Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Sinh viên ĐHKT tham gia Liên hoan văn hóa nghệ thuật quốc tế tại Malaysia

Đoàn ĐHKT năm nay có 10 sinh viên, biểu diễn 2 tiết mục múa truyền thống
Liên hoan văn hóa nghệ thuật quốc tế là một hoạt động thường niên được tổ chức tại thủ đô Kualar Lumpur bởi ĐHQG Malaysia. Với tên gọi “UKM International Drums Festival 2012”, liên hoan năm nay có sự tham gia của các trường đại học đến từ Malaysia, Việt Nam, Indonesia, Phillippin, Thái Lan, Ecuador. Đây đã là năm thứ hai sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tham dự liên hoan.


Diễn ra từ ngày 22/11 - 26/11/2012, liên hoan năm nay được chia làm 3 hoạt động chính: các buổi thực hành văn hóa với nước chủ nhà Malaysia, đêm lễ hội chính và hành trình văn hóa. Tham gia các buổi thực hành văn hóa, sinh viên các nước được giao lưu và cùng nhau học các điệu múa truyền thống của Malaysia, tham gia trình diễn tại một số điểm trong khuôn viên Đại học Quốc gia Malaysia.

Các sinh viên ĐHKT duyên dáng trong tà áo dài truyền thống

Tại các buổi diễn này, đoàn Việt Nam luôn thu hút sự chú ý của sinh viên các nước bởi sự độc đáo và duyên dáng trong trang phục áo dài cũng như những điệu múa của mình. Joshua - một sinh viên đến từ Phillippin đã phải thốt lên rằng: “
Trong suốt buổi biểu diễn của các bạn, tôi đã luôn tròn xoe mắt và bất động tới mức bạn tôi phải huých cùi trỏ nhắc gọi. Tôi chưa từng thấy trang phục nào đẹp tới vậy, các bạn Việt Nam quả thật rất khác!”
Ý thức được trách nhiệm của mình trong việc quảng bá hình ảnh con người và văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế, đoàn sinh viên Trường ĐHKT miệt mài tập luyện để hoàn thiện tối đa các bài diễn. Có những khi 8h sáng phải dậy để tham gia các buổi thực hành nhưng các sinh viên vẫn miệt mài tập luyện tới 2-3h sáng hôm sau.
Ngày 24/11 là đêm diễn ra lễ hội chính. Hội trường gần 1000 ghế của ĐHQG Malaysia dần chật kín người, đoàn Việt Nam được chọn biểu diễn khai mạc cho đêm lễ hội. Sự thướt tha, duyên dáng trong bài múa hoa được dẫn kết tới điệu múa truyền thống “Xuân về trên bản” của người H’mong ở Sapa, đoàn Việt Nam đã khiến khán giả đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác, bất ngờ về vẻ đẹp của con người, sự đa dạng của văn hóa Việt.

Sân khấu đa sắc màu của đêm hội

Điệu múa hoa mở đầu cho tiết mục của đoàn Việt Nam, cũng là mở màn cho đêm hội

“Xuân về trên bản H’mong” - điệu múa tái hiện một phiên chợ tình của người vùng cao Sapa

Sự đa dạng về văn hóa được thể hiện đầy đủ trong suốt đêm hội, từ các điệu múa truyền thống của các nước tới các nhạc cụ dân tộc, nhạc cụ kết hợp truyền thống và hiện đại,… Có thể nói khán giả của đêm lễ hội đã được trải nghiệm trọn vẹn một không gian văn hóa, nghệ thuật đầy màu sắc của các nước tham dự. Những tiếng vỗ tay không ngớt từ các khán đài đã minh chứng cho điều đó.

Đêm hội rực rỡ với những điệu múa truyền thống của các quốc gia

Với ý tưởng mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có những nét riêng của mình, nhưng trống là nhạc cụ mà dân tộc nào cũng có, chính vì vậy Ban tổ chức năm nay đó làm chủ đề chính cho lễ hội, thể hiện sự gắn kết, hòa đồng của các quốc gia.
Sau đêm lễ hội chính, tất cả sinh viên các nước tham dự đã có một hành trình du lịch, khám phá tới các địa điểm nổi tiếng ở thủ đô Kuala Lumpur như: tòa tháp đôi Petronas, khu phố cổ của thủ đô, chợ đêm của người Malaysia…
Ngày chia tay, các sinh viên cũng kịp trao nhau những tấm bưu thiếp, những món quà nhỏ và thông tin để có thể liên lạc với nhau. Lễ hội đã thực sự trở thành nơi giao lưu, gắn kết sinh viên các quốc gia.

Đức Thắng