Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Chia sẻ các mô hình áp dụng quản trị tinh gọn trong thực tiễn Việt Nam

Đông đảo doanh nghiệp, chuyên gia, nhà nghiên cứu, các sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh quan tâm tham dự hội thảo
Tiếp nối thành công của Hội thảo quốc gia về Quản trị tinh gọn lần thứ nhất được tổ chức năm 2014, ngày 24/4/2015, Nhóm nghiên cứu “Quản trị tinh gọn vào hoạt động của các tổ chức tại Việt Nam” Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tiếp tục tổ chức hội thảo lần hai với chủ đề “Quản trị tinh gọn trong các doanh nghiệp Việt Nam - Các mô hình áp dụng thực tiễn”.


Hội thảo năm 2014 đã tập trung vào các khai phá tư duy về mặt lý thuyết, thực tiễn, gợi mở giải pháp và để lại câu hỏi cho người tham dự: “Đâu là mô hình quản trị cụ thể cho từng loại hình doanh nghiệp?”  Hội thảo Quản trị tinh gọn (QTTG) năm nay là nơi kết nối và chia sẻ các mô hình ứng dụng thực tiễn tại các doanh nghiệp Việt Nam, xác định các giải pháp cụ thể để ứng dụng và nhân rộng các mô hình QTTG “thuần Việt” trong điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam.
Hội thảo tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, lãnh đạo của các doanh nghiệp, trong đó có cả những doanh nghiệp đã và đang áp dụng tư duy và phương pháp quản trị tinh gọn “Made in Vietnam - Made by Vietnam” của Nhóm nghiên cứu. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham dự của các học giả Nhật Bản và đại diện của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA..



PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phát biểu khai mạc hội thảo


Ông Mizuno Takashi - Cố vấn trưởng Trung tâm Hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản hy vọng, thông qua việc phối hợp nghiên cứu áp dụng QTTG vào doanh nghiệp Việt Nam, JICA sẽ góp phần giúp Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hóa

Hội thảo mở đầu với tham luận đề dẫn của TS. Nguyễn Đăng Minh - Trưởng nhóm nghiên cứu “Quản trị tinh gọn vào hoạt động của các tổ chức tại Việt Nam”, Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Tham luận khẳng định tư duy của QTTG thuần Việt - đó là dùng trí tuệ của con người để cắt giảm tối đa các chi phí lãng phí, nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp/tổ chức.
TS. Nguyễn Đăng Minh nhấn mạnh mô hình “Tâm thế” được xây dựng là yếu tố trung tâm cho việc thực hiện các công cụ QTTG như: 5S, Kaizen, Quản lý trực quan, ánh xạ, Jidoka... Mô hình QTTG “Made in Vietnam” cũng được đề cập với các khâu then chốt là: (1) sự cam kết của nhà lãnh đạo, (2) sự tham gia của người lao động, (3) các chính sách đào tạo cũng như khuyến khích, khen thưởng kịp thời đối với những cá nhân, tập thể thực hiện tốt quản trị tinh gọn. Trong đó, để cho người lao động thấu hiểu và chủ động thực hiện QTTG thì vai trò của người lãnh đạo là vô cùng quan trọng. Điểm nhấn ở đây là thuật ngữ “Tâm thế” đã được giới học giả quốc tế thừa nhận thông qua một công bố quốc tế trong cơ sở dữ liệu ISI về quản trị.
Những nội dung này cũng được Giáo sư Hiromitsu Takemi - chuyên gia Nhật Bản đồng tình và phân tích trong tham luận “Commitment, Engagement and Education”. Ở đây khẳng định thêm về tư duy quản trị tinh gọn “Made in Vietnam - Made by Vietnam” và mô hình “Tâm thế” được các học giả quốc tế thừa nhận.



Từ trái qua: Giáo sư Hiromitsu Takemi, TS. Nguyễn Đăng Minh, bà Trần Thị Ái Vân và bà Lê Kim Ngân

Tại hội thảo, việc áp dụng các công cụ QTTG thành phương pháp phù hợp với điều kiện phát triển của doanh nghiệp/tổ chức Việt đã được thể hiện qua 2 điển hình là Công ty CP Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm Fecon và Công ty TNHH Midway Metals Việt Nam.
Bà Trần Thị Ái Vân - Giám đốc điều hành Công ty Fecon chia sẻ kinh nghiệm áp dụng PDCA (Plan - Do - Check - Action) tại Fecon, theo đó, việc lên kế hoạch, theo dõi, thực hiện công việc, cải tiến đến chuẩn hóa quy trình được thực hiện rất chi tiết, nghiêm ngặt. Chính sách khuyến khích việc nhận ra lãng phí và chính sách khen thưởng hợp lý đã tạo động lực lớn cho người lao động trong việc thực hiện QTTG. Bà Trần Thị Ái Vân cũng chia sẽ những kinh nghiệm quý báu của Fecon trong việc đào tạo và phát triển “Tâm thế” cho con người của Fecon.
“Con người là trung tâm, nhân viên là tài sản lớn nhất của công ty” là mô hình được bà Lê Kim Ngân - Giám đốc điều hành Midway Metals chia sẻ tại hội thảo về kinh nghiệm áp dụng QTTG tại công ty mình. 5S, Kaizen, Quản lý trực quan là các công cụ được Midway Metals chọn lựa sau quá trình nghiên cứu về tính khả thi, thực tiễn và nhu cầu thực tế của công ty. Sau 6 năm áp dụng, các mô hình đã mang lại cho công ty những thành công nhất định như: doanh thu và lợi nhuận gia tăng, sự hài lòng của khách hàng, các đề xuất cải tiến… “Tâm thế” được thấu hiểu và thực hiện từ lãnh đạo đến người lao động chính là điểm được Midway Metals tâm đắc nhất, chính là yếu tố tạo được thành công và điểm khác biệt cho công ty.



Nhiều doanh nghiệp như May Nhà Bè, Citicom, Viettel... đã hỏi và trao đổi về quản trị tinh gọn đối với doanh nghiệp mình

Yếu tố “Tâm thế” và vai trò của người lãnh đạo trong việc áp dụng QTTG chính là 2 nội dung chính được các đại biểu quan tâm trong phiên trao đổi. Các chuyên gia, đại biểu đều nhất trí rằng, để tạo được tâm thế cho toàn công ty, tổ chức thì người lãnh đạo chính là nhân tố then chốt. Lãnh đạo phải là những tấm gương thực hiện, sau đó là tạo điều kiện và khen thưởng, khuyến khích kịp thời cho nhân viên.
Ngoài ra, hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi từ đại diện các doanh nghiệp về một số nội dung như: những khó khăn khi áp dụng QTTG tại Việt Nam - đặc biệt là đối với người Việt Nam; làm sao để thực hiện QTTG đối với doanh nghiệp dịch vụ có nhân lực phân tán?; “Tâm thế” liệu có phải là “văn hóa doanh nghiệp”…



Hội thảo Quản trị tinh gọn 2015 đã kết thúc thành công

Sau phiên trao đổi sôi nổi, kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Đăng Minh thay mặt nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cảm ơn sự quan tâm và tham gia của các đại biểu, sự đồng hành của các doanh nghiệp, tổ chức và JICA trong quá trính nhóm thực hiện nghiên cứu về QTTG tại Việt Nam. TS. Nguyễn Đăng Minh cũng cho biết, việc liên tục cải tiến các phương pháp của QTTG thành phương pháp thuần Việt, phù hợp với điều kiện phát triển của doanh nghiệp/tổ chức Việt Nam là khát vọng cháy bỏng của nhóm nghiên cứu. Các hội thảo về chủ đề này trong những năm tiếp theo sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc khẳng định tư duy của quản trị tinh gọn thuần Việt.

Các thông tin trao đổi về chủ đề hội thảo vui lòng liên hệ:
TS. Nguyễn Đăng Minh
Trưởng nhóm nghiên cứu “Quản trị tinh gọn vào hoạt động của các tổ chức tại Việt Nam”,  Phó Chủ nhiệm Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.


______________

Thông tin liên quan:


Đỗ Chiêm


Các tin khác