Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Hội thảo quốc tế Hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN và một số gợi ý chính sách đối với Việt Nam

Ngày 28/10/2014, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Ban Kinh tế Trung ương (TW) đã phối hợp tổ chức hội thảo “Hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN và một số gợi ý chính sách đối với Việt Nam” với sự tài trợ của Quỹ Friedrich Naumann và Bộ Khoa học - Công nghệ.


Tiếp theo thành công của hai hội thảo “Tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC): kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam” được tổ chức vào tháng 10/2013 tại Hà Nội, và hội thảo “Bối cảnh quốc tế mới và tác động tới Cộng đồng kinh tế ASEAN” được tổ chức vào tháng 5/2014 tại thành phố Hồ Chí Minh, hội thảo này tiếp tục được tổ chức trong khuôn khổ đề tài “Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong bối cảnh mới của thế giới và sự tham gia của Việt Nam” thuộc Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước KX.01/11-15, do PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐHKT, làm chủ nhiệm đề tài.

Đoàn chủ tọa hội thảo
Hội thảo nhằm mục đích tăng cường trao đổi học thuật cũng như kinh nghiệm thực tiễn, cung cấp một diễn đàn cho các học giả, chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận về tiến trình hội nhập của các nước ASEAN vào AEC; mức độ sẵn sàng của Việt Nam đối với AEC; các cơ hội và thách thức đặt ra cho Việt Nam trong quá trình hội nhập; và các gợi ý chính sách nhằm tăng cường sự tham gia hiệu quả của Việt Nam vào AEC.
Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, đại diện ban Kinh tế trung ương, các bộ, ngành như Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, các viện nghiên cứu như Viện ERIA, Viện Quản lý Kinh tế TW…, đại diện Quỹ Friedrich Naumann (FNF), đại diện các viện nghiên cứu và các trường đại học khối kinh tế, kinh doanh và quản lý, các doanh nghiệp là đối tác của Trường ĐHKT, Ban giám hiệu, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học Trường ĐHKT, cùng các hãng thông tấn TW và địa phương.
GS.TS Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội thảo
Mở đầu hội thảo, GS.TS Vương Đình Huệ (Uỷ viên TW Đảng, Trưởng Ban Kinh tế TW) đã phát biểu khai mạc, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của hội thảo vì đây là thời gian “nước rút” trong lộ trình hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Hội thảo là cơ hội để các quý vị đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi ý kiến và đưa ra những gợi ý cho các ban, bộ, ngành TW và đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam trong việc chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón bắt cơ hội, vượt qua thách thức cũng như đề ra các công việc cần phải tiếp tục triển khai để Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin và tham gia một cách có hiệu quả vào sân chơi chung của khu vực. Tiếp sau bài phát biểu khai mạc, ông Hans-Georg Jonek - Trưởng đại diện Quỹ FNF tại Việt Nam, đại diện nhà tài trợ có bài phát biểu thể hiện quan điểm việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với các nước thành viên mà còn có tác động đối với các nền kinh tế khác trên thế giới.
Ông Hans-Georg Jonek, Trưởng đại diện quỹ FNF tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Hội thảo sau đó được chia làm hai phiên chính. Phiên đầu tiên với bài tham luận của ông Yoshifumi Fukunaga - Chuyên gia kinh tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á và bài tham luận của ông Lê Triệu Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương tập trung giới thiệu các nội dung chính của AEC, tiến trình thực hiện hoá AEC cũng như một số tác động đối với Việt Nam.
Đánh giá tiến trình hội nhập của các nước ASEAN vào AEC, ông Yoshifumi Fukunaga chỉ ra rằng cho đến nay ASEAN đã thực hiện được 82.1% số biện pháp đề ra trong lộ trình tổng thể xây dựng AEC trong giai đoạn 2008-2013. Ông Fukunaga cũng đưa ra một số nội dung Việt Nam cần thực hiện trong thời gian tới như xoá bỏ thuế quan giai đoạn 2015-2018, thực hiện sớm các biện pháp thuận lợi hoá thương mại, tăng cường và tạo thuận lợi cho các biện pháp tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp, tiếp tục tự do hoá thương mại thông qua gói 10 và đàm phán đồng thời RCEP và TPP. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần thực hiện các sáng kiến cải cách trong nước để tối đa hoá lợi ích mà AEC mang lại.
Yoshifumi Fukunaga, Chuyên gia kinh tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á trình bày tham luận tại hội thảo
Tiếp đến, ông Lê Triệu Dũng giới thiệu tổng quan quá trình hình thành và các cam kết trong AEC để hướng tới một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, một khu vực kinh tế cạnh tranh, phát triển kinh tế đồng đều và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Ông Lê Triệu Dũng   nhấn mạnh AEC là một tiến trình liên tục và sau 2015, các nước thành viên cần tiếp tục rà soát hàng rào phi thuế quan; thực hiện thuận lợi hoá thương mại; xoá bỏ các ngoại lệ, linh hoạt, bảo lưu trong lĩnh vực dịch vụ, đầu tư, di chuyển con người…; tiếp tục mở rộng các lĩnh vực có ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển như tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; nâng cấp hội nhập với các đối tác FTA và các đối tác khác thông qua đàm phán các FTA mới và nâng cấp các FTA hiện có.
Ông Lê Triệu Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương trình bày tham luận
Phiên thảo luận thứ hai tập trung đánh giá sâu về công tác chuẩn bị của Việt Nam đối với AEC và những hàm ý cho Việt Nam với hai bài tham luận của PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn Hiệu trưởng trường ĐHKT và TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW.
Dựa trên kết quả điều tra khảo sát ở 5 tỉnh thành lớn trực thuộc TW, PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn chỉ ra hai vấn đề quan trọng đối với Việt Nam. Thứ nhất, có một khoảng cách giữa quan điểm, nhận thức về AEC giữa các cơ quan quản lý trung ương, địa phương và doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý ở trung ương có quan điểm rõ ràng về hội nhập AEC, tuy nhiên các cơ quan địa phương chưa quan tâm tới AEC; doanh nghiệp chưa hiểu biết nhiều về AEC. Các doanh nghiệp không nắm rõ được AEC sẽ tác động tới ngành của mình như thế nào và các cơ hội, thách thức cụ thể là gì. Thứ hai, các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự chuẩn bị cho AEC. Hầu hết các doanh nghiệp chưa có chiến lược hội nhập nói chung và AEC nói riêng. Nhiều doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh ở thị trường nội địa. Hầu hết các doanh nghiệp chưa có chiến lược dài hạn cũng như có hành động cụ thể để phát triển thị trường ASEAN, đón đầu những cơ hội từ AEC. Lý giải hai vấn đề này, có ba nguyên nhân được nêu ra là tầm quan trọng của thị trường ASEAN chưa được xác định rõ; bản chất cạnh tranh trong ASEAN và cơ chế phối hợp tuyên truyền và xử lý thông tin hội nhập chưa thực sự hiệu quả. Để có thể tham gia hiệu quả vào AEC, Việt Nam cần định vị lại thị trường ASEAN, thúc đẩy hợp tác, gắn kết trong khu vực, xây dựng cơ chế phối hợp xử lý thông tin hội nhập và nâng cao vai trò của Hiệp hội.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường ĐHKT  trình bày tham luận
Nhìn nhận từ khía cạnh cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp từ việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, TS. Võ Trí Thành cho rằng AEC tạo ra sân chơi chung cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tham gia vào mạng sản xuất và tận dụng ưu đãi thuế. Ngoài ra, doanh nghiệp có khả năng nắm bắt và tận dụng cơ hội kinh doanh thông qua học hỏi kinh nghiệm quản trị sự bất định; tìm kiếm cơ hội sản xuất kinh doanh như mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm cơ hội sản xuất kinh doanh theo phân khúc, theo mạng, cụm, chuỗi, tham gia phát triển kết cấu hạ tầng, kinh doanh lĩnh vực ngành nghề mới phát triển; chấp nhận cạnh tranh cùng học kết nối và đồng hành với chính phủ, biết “đối thoại pháp lý”. Bên cạnh phân tích các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp, bài tham luận cũng đưa ra các tác động dự kiến đối với các kịch bản mở rộng liên kết ASEAN theo đó mức độ mở rộng liên kết càng lớn thì tác động tới mức tăng thu nhập của các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng càng lớn. Điều này một lần nữa khẳng định AEC là một quá trình và cần nhìn nhận ASEAN xa hơn: AEC sau 2015.
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng, Viện quản lý Kinh tế TW trình bày tham luận
Các bài tham luận đã thu hút được sự chú ý và quan tâm của các đại biểu tham dự hội nghị. Các diễn giả và đại biểu tham gia hội thảo đã thảo luận sôi nổi về một số nội dung liên quan đến AEC như biện pháp cần thực hiện tiếp theo lộ trình của AEC, mô hình của AEC sau 2015, vấn đề di chuyển lao động trong ASEAN, tác động của AEC tới Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN và Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN, thách thức mà AEC mang lại, các giải pháp cụ thể để vượt qua thách thức,...
Sau hơn bốn tiếng làm việc tích cực, hội thảo đã thành công tốt đẹp và nhận được nhiều ý kiến trao đổi chất lượng. Thay mặt Ban tổ chức hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn đã phát biểu bế mạc hội thảo, một lần nữa khẳng định AEC sẽ được thực hiện hoá vào cuối năm 2015 là kết quả tất yếu khách quan của quá trình hợp tác kinh tế lâu dài giữa các nước ASEAN. Các công việc chuẩn bị đang được tiến hành khẩn trương nhưng mức độ sẵn sàng của các nước là tương đối khác nhau. Đối với Việt Nam, để tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất khi tham gia AEC còn rất nhiều việc phải làm từ phía chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Nhà nước cần thúc đẩy một cơ chế trao đổi thông tin hội nhập hiệu quả và minh bạch; tham vấn doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị, đàm phán và triển khai cam kết; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin kịp thời. Về phía cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp cần đẩy mạnh vai trò của mình trong việc cung cấp thông tin, nghiên cứu bám sát nhu cầu của doanh nghiệp và liên kết doanh nghiệp với nhau. Các doanh nghiệp cần định vị lại thị trường ASEAN; chủ động hơn nữa trong việc tiếp cận thông tin, cập nhật tình hình mới để có chiến lược phù hợp cho doanh nghiệp của mình trong thời gian tới.
Cuối cùng, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác của các chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là Ban Kinh tế TW, Quỹ Friedrich Naumann Stiftung Für Die Freiheit (FNF), Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương và Viện Quản lý Kinh tế TW trong hoạt động nghiên cứu sau này do trường ĐHKT phối hợp tổ chức và chủ trì.
Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều hãng thông tấn, báo chí.
Trong ảnh: PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn trả lời phỏng vấn báo chí
_____________________________
Tin liên quan:
- Tạp chí cộng sản:
Hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN và gợi ý chính sách với Việt Nam
- Truyền hình VTV1:
Gia nhập AEC, thêm cơ hội phát triển cho Việt Nam
- VnEpress:
Doanh nghiệp thờ ơ với thị trường chung ASEAN
- Báo Giáo dục Thời đại:
Hội thảo quốc tế “Hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN”
- Đại học Quốc gia Hà Nội:
Hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN và một số gợi ý chính sách đối với Việt Nam
- Tài chí tài chính:
Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hội nhập khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập
- Ban Kinh tế Trung ương:
Hội thảo “Hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và một số gợi ý chính sách đối với Việt Nam”

Tin: Minh Phương (KT&KDQT) - Ảnh: Nguyên Kha & CTV