Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Nhật ký ảnh: Nơi chúng tôi đến

Đó là bản Sông Giăng, thuộc xã Duy Hướng, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ấn tượng để lại ngay từ ngày đầu tiên không chỉ là con đường dài đầy ổ voi mà còn là sự thiếu thốn nhiều mặt của người dân nơi đây.


Chúng tôi đã đến và thực sự cảm nhận được những khó khăn mà đồng bào người Mường, Mán đang phải trải qua.
Cuốn nhật ký, những chiếc máy ảnh của đội mỗi ngày lại thêm nhiều những thông tin về sự thiếu thốn và chúng tôi sẽ là những người góp một phần giải quyết những thông tin đó.
Ngày 16/7, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến được bản Sông Giăng 2, nơi "đóng quân" của cả đoàn
Những con đường đất gập ghềnh toàn đá với đất, những chiếc cầu treo khiến ngày đầu tiên của đoàn giống như một cuộc hành quân giữa một vùng núi hoang sơ vậy.
Nhưng điểm đến lại khá thanh bình với những ngôi nhà sàn ngói đỏ, hàng rào tre, cây dây leo xanh mướt.
Mọi thứ cứ đều đều trôi qua khiến 1 ngày ở đây đôi khi quá dài nếu như chẳng có việc gì để làm. Đám trẻ ở đây cũng vậy. Hè đối với chúng thật nhàm chán khi chỉ biết quanh quẩn trên núi, chăn thả những chú bò, ngựa bên bờ sông. Đứa nào lớn 1 chút thì lại theo bố mẹ lên nương thu hoạch ngô.
Việc làm giết thời gian nhiều nhất khi ở nhà thường là đan gùi phục vụ cho thu hoạch nông sản, mà ở đây chủ yếu là ngô và sắn. Cũng có nhà chăn nuôi thêm lợn, gà nhưng cũng chẳng được bao nhiêu. Mới chỉ năm ngoái thôi, người dân ở đây phải hứng chịu trận lũ. Những đàn gà, lợn sắp tới lúc bán đã theo nước đi sạch
Từ ngày phát hiện ra có mỏ than, xã Duy Hướng nói chung, bản Sông Giăng nói riêng cũng có nhiều thay đổi. Ít ra thì cũng đã có nhiều hơn những chuyến xe qua lại bản đem theo hàng hóa giúp người dân có cơ hội giao thương
Nhưng chính nó cũng khiến đường xá nơi đây trở nên tồi tệ hơn sau những cơn mưa rừng. Mưa nhưng không có nghĩa là vùng đất này hết khát. Những ngọn núi trơ trọi bóng cây, những đồng ngô vàng rụi vì khát nước. Lý do bởi người ta đã chặt hết cây, rừng không còn giữ được nước, các con suối khô cạn. Ngay cả Sông Giăng cũng cạn tới mức đứa trẻ con cũng có thể lội qua
Sự khai thác quá mức của con người đang phải trả giá. Nhưng đó cũng là một trong những cách kiếm sống của người dân và khó có thể bảo họ bỏ được nếu chỉ nói không với nhau
Những người dân ở đây nói rằng, họ đã biết về sinh viên tình nguyện qua truyền hình, nhưng đây mới là lần đầu tiên được gặp. Họ chưa biết chúng tôi có thể làm gì ở đây và cũng chẳng biết có gì thay đổi không sau khi chúng tôi đi.
Nhưng chúng tôi khẳng định, sẽ có nhiều thay đổi bắt đầu từ hôm nay, cái ngày chúng tôi đến đây.

Trần Duy Khánh - Đội tình nguyện Sơn La