thời cũng góp phần nâng cao thương hiệu của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và các trường đại học đối tác (Trường Đại học Hải Dương - tỉnh Hải Dương, Đại học Phạm Văn Đồng - tỉnh Quảng Ngãi, Đại học Đông Á - thành phố Đà Nẵng) qua các chương trình hợp tác đào tạo và sản phẩm đào tạo; tăng thêm sự gắn kết giữa ĐHQGHN với tỉnh Hải Dương, tỉnh Quảng Ngãi, thành phố Đà Nẵng.

Giới thiệu về các chương trình đào tạo thạc sĩ:

Chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh định hướng ứng dụng được xây dựng nhằm mục tiêu trang bị cho người học phương pháp tư duy khoa học, có tư duy chiến lược và các kỹ năng tác nghiệp cụ thể về các lĩnh vực như: Lãnh đạo trong tổ chức, Quản trị Marketing, Quản trị nguồn nhân lực, Quản trị tài chính, Quản trị dự án, Quản trị rủi ro... Người học cũng có các kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định trong bối cảnh thông tin bất đối xứng, được trang bị nền tảng đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp, biết thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp một cách đúng đắn để hài hòa các lợi ích trong xã hội.

Chương trình đào tạo thạc sĩ Chính sách công và phát triển cung cấp cho các học viên cơ sở lý luận, phương pháp tư duy, kiến thức thực tiễn, cùng các công cụ phân tích đánh giá chính sách công trên nền tảng cách tiếp cận, tư duy kinh tế học/ kinh tế phát triển và quản trị kinh doanh. Chương trình giúp học viên hiểu rõ và có thể thực hành việc hoạch định, thực thi và quản trị các chiến lược chính sách phát triển của nhà nước, cơ quan, tổ chức xã hội và doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu/ giảng dạy chuyên sâu về chính sách công và phát triển. Chương trình giúp học viên có được một phông kiến thức đủ rộng nhưng vẫn chuyên sâu về các lĩnh vực chính sách công, phát triển kinh tế và quản trị kinh doanh theo hướng bền vững trên thế giới và Việt Nam. Chương trình vì vậy có những học phần mang tính nền tảng về chính sách công, kinh tế học và quản trị kinh doanh vừa có những học phần mang tính liên ngành/ chuyên sâu về chính sách công và quản trị vì sự phát triển bền vững và những học phần cung cấp các công cụ phân tích, đánh giá chính sách phát triển.

Chương trình đào tạo thạc sĩ Kinh tế quốc tế theo định hướng ứng dụng nhằm trang bị cho người học kiến thức chuyên sâu để tác nghiệp trong các lĩnh vực về thương mại quốc tế, tài chính quốc tế, đầu tư quốc tế, chuỗi cung ứng và logistics; nâng cao kỹ năng lãnh đạo quản lý và tư duy, rèn luyện khả năng xử lý các tình huống thực tiễn cũng như ứng dụng và phát huy có hiệu quả kiến thức chuyên ngành Kinh tế quốc tế vào việc thực hiện các công việc cụ thể như phân tích, tư vấn chính sách; lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các dự án về thương mại quốc tế, tài chính quốc tế, đầu tư quốc tế, chuỗi cung ứng và logistics, phù hợp với điều kiện thực tế tại các các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các doanh nghiệp trong và ngoài nước; có thể học tập, nghiên cứu ở bậc cao hơn nếu có ít nhất hai bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước hoặc quốc tế.


Thùy Linh (Phòng Tuyển sinh - ĐHKT)