Trang tuyển sinh
 
Khuyến nghị chính sách phát triển chuỗi giá trị nông sản hướng tới nông nghiệp bền vững của Việt Nam

Những vấn đề nóng ​về phát triển chuỗi giá trị nông sản hướng tới nông nghiệp bền vững, các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) trong thương mại nông sản, tầm nhìn quy hoạch nông nghiệp đến năm 2050… đang được quan tâm hiện nay, đặc biệt trong thời kỳ biến động do Covid 19 đã được thảo luận tại Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển chuỗi giá trị nông sản hướng tới nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập tại Đông Nam Á” do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đăng cai tổ chức.


Hội thảo có sự phối hợp tổ chức của đơn vị: Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế, Bộ Công thương; Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN&PTNT; Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Bộ NN&PTNT; Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN&PTNT bằng hình thức trực tuyến. Đây là diễn đàn khoa học cấp quốc gia về phát triển chuỗi giá trị nông sản với nhiều khuyến nghị chính sách có giá trị, thu hút sự tham dự của gần 200 chuyên gia, nhà nghiên cứu tại tổ chức, trường đại học cũng như các cơ quan báo chí và những người quan tâm qua nền tảng zoom. Chương trình cũng được chia sẻ trực tiếp trên fanpage của Cổng thông tin đối ngoại Việt Nam, Cổng thông tin ASEAN - Việt Nam và các kênh truyền thông chính thống khác.

 

PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đánh giá cao những đóng góp về giá trị khoa học và tính thời sự của các tham luận trình bày trong Hội thảo

    
    

Các diễn giả tham gia trình bày tham luận tại Hội thảo

Từ khung lý thuyết đánh giá về vị thế và những vấn đề thách thức của ngành nông nghiệp Đông Nam Á

Trong báo cáo đề dẫn với chủ đề “Những vấn đề chung trong phát triển chuỗi giá trị nông sản hướng tới nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập tại Đông Nam Á: chính sách và thực tiễn”, PGS.TS. Nguyễn An Thịnh, Trưởng Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN cho biết: “Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác có nền nông nghiệp lâu đời, sản xuất nông nghiệp chiếm tỉ trọng quan trọng trong GDP (trừ Singapore và Brunei). Cambodia, Myanmar, Lào, Việt Nam, Indonesia và Philippines là các quốc gia có tỉ trọng nông nghiệp trong GDP đạt trên 10% vào năm 2020, trong đó cao nhất là Cambodia và Myanmar đạt 22,8% (theo databank.worldbank.org).

Nền nông nghiệp của các quốc gia Đông Nam Á chịu tác động của các khủng hoảng trong cả dài hạn và ngắn hạn, bao gồm suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đại dịch Covid-19,… Nghiên cứu này sử dụng bộ số liệu thống kê nông nghiệp công bố năm 2021 của Công ty Statica (https://www.statista.com/) và FAO phân tích định tính và định lượng thực trạng phát triển nông nghiệp tại các quốc gia Đông Nam Á, cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp bền vững, ứng phó với các khủng hoảng tại khu vực này.”

 

PGS.TS. Nguyễn An Thịnh, Trưởng Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN trình bày khung lý thuyết trong nghiên cứu, đánh giá chuỗi giá trị nông sản

Bằng phương pháp phân tích định tính số liệu về hiện trạng nông nghiệp, phương pháp phân tích thống kê mô tả các chỉ số phát triển nông nghiệp tại các quốc gia Đông Nam Á, các chuyên gia chỉ ra rằng Đông Nam Á là khu vực đông dân cư và hầu hết các quốc gia đều phát triển đi lên trên nền tảng của nông nghiệp. Vì vậy, nông nghiệp đóng vai trò trụ cột, đã và đang nhận được sự ưu tiên trong các chính sách trọng. Đông Nam Á là khu vực đóng góp không nhỏ vào giá trị sản xuất nông nghiệp tại khu vực châu Á và trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), tổng giá trị sản xuất nông nghiệp khu vực Đông Nam Á năm 2018 đạt mức 254.18 tỷ USD, chiếm 12.9% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của khu vực Châu Á (1970.29 tỷ USD), và chiếm 7.16% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp thế giới (3550.23 tỷ USD).

Ngành nông nghiệp tại các quốc gia Đông Nam Á chiếm tỷ lệ lớn lực lượng lao động hoạt động ở cả bốn lĩnh vực là trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp. Hơn 3/4 người dân Lào sống ở các vùng nông thôn và phụ thuộc vào nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên để sinh tồn; ngành nông nghiệp Myanmar sử dụng hơn một nửa lực lượng lao động; số người có việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp tại Malaysia là 1.541,1 nghìn người (năm 2019). Nông nghiệp cũng đóng góp tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của các quốc gia. Tại Lào, nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên chiếm 24,8% GDP và hơn 70% việc làm vào năm 2018, Malaysia sử dụng hơn một nửa lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp, đóng góp 7,1% (101,5 tỷ RM) vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019 của quốc gia này. Còn tai Việt Nam, năm 2020, đóng góp của ngành nông nghiệp vào GDP quốc gia tăng lên, giữ mức 14.85%.

Tuy nhiên, hầu hết các nước Đông Nam Á lại đang đối mặt với nhiều thách thức, như: hạn chế về tiến bộ công nghệ và thách thức chuỗi cung ứng, hạn chế cơ giới hóa, biến đổi khí hậu dẫn đến thiên tai, thời tiết xấu kéo dài, sự sụt giảm về năng suất và sản lượng, vấn đề an ninh lương thực…

Những thách thức này đòi hỏi các quốc gia phải nhanh chóng thích nghi với tình hình mới. Trong đó, Campuchia có thể được coi như là một hình mẫu trong phát triển kinh tế bắt đầu từ nông nghiệp với sự hợp tác lớn giữa các bộ/ngành liên quan, chính quyền địa phương, các đối tác và cơ quan phát triển, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, khu vực tư nhân và cộng đồng về sự hợp tác và hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động và tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng và đẩy nhanh tiến độ trong lĩnh vực nông nghiệp. Indonesia lựa chọn việc đổi mới và áp dụng các công nghệ kỹ thuật số mới nổi vào thực tiễn nông nghiệp nhanh hơn trước.

Trong khuôn khổ nghiên cứu của Hội thảo, các nhà khoa học của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã kết hợp khung lý thuyết chuyển đổi sinh thái - xã hội (SET) và khung phân tích áp lực - thực trạng - đáp ứng (PSR) để nghiên cứu tác động kép của biến đổi khí hậu và COVID-19 tới nông nghiệp và an ninh lương thực, tạo nên những ưu thế riêng biệt cho nghiên cứu. Khung SET có ưu thế trong thiết kế mô hình lý thuyết, định hướng nghiên cứu sản xuất nông nghiệp nhằm mục tiêu đưa ra đề xuất về chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp để hướng tới phát triển nông nghiệp và hệ thống lương thực vì mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu và Covid-19. Khung PSR có ưu thế trong thiết kế nghiên cứu đánh giá tác động kép của biến đổi khí hậu và Covid-19 theo tiếp cận chỉ số hóa. Tiếp cận kết hợp khung SET và khung PSR cho phép vận dụng được thế mạnh của hai khung lý thuyết này để thực hiện thiết kế nghiên cứu đánh giá tác động và đề xuất chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của các khủng hoảng dài hạn và ngắn hạn ở các quy mô lãnh thổ khác nhau.

Từ đó, kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp thông tin chính xác, cập nhật cho các nhà nghiên cứu cũng như các nhà quản lý, những người ra quyết định trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp bền vững, ứng phó khủng hoảng trong nông nghiệp và phát triển thương mại nông sản tại Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á.

 

Và những phân tích chuyên sâu về nông nghiệp Việt Nam

PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN&PTNT cho biết: Các dự báo và thực tế biến đổi khí hậu toàn cầu những năm gần đây cho thấy Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Biến đổi khí hậu. Việt Nam cần có những hành động cụ thể để đẩy mạnh hợp tác, tạo thêm ngoại lực hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển Hệ thống lương thực thực phẩm thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng không chỉ cho gần 100 triệu người Việt Nam mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Mặt khác, tài nguyên cho sản xuất nông nghiệp ngày càng khan hiếm hơn và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt đang là những thách thức lớn để đảm bảo an ninh lương thực cho 7,9 tỷ dân trên toàn thế giới. Vì vậy, trong thập kỷ hành động này, hệ thống lương thực thực phẩm đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nỗ lực để đạt được tất cả 17 Mục tiêu phát triển bền vững. Thêm vào đó, với sự gia tăng giá hàng hóa toàn cầu, bao gồm cả thực phẩm đã đặt ra một loạt thách thức mới đối với khả năng duy trì con đường tăng trưởng bền vững và công bằng xã hội của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nghiên cứu của các chuyên gia được công bố trong Hội thảo đã tập trung phân tích về vấn đề an ninh lương thực, chủ quyền lương thực và các chính sách về an ninh lương thực của Việt Nam nhằm thực hiện đề án Đảm bảo an ninh lương thực đến 2030 mới được ban hành năm 2020.

Chuyên gia đã đề xuất nhóm giải pháp nhằm đạt các mục tiêu của phát triển bền vững, bao gồm: Đảm bảo mọi người tiếp cận được thực phẩm an toàn và dinh dưỡng; Chuyển đổi sang tiêu dùng bền vững; Đẩy mạnh sản xuất bền vững; Xây dựng các chuỗi giá trị cạnh tranh, bao trùm và bình đẳng; Tăng cường khả năng thích ứng với tổn thương, cú sốc và sức ép.

 

PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN&PTNT trình bày tham luận tại Hội thảo

Với vấn đề nóng hiện nay là tác động của COVID-19 lên các chuỗi giá trị thực phẩm, PGS.TS. Đào Thế Anh đưa ra các giải pháp như: Tăng cường kết nối thông in và điều phối chuỗi giá trị; Tăng cường áp dụng ATTP và tiêu chuẩn chất lượng; Đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến; Minh bạch thông tin và truy xuất nguồn gốc áp dụng công nghệ số; Đa dạng kênh phân phối, thương mại điện tử.

Việt Nam đã có nhiều chính sách thực hiện đảm bảo vấn đề an ninh lương thực và chủ quyền lương thực, trong đó quan tâm nhiều đến chính sách phát triển hệ thống lương thực thực phẩm nhằm hướng đến thúc đẩy hành động để đạt được 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2030. Đặc biệt, chính sách về an ninh lương thực trong đó cũng cần phải nhắc đến đó là “Chiến lược quốc gia về bảo đảm an toàn thực phẩm đến năm 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 có hai mục tiêu tổng quát: 1) Thực hiện các quy hoạch tổng thể về an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng đến năm 2015; và 2) kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm vào năm 2020. Các mục tiêu cụ thể của chiến lược liên quan đến: nâng cao nhận thức và thực hành an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng; nâng cao năng lực cho hệ thống quản lý an toàn thực phẩm; cải thiện đáng kể công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh; và tích cực phòng chống ngộ độc thực phẩm cấp tính.

Tuy nhiên, nhiều chính sách hiện vẫn còn chồng chéo và chưa được phù hợp để áp dụng trong các bối cảnh diện rộng. Ví dụ chương trình hành động quốc gia nhằm không còn nạn đói vào năm 2025 cần được lồng ghép vào chiến lược an ninh lương thực. Nhận thức của xã hội và các địa phương về an ninh dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cũng cần được quan tâm từ cấp địa phương. Tiêu chí về dinh dưỡng bình quân đầu người nên tham khảo Chương trình “Không còn người đói”: tỷ lệ người có mức calo thấp hơn 1.800 kcal là dưới 5% vào năm 2025, do đó đến năm 2030 có thể là dưới 4%, điều này dễ dàng hơn để theo dõi các nhóm suy dinh dưỡng hơn so với việc sử dụng mức dinh dưỡng trung bình.

 

Đến xác định tầm nhìn chiến lược và khuyến nghị chính sách phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản Việt Nam

Trên cơ sở lý thuyết và phân tích chuyên sâu trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp có giá trị khuyến nghị chính sách cao. PGS.TS. Nguyễn An Thịnh nhấn mạnh, để phát triển chuỗi giá trị nông sản, ngành nông nghiệp Việt Nam cần phát huy tác động tích cực của các FTA thế hệ mới, hỗ trợ việc tích hợp sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; áp dụng chuyển đổi số, mạng xã hội, ICT; Chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp và hệ thống lương thực vì mục tiêu phát triển bền vững và chống chịu khủng hoảng; Nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSA). Ngoài ra, Việt Nam cần phát triển các mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội (SET) cũng như các mô hình phát triển năng suất xanh (GP).

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN&PTNT cho biết Việt Nam đã thực thi các cam kết của Hiệp định về Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Agreement on Sanitary and Phytosanitary Measures - SPS) trong phát triển giá trị chuỗi nông sản. Hiệp định SPS ra đời bắt đầu có hiệu lực vào ngày 01/1/1995, nêu ra những quy định được thiết kế để ngăn ngừa tình trạng lạm dụng các quy định về an toàn và sức khỏe như là những phương tiện không minh bạch nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước (Josling, Robert và Orden 2004). Hiệp định đưa các nguyên tắc và điều kiện mà các nước thành viên WTO phải tuân thủ khi ban hành và áp dụng các biện pháp SPS để cân bằng các lợi ích thương mại giữa các quốc gia thành viên WTO.

Kết quả thực hiện các cam kết của Hiệp định SPS/WTO tại Việt Nam đã thấy rõ trong việc hoàn thiện thể chế và pháp lý, tăng cường năng lực kỹ thuật, minh bạch hóa thông tin, đảm bảo hài hòa hóa các quy định luật pháp của Việt Nam với quốc tế. Từ đó, Việt Nam đã xây dựng được bộ Quy trình thủ tục trong thanh, kiểm tra và chấp thuận cho phép nhập khẩu của Việt Nam; tham gia xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, bảo vệ thực vật (IPPC) và tổ chức bảo vệ thực vật vùng (APPPC); Tham gia tích cực các phiên họp Ủy ban SPS/WTO;

Từ việc phân tích cơ hội, thách thức và hạn chế khi thực hiện Hiệp định SPS, các chuyên gia đã đề xuất các nhóm giải pháp về thể chế, chính sách, trong đó nhấn mạnh cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết của WTO, FTA về các biện pháp SPS theo lộ trình đã đề ra. Trong việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy hiện hành, cần đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả. Từ phía Chính phủ, tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu liên quan đến Hiệp định, quy định quản lý SPS của các nước thành viên FTA cho các doanh nghiệp. Tiếp tục thúc đẩy thực thi đầy đủ các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định đa phương về môi trường, bảo tồn và bảo vệ động thực vật hoang dã. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

 

TS. Lê Thanh Hòa nhấn mạnh cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết của WTO, FTA về các biện pháp SPS

Trong bài tham luận với chủ đề “Chiến lược phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050” - TS. Nguyễn Quang Dũng, Viện trưởng, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam có tiềm năng và đã khai thác được những thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp. Các chuyên gia nghiên cứu của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đề xuất việc phát triển nông nghiệp Việt Nam trên cơ sở định hướng theo nhóm sản phẩm và định hướng phát triển theo vùng. Trong đó có 3 nhóm sản phẩm chiến lược là Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia (như lúa gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả…); Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; Nhóm sản phẩm đặc sản địa phương.
Từ việc đánh giá các yếu tố phát triển, đề xuất giải pháp, các chuyên gia của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đã đưa ra Tầm nhìn quy hoạch nông nghiệp đến năm 2050 với các mục tiêu chính: Phát triển nông nghiệp hiện đại, vào Top 10 - 12 nước nông nghiệp phát triển nhất thế giới, là một trong những trung tâm sản xuất, chế biến và thương mại nông sản hàng đầu thế giới; Nông nghiệp Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế gới, trung tâm logistic của thương mại nông sản toàn cầu, sản xuất hàng hóa lớn gắn với CNH - HĐH, phát triển bền vững và chủ động thích ứng biến đối khí hậu, kết nối bền vững chuỗi nông sản toàn cầu; Phát triển nông nghiệp xanh như nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, nông nghiệp sạch, có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến thế giới; Tỷ lệ nông sản được chứng nhận sản xuất bền vững trên 60%; GDP NN tăng 3 - 4%, thu nhập từ chế biến NS tăng từ 5 - 7%/năm, năng suất lao động nông nghiệp tăng trên 7%/năm.

 

Theo TS. Nguyễn Quang Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Bộ NN&PTNT, tầm nhìn quy hoạch nông nghiệp đến năm 2050 Việt Nam sẽ ở Top 10 - 12 nước nông nghiệp phát triển nhất thế giới.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Ban tổ chức đã xuất bản cuốn Kỷ yếu 740 trang với hàm lượng khoa học cao về vấn đề phát triển chuỗi giá trị nông sản hướng tới nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập tại Đông Nam Á. Kỷ yếu chia làm 4 phần nội dung chính với 32 chuyên đề, phân tích sâu về các vấn đề như: Các lý thuyết phát triển trong nghiên cứu chuỗi giá trị nông nghiệp và hệ thống lương thực bền vững; Thị trường nông sản, chính sách và các rào cản kỹ thuật đối với thương mại hàng nông sản; Hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững; Một số chuỗi giá trị nông sản hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Kỷ yếu sẽ được xuất bản thành sách tham khảo trong nước và quốc tế, đây có thể coi là cơ sở dữ liệu khoa học quy mô lớn, hàm lượng khoa học cao, giàu giá trị thực tiễn và những khuyến nghị chính sách thiết thực đối với các cơ quan hữu quan trong phát triển nông nghiệp bền vững của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập tại Đông Nam Á.

 

 Kỷ yếu Hội thảo

Xem lại livestream tại đây


Tin bài liên quan:

Việt Nam cần tận dụng được thương mại và đầu tư để nâng cao vị thế trên trường quốc tế trong tương lai

Khó khăn trong bối cảnh mới: Cơ hội nào cho hoạt động kinh tế quốc tế?


Thùy Dung - UEB Media