Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Tọa đàm triển khai đề tài Tây Bắc

Ngày 13/3/2014, Ban chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu rà soát và đánh giá sự phù hợp, hiệu lực thực thi của các Chương trình mục tiêu Quốc gia thực hiện tại vùng Tây Bắc giai đoạn 2001-2015” đã tổ chức cuộc tọa đàm nhằm tạo diễn đàn giao lưu, thảo luận về các vấn đề liên quan, cũng như thống nhất được những nội dung trong quá trình triển khai đề tài.


Tham dự tọa đàm có các thành viên Ban chủ nhiệm đề tài; các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, Văn phòng Kinh tế Trung ương Đảng, Cục Phòng chống tội phạm ma túy - Bộ Công an, Học viện Cảnh sát nhân dân, ông Lê Khả Đấu - nguyên Phó Ban chỉ đạo Tây Bắc, cùng các giảng viên Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN.
Đề tài do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN chủ trì thực hiện. Mở đầu hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Việt - Chủ nhiệm đề tài thay mặt các thành viên nghiên cứu cảm ơn sự ủng hộ nhiệt tình của các thành viên tham gia, các cơ quan phối hợp trong thời gian vừa qua.
Tiếp đó, TS. Nguyễn Quốc Việt đã trình bày giới thiệu tổng quan về đề tài “Nghiên cứu rà soát và đánh giá sự phù hợp, hiệu lực thực thi của các Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện tại vùng Tây Bắc giai đoạn 2001 -2015. Trong đó nêu rõ, mục tiêu cụ thể mà nhóm nghiên cứu mong muốn đạt được là xây dựng được cơ sở khoa học và phương pháp nghiên cứu nhằm đánh giá được sự phù hợp, hiệu lực thực thi các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) với đặc thù về tự nhiên, kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Từ đó, nhóm nghiên cứu cũng đề ra phạm vi nghiên cứu và cách tiếp cận rất cụ thể, chi tiết.
Tây Bắc là một địa bàn rộng với 12 tỉnh, các CTMTQG triển khai ở Tây Bắc lên tới 16 chương trình. Do đó, để đạt mục tiêu nghiên cứu cũng như phù hợp với thời gian và nguồn lực hiện có, nhóm nghiên cứu sẽ khảo sát 5 CTMTQG đang thực hiện tại Tây Bắc bao gồm: nhóm CTMTQG về xóa đói giảm nghèo và dạy nghề , nhóm CTMTQG về ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, nhóm CTMTQG về văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, nhóm CTMTQG về y tế, sức khỏe, dân số kế hoạch hóa gia đình, nhóm CTMTQG về Xây dựng Nông thôn mới.
Đề tài dự kiến áp dụng cả phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. Ngoài việc thu thập các dữ liệu thứ cấp, đề tài còn sử dụng phương pháp tiếp cận điều tra, sử dụng kỹ thuật chọn mẫu… áp dụng cho 2 tỉnh trọng điểm Lai Châu và Hà Giang.
Tiếp đó, TS. Trần Thị Thanh Tú - Thư ký đề tài đã trình bày về kế hoạch thực hiện gồm: nội dung công việc cụ thể, yêu cầu chất lượng, thời hạn hoàn thành. Từ việc lập kế hoạch này, đề tài sẽ được thực hiện một cách bài bản và đúng tiến độ.
Tại đây, các đại biểu tham dự đã có những câu hỏi liên quan đến việc triển khai và thực hiện đề tài như: việc chọn mẫu nên tiến hành như thế nào vì địa bàn Tây Bắc rộng, việc rà soát đánh giá tính hiệu quả, thực thi của các CTMTQG sẽ mang tính khái quát chung cho cả vùng hay đánh giá riêng cho các tiểu vùng... Trong đó, ông Lê Viết Thái - Văn phòng Kinh tế TW Đảng cho rằng, nên có bản đánh giá sơ bộ, đề xuất ngắn được hoàn thành trong khoảng tháng 9-10/2014 để có thể sớm góp ý cho Chỉnh phủ về sự phù hợp của các CTMTQG với đặc điểm kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc, định hướng triển khai các CTMTQG thời gian tới, gợi ý thu gọn đầu mối chương trình…
Sau 2 giờ làm việc nghiêm túc và tích cực, tọa đàm đã kết thúc tốt đẹp với nhiều thông tin và kinh nghiệm hữu ích liên quan đến đề tài. Tọa đàm cũng đi đến thống nhất những nội dung nghiên cứu, phương pháp tiếp cận và lịch làm việc với các chuyên gia trong thời gian tới.
Thay mặt Ban chủ nhiệm đề tài, TS. Nguyễn Quốc Việt cảm ơn những ý kiến thảo luận của các chuyên gia, các đại biểu. TS. Việt mong rằng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được những đóng góp của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu để đề tài thật sự có chất lượng; mặt khác, thông qua việc hợp tác lần này, mối quan hệ hợp tác lâu dài và hiệu quả hơn nữa giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với các viện, trung tâm nghiên cứu và các nhà khoa học sẽ được tăng cường hơn nữa.

Tin: Trịnh Phan Lan (Khoa TCNH) - Ảnh: Đỗ Chiêm