Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Hội thảo “Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) - Mảnh ghép nào cho hội nhập Việt Nam”

(Từ phải qua) CEO Khoa Phan, TS. Lê Quốc Phương, TS. Nguyễn Đức Thành, chị Lương Thị Tuyến chia sẻ cùng sinh viên
Ngày 21/3/2016, hội thảo thường niên do Câu lạc bộ Kinh tế trẻ (YEC), Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - ĐHQGHN tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp với chủ đề năm 2016: “AEC - Mảnh ghép nào cho hội nhập Việt Nam".


Tham dự và chia sẻ tại hội thảo có TS. Nguyễn  Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Trường ĐHKT - ĐHQGHN (VEPR); TS. Lê Quốc Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương); CEO Khoa Phan - nhà sáng lập, Giám đốc điều hành của CTCP Unicolor Vietnam và CTCP Onefood Vietnam; chị Lương Thị Tuyến - Cựu sinh viên khóa QH-2010-E Khoa Kinh tế Phát triển, Trường ĐHKT-ĐHQGHN. Hội thảo cũng thu hút đông đảo sinh viên Trường ĐHKT và các sinh viên quan tâm đến kinh tế đến từ các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

Mở đầu hội thảo là những đoạn video ngắn về lịch sử hình thành của cộng đồng kinh tế AEC, mang đến cho các sinh viên tham dự những thông tin tổng quan nhất về chủ đề chính. Tiếp đó, TS. Nguyễn Đức Thành, TS. Lê Quốc Phương và CEO Khoa Phan đã lần lượt chia sẻ cách nhìn nhận của mình về bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện tại, về những cơ hội và thách thức mà Cộng đồng Kinh tế Đông Nam Á - AEC nói chung và kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt trong tương lai.

Các diễn giả cho rằng, việc Việt Nam quyết định gia nhập AEC là một “sự liều lĩnh” nhưng nếu biết nắm bắt và phát huy những điểm mạnh thì nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển lạc quan hơn rất nhiều. Các diễn giả cũng nhận định thực trạng doanh nghiệp Việt Nam hiện tại còn đang rất mơ hồ về tầm ảnh hưởng của AEC đối với nền kinh tế, cụ thể là có tới 76% doanh nghiệp Việt Nam không hiểu rõ về AEC.

Qua đó, các diễn giả cùng nhau phân tích nguyên nhân và hướng tới những giải pháp truyền thông hiệu quả hơn. Liệu Việt Nam có thể trở thành một mảnh ghép trọn vẹn của AEC hay không? Tất cả nằm ở những chính sách kinh tế và sự quyết tâm cao độ của toàn dân tộc.



Đông đảo sinh viên tham dự hội thảo

Với tư cách là một cựu sinh viên, chị Lương Thị Tuyến cũng bày tỏ quan điểm về áp lực việc làm trong thời gian tới đối với sinh viên Việt Nam. Bởi hội nhập đồng nghĩa với việc sân chơi kinh tế không còn bó hẹp trong khuôn khổ quốc gia mà đã lan rộng ra tầm khu vực. Sinh viên Việt Nam chắc chắn sẽ phải cạnh tranh rất nhiều với các lao động nước ngoài.

Vậy câu hỏi đặt ra cho sinh viên là: “Điểm mạnh của mình ở đâu để có thể cạnh tranh với lao động có trình độ cao của nước ngoài?” Vì lẽ đó, chị Tuyến nhấn mạnh mỗi sinh viên cần chủ động học hỏi thật nhiều, hăng hái tham gia các hoạt động thiết thực, tạo dựng những mối quan hệ tốt đẹp để không bị bỡ ngỡ trước thị trường lao động trong tương lai.

Các bạn sinh viên tham dự cũng đã đặt ra các câu hỏi rất thú vị và được các diễn giả giải đáp đầy thuyết phục. Buổi hội thảo diễn ra trong không khí giao lưu, trao đổi cởi mở và mang lại rất nhiều kiến thức bổ ích cho các sinh viên kinh tế.

Sinh viên đặt ra nhiều câu hỏi cho các diễn giả về chủ đề AEC

Hội thảo lần này là hoạt động thường niên của Câu lạc bộ Kinh tế trẻ Trường ĐHKT - ĐHQGHN nhằm thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên trong Trường; đồng thời kết nối những người trẻ đam mê nghiên cứu. Đến với hội thảo, mỗi sinh viên được truyền ngọn lửa đam mê và cảm hứng qua những lời động viên và chia sẻ quý báu của các diễn giả.
Sự đồng hành của các chuyên gia kinh tế, các cán bộ, giảng viên trong Trường ĐHKT - ĐHQGHN cũng tiếp thêm sức mạnh cho sinh viên thực hiện những công trình nghiên cứu chất lượng và giúp sinh viên chủ động hơn trước những xu hướng hội nhập kinh tế hiện nay.

Tin: Câu lạc bộ Kinh tế trẻ Ảnh: Đỗ Chiêm