Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Khoa Quản trị Kinh doanh tổ chức seminar: Phương pháp giảng dạy hiện đại

TS. Nguyễn Tiến Dũng (giữa) và các báo cáo viên.
Ngày 12/3/2009, Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường ĐHKT đã tổ chức Seminar lần thứ 3 về “Phương pháp giảng dạy, soạn bài giảng và thống nhất khung sản phẩm giảng dạy của khoa QTKD” do TS. Nguyễn Tiến Dũng - Chủ nhiệm Khoa cùng nhóm cộng sự báo cáo.


Các chủ đề được đưa ra thảo luận trong trong lần hội thảo này là: “Cách thức xây dựng đề cương khóa học và giảng bài”, “Hướng dẫn thảo luận”, “Mở rộng môi trường học tập”, “Đánh giá và cho điểm”…
ThS. Nguyễn Phương Mai nêu ra những vấn đề thường gặp trong quá trình soạn bài giảng như “Nỗi ám ảnh” muốn “ôm vào” mọi thứ; “việc học hời hợt của sinh viên do có quá nhiều tài liệu và những bài giảng liền tù tì với quá nhiều chi tiết”, hay “Khó quyết định được cần bỏ đi những phần nội dung nào trong bản đề cương khoá học”.
ThS. Nguyễn Hải Minh trình bày ý kiến xung quanh vấn đề “Hướng dẫn thảo luận” trên lớp. Phương pháp thảo luận trong dạy học tuy không phải là một điều mới mẻ, nhưng vì chúng ta nhận thức chưa đầy đủ về nó nên thường lúng túng hay đôi khi quá duy ý chí khi áp dụng nó. Nếu được đặt câu hỏi với bất kỳ giáo viên nào về mục tiêu trước tiên họ cần đạt trong một buổi học thảo luận thì câu trả lời là kích thích học sinh phát biểu chia sẻ ý kiến và duy trì không khí đó. Đối với người giáo viên, việc cố gắng phá tan bầu không khí yên lặng của các sinh viên mệt mỏi, nhút nhát hoặc không chuẩn bị trước thì sự thành công chỉ được tính từng phút để duy trì sự phát biểu của sinh viên. Thảo luận trong lớp là hết sức cần thiết để nâng cao chất lượng bài giảng, nhưng vấn đề cần cân nhắc là mức độ phối hợp giữa thời gian giảng bài lý thuyết và thời gian thảo luận.
Việc “Đánh giá và cho điểm” cũng là một vấn đề rất quan trọng trong quá trình dạy học để xác nhận mức độ tiếp thu kiến thức của sinh viên, ThS. Nguyễn Thu Hà chia sẻ ý kiến: Cần làm song song hai việc: “Đánh giá việc học qua các bài kiểm tra, Đánh giá và cho điểm giảng viên”. Nói cách khác, dạy là một quá trình tương tác hai chiều nên trong chừng mực nào đó, thành công hay thất bại của sinh viên cũng là thành công hay thất bại giảng viên.
ThS. Nguyễn Anh Tuấn trình bày ý kiến về “Mở rộng môi trường học tập” với tiêu điểm thay vì yêu cầu sinh viên thể hiện họ học được bao nhiêu từ những gì mình dạy và đưa ra các kết luận mở và khuyến khích sinh viên thử liều thám hiểm ra ngoài những ranh giới tâm lý quen thuộc của họ - đó chính là ý nghĩa của việc học.
TS. Nguyễn Thị Bích Đào, một giảng viên lâu năm gợi ý về mô hình “Bàn tay 5 ngón” với các 5 mục tiêu tương ứng: 1. Công bố rõ mục tiêu bài học; 2. Nêu rõ các nội dung cần học; 3. Phân tích nội dung cần học gắn với thực tiễn như thế nào; 3. Đưa ra các giải pháp cho việc ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn; 5. Kết luận, bài học thu được những gì. ThS. Trần Việt Dũng còn nhấn mạnh thêm, quan điểm người giảng viên là một diễn viên chính trên sân khấu đã quá cũ, mà hiện nay giảng viên giữ vai trò là một nhạc trưởng, và sinh viên trong các giờ lên lớp là các nhạc công thực hiện phần hòa âm của mình để tấu lên giai điệu theo từng trang giáo án.
Kết thúc seminar, TS. Nguyễn Tiến Dũng đã tập hợp lại ý kiến đóng góp của các thành viên tham dự và nhắc lại những nguyên tắc cơ bản mà các giảng viên cần tuân theo.
Kế thừa những kết quả từ buổi thảo luận này, Khoa QTKD sẽ xây dựng bộ quy trình cho soạn bài giảng và giảng dạy theo phong cách hiện đại, đáp ứng được yêu cầu đào tạo cử nhân đạt trình độ quốc tế (chương trình 16 + 23), phù hợp với mục tiêu hướng tới chất lượng - đẳng cấp của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

Báo cáo của các giảng viên tại seminar được trình bày rất hiện đại.

Kim Loan (Khoa QTKD)