Thông tin cho cán bộ
 
Hướng dẫn hỗ trợ tài chính công bố quốc tế và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho người học ở ĐHQGHN

Văn bản này hướng dẫn hỗ trợ công bố quốc tế và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên (gọi chung là người học), nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trình độ cao và hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, tiếp cận theo chuẩn mực quốc tế và định hướng đổi mới sáng tạo ở Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).


>>> Tải về văn bản hướng dẫn và mẫu đơn đăng ký - PDF

1. Đối tượng hỗ trợ

Người học đang học tập tại ĐHQGHN có công bố quốc tế và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ ghi địa chỉ ĐHQGHN (tên tiếng Anh: Vietnam National University, Hanoi).

Đối với nghiên cứu sinh, công bố quốc tế hoặc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ phải có nội dung phù hợp với đề tài luận án đang triển khai.

Mỗi ấn phẩm công bố hoặc sản phẩm đăng ký thành công quyền sở hữu trí tuệ được xem xét hỗ trợ 01 lần. Trường hợp ấn phẩm có 02 tác giả hoặc/và tác giả liên hệ trở lên, việc hỗ trợ cũng được xét 01 lần cho nhóm các tác giả liên hệ của ấn phẩm đó.

2. Loại hình và định mức hỗ trợ

2.1. Các ấn phẩm khoa học công bố quốc tế

Các ấn phẩm công bố quốc tế được chia thành 02 lĩnh vực:

Nhóm lĩnh vực khoa học tự nhiên và y dược, kĩ thuật và công nghệ: chỉ hỗ trợ cho công trình công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành thuộc danh mục cơ sở dữ liệu ISI và Scopus;

Nhóm lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học liên ngành: hỗ trợ với cả các ấn phẩm khoa học thuộc cơ sở dữ liệu của Scimago và các ấn phẩm của các Nhà xuất bản quốc tế có uy tín.

Định mức hỗ trợ cho các công trình khoa học được xác định như sau:

a) Ấn phẩm chưa được tài trợ từ các đề tài, dự án khoa học và công nghệ (KH&CN) các cấp ở trong nước sẽ được hỗ trợ:

Ấn phẩm công bố

Mức hỗ trợ/01 ấn phẩm
(đơn vị: đồng)

Tác giả đứng đầu; Tác giả liên hệ

Đồng tác giả

- Trên tạp chí khoa học thuộc top 5% tạp chí hàng đầu được phân loại theo nhóm lĩnh vực, ngành/chuyên ngành của Scimago và tương ứng với lĩnh vực chuyên môn của tác giả

60.000.000

30.000.000

- Trên tạp chí khoa học thuộc danh mục cơ sở dữ liệu của ISI hoặc Scopus và được Scimago xếp hạng Q1

30.000.000

15.000.000

- Trên tạp chí khoa học thuộc danh mục cơ sở dữ liệu của ISI hoặc Scopus và được Scimago xếp hạng Q2

21.000.000

12.000.000

- Trên tạp chí khoa học thuộc danh mục cơ sở dữ liệu của ISI hoặc Scopus và được Scimago xếp hạng Q3, Q4 hoặc thuộc danh mục A&HCI và ESCI của ISI

18.000.000

9.000.000

- Trên tạp chí quốc tế khác thuộc cơ sở dữ liệu của Scimago và NXB có uy tín trên thế giới, NXB của 500 trường đại học hàng đầu thế giới, 100 trường đại học hàng đầu châu Á theo bảng xếp hạng QS

12.000.000

6.000.000

b) Ấn phẩm đã được tài trợ từ các đề tài, dự án KH&CN các cấp ở trong nước sẽ được hỗ trợ 1/2 kinh phí so với mức quy định tương ứng nêu tại mục a của khoản này.

2.2. Các bằng độc quyền và chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ

a) Bằng độc quyền hoặc chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ chưa được tài trợ từ các đề tài, dự án KH&CN các cấp sẽ được hỗ trợ:

Bằng độc quyền/Giấy chứng nhận

Mức hỗ trợ/01 loại hình
(đơn vị: đồng)

Tác giả chính

Đồng tác giả

- Sáng chế được cấp bằng độc quyền sáng chế quốc tế

60.000.000

30.000.000

- Sáng chế được cấp bằng độc quyền sáng chế do Cục Sở hữu trí tuệ cấp

30.000.000

15.000.000

- Các bằng sở hữu trí tuệ khác do Cục Sở hữu trí tuệ cấp

21.000.000

12.000.000

b) Bằng độc quyền hoặc chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ đã được tài trợ từ các đề tài, dự án KH&CN các cấp sẽ được hỗ trợ 1/2 kinh phí so với mức quy định tương ứng nêu tại mục a của khoản này.

3. Tổ chức thực hiện

3.1. Thời gian xét hỗ trợ

Tổ chức hỗ trợ cho các công trình 02 đợt/năm. Các đơn vị tổng hợp các đề xuất gửi về Ban Khoa học Công nghệ trước ngày 30/6 và 30/12 hằng năm.

3.2. Hồ sơ đề nghị xét tài trợ

- Đơn đăng ký xét hỗ trợ (Mẫu 01), có xác nhận của thủ trưởng đơn vị và đại diện tập thể tác giả.

- Đối với ấn phẩm công bố quốc tế: 01 bản in công trình công bố, các thông tin liên quan đến xuất bản trực tuyến của công trình và thông tin về phân loại của tạp chí (gửi kèm file điện tử).

- Đối với Bằng độc quyền sáng chế và bằng sở hữu trí tuệ: 01 bản photocopy được công chứng tại đơn vị hoặc các cấp khác và các thông tin liên quan (gửi kèm file điện tử).

3.3. Đơn vị đầu mối xét hỗ trợ

Ban Khoa học Công nghệ tiếp nhận hồ sơ, đề xuất Tổ thẩm định và trình Giám đốc ĐHQGHN xem xét quyết định thành lập Tổ đối với từng nhóm lĩnh vực.

Tổ thẩm định gồm 05 thành viên, trong đó có 01 Tổ trưởng, 01 Thư ký và 03 Ủy viên. Tổ thẩm định có trách nhiệm đánh giá và xem xét đề xuất Giám đốc ĐHQGHN quyết định hỗ trợ cho các hồ sơ đề nghị.

3.4. Những hồ sơ không ghi đầy đủ thông tin sẽ không được xem xét hỗ trợ. ĐHQGHN không tổ chức thông báo đối với các trường hợp không được hỗ trợ.

3.5. Kinh phí

- Kinh phí tổ chức thẩm định hồ sơ lấy từ kinh phí hoạt động KH&CN thường xuyên ĐHQGHN.

- Kinh phí hỗ trợ công bố quốc tế và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho người học ở Đại học Quốc gia Hà Nội được lấy từ các nguồn KH&CN thường xuyên, Quỹ Phát triển KH&CN ĐHQGHN, Quỹ Phát triển ĐHQGHN hoặc/và các nguồn khác do Giám đốc ĐHQGHN quyết định phù hợp với khả năng tài chính của các nguồn.

Hướng dẫn này thay thế Hướng dẫn số 3793/HD-ĐHQGHN ngày 29/9/2017 của Giám đốc ĐHQGHN và có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng, Trưởng các ban chức năng, các thủ trưởng đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN và các cá nhân, tập thể có liên quan trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Hướng dẫn này./.


Ban KHCN - ĐHQGHN