Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Trao đổi phương pháp giảng dạy và học tập hiệu quả cho chương trình cử nhân chất lượng cao

Sáng ngày 18/1/2018, Trường Đại học Kinh tế đã tổ chức buổi Hội thảo “Trao đổi phương pháp giảng dạy và học tập hiệu quả cho chương trình cử nhân chất lượng cao” với sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Nhà trường.


Tham dự hội thảo có giám đốc ba chương trình chất lượng cao ngành Quản trị kinh doanh, Kinh tế quốc tế và Tài chính - Ngân hàng; đại diện lãnh đạo của các phòng/ban, lãnh đạo các Khoa/Viện của Trường Đại học Kinh tế; các giảng viên tham gia giảng dạy cho các chương trình cử nhân chất lượng cao.

Hội thảo là nơi gặp gỡ và trao đổi các vấn đề về phương pháp giảng dạy hiệu quả cho chương trình chất lượng cao, trong đó tư tưởng chủ đạo là nâng cao chất lượng đào tạo, giúp cho sinh viên được tiếp cận với những phương pháp giảng dạy hiện đại nhằm đạt chuẩn đầu ra của chương trình. Hội thảo cũng chính là cơ hội đối với các giảng viên và những người làm công tác quản lý đào tạo có thể đánh giá thực trạng các vấn đề trong đào tạo các chương trình chất lượng cao, nhìn nhận những bất cập hiện có trong đào tạo chất lượng cao từ đó có thể đề ra các giải pháp phù hợp trong quá trình tổ chức đào tạo đối với các chương trình chất lượng cao.

 
 
PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê chủ trì hội nghị

Mở đầu hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo, một trong các giảng viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy nhiều khóa học ở các bậc đào tạo, đã trình bày báo cáo đề dẫn. Báo cáo đặt vấn đề làm thế nào để nâng cao được chất lượng đào tạo chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập và những thách thức đối với các trường đại học Việt Nam khi thị trường lao động đòi hỏi những sản phẩm đào tạo chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Báo cáo đề dẫn cũng trình bày những tồn tại hạn chế trong thực tế đào tạo của chương trình cử nhân chất lượng cao tại Trường Đại học Kinh tế khi có sự đa dạng giữa điểm đầu vào của sinh viên qua đó đã đặt ra một giả thiết về việc “có nên kết cấu lại chương trình giảng dạy” để phù hợp với đối tượng sinh viên hay là thay đổi “phương pháp giảng dạy” nhằm tăng độ “hấp dẫn” và “cuốn hút” cho sinh viên.

Tiếp đó, PGS.TS. Hoàng Văn Hải - Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh, Giám đốc chương trình cử nhân chất lượng cao ngành Quản trị Kinh doanh đã chia sẻ những thách thức khó khăn trong giảng dạy bởi sự chênh lệch về năng lực của sinh viên. Viện Quản trị Kinh doanh đang xây dựng một khung chương trình đạo tạo hướng tới người học để có thể hỗ trợ, giúp đỡ người học sau khi ra trường với triết lý chính là “cung cấp cho sinh viên cách học thông qua đổi mới phương pháp giảng dạy”. PGS.TS. Hoàng Văn Hải cũng đề xuất trong hội thảo việc tăng cường thực tập thực tế cho sinh viên để có thể tiếp cận với doanh nghiệp nhiều hơn. Ngoài ra, nên bổ sung thêm các thầy cô trợ giảng để hỗ trợ tốt hơn cho sinh viên trong quá trình đào tạo.

 
 
PGS.TS. Hoàng Văn Hải chia sẻ những thách thức khó khăn trong giảng dạy

Cùng trao đổi tại hội thảo, TS. Lưu Thị Minh Ngọc cũng chia sẻ thêm: khi tham gia phỏng vấn sinh viên sau khi ra trường thì hầu hết sinh viên đều thiếu kỹ năng soạn thảo văn bản, lập kế hoạch hoạt động, thiếu kiến thức thực tế… qua đó TS. Lưu Thị Minh Ngọc cũng đề xuất nên có sự tham gia giảng dạy của doanh nghiệp nhiều hơn, sự chia sẻ thực tế của doanh nghiệp về kiến thức, kỹ năng, định hướng sau khi tốt nghiệp để tạo ra một chương trình cử nhân chất lượng cao có sự đổi mới. Ngoài ra nên bổ sung 'study tour' trong chương trình để tạo thêm sự hấp dẫn cho sinh viên.

Với bài tham luận “Giáo dục khai phóng có phù hợp với Việt Nam” do TS. Đinh Thị Thanh Vân - Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính Ngân hang, Giám đốc chương trình cử nhân chất lượng cao Tài chính - Ngân hàng chia sẻ thêm ở các trường Đại học tại Việt Nam đang bắt đầu áp dụng tư tưởng giáo dục khai phóng. Giáo dục khai phóng có đặc trưng là đào tạo linh hoạt, mang tính chất phản biện cả chiều rộng và chiều sâu đặc biệt là các kỹ năng cho sinh viên sau khi ra trường có thể dễ dàng có việc làm.

PGS.TS. Hà Văn Hội - Chủ nhiệm khoa Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế, Giám đốc chương trình cử nhân chất lượng cao ngành Kinh tế Quốc tế chia sẻ dưới góc độ của giảng viên có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy các chương trình chất lượng cao. Theo ý kiến của thầy, sinh viên có tâm lý e sợ các học phần chung bởi lẽ đây là học phần đặc thù, trừu tượng và cũng không loại trừ việc một số sinh viên chưa có ý thức học tập, chưa tích cực học hỏi nên dẫn đến kết quả học tập các học phần này chưa cao. Cũng theo ý kiến của thầy, việc lựa chọn giảng viên phù hợp, tâm huyết giảng dạy chương trình chất lượng cao đồng thời có sự gắn kết chặt chẽ giữa giảng viên với cố vấn học tập phối hợp cùng với Khoa, Viện và Phòng Đào tạo trong việc tổ chức đào tạo là hết sức quan trọng.

Tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Phương Thái - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm giảng dạy và quản lý các chương trình đào tạo chất lượng cao tại Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN như việc hỗ trợ người học một cách tối đa, có văn phòng riêng để hỗ trợ sinh viên, giảng viên, giải đáp thắc mắc cho phụ huynh và sinh viên trong hoạt động đào tạo, có chế độ trợ giảng cho giảng viên…

 
 
Các giảng viên đóng góp ý kiến tại Hội nghị

Hội thảo cũng lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp của các thầy cô trực tiếp tham gia giảng dạy các chương trình chất lượng cao và đa số các thầy cô đều cho rằng Trường nên tổ chức buổi gặp gỡ sinh viên chất lượng cao ngay sau khi nhập học nhằm trao đổi phương pháp học tập, xây dựng “tâm thế” cho sinh viên chất lượng cao.

Kết thúc hội thảo PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê đã cảm ơn những ý kiến đóng góp chân thành, tâm huyết của các thầy cô. Các ý kiến đóng góp tại hội thảo là căn cứ để Trường Đại học Kinh tế rà soát, điều chỉnh lại việc tổ chức và giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo các chương trình chất lượng cao. Nhà Trường cũng mong muốn các thầy cô dành nhiều tâm huyết hơn nữa đối với các chương trình chất lượng cao, xây dựng thương hiệu cho Trường Đại học Kinh tế “đào tạo chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội”.


Tin: Phùng Thế Vinh Ảnh: Thanh Tú