Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý II năm 2019

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố Báo cáo Kinh tế Quý II năm 2019
Ngày 11/07/2019 tại khách sạn Sheraton Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Tọa đàm "Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý II năm 2019". Chuỗi Báo cáo Kinh tế vĩ mô hàng quý được VEPR thực hiện dưới sự hỗ trợ của Viện Konrad-Adenauer (KAS).


Kể từ năm 2016, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đã bắt đầu công bố rộng rãi, định kỳ Báo cáo Kinh tế Vĩ mô hàng Quý nhằm cập nhật và thảo luận kịp thời những vấn đề đang đặt ra cho kinh tế Việt Nam. Các buổi tọa đàm này được đóng góp ý kiến, chia sẻ từ rất nhiều chuyên gia và thu hút sự quan tâm của báo chí.

 PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách phát biểu khai mạc sự kiện và trình bày nội dung báo cáo

Buổi tọa đàm có sự tham gia của PGS.TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia Kinh tế cao cấp, Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Tài chính Ngân hàng cao cấp, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV, TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia Kinh tế, Biên tập viên Cao cấp, Phó Vụ trưởng, Thư ký Hội đồng khoa học nghiệp vụ, Ban Tuyên truyền lý luận, Báo Nhân Dân và đại diện các cơ quan báo chí.

Mở đầu toạ đàm, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành đã có bài phát biểu chào đón các khách mời tham dự tọa đàm. Ông đánh giá cao những nỗ lực mà đội ngũ VEPR đã dành để xây dựng các số báo cáo Kinh tế Quý trong thời gian qua, cũng như bày tỏ hi vọng vào một tình hình kinh tế Việt Nam tiếp tục khởi sắc trong các quý tiếp theo của năm 2019.

Báo cáo của VEPR chỉ rõ, tăng trưởng đạt 6,76% trong 6 tháng đầu năm; tăng trưởng ở cả ba khu vực kinh tế đều bộc lộ dấu hiệu suy yếu, nhất là với nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng khá ảm đạm, chỉ đạt 2,39%; Dịch vụ tăng trưởng 6,69%; Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng ở mức 8,93%, thấp hơn so với cùng kì năm trước. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp IPI tăng 9,7%

Cũng 6 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ và chỉ số sản xuất đều tăng nhẹ, trong khi tồn kho lại tăng lên tới 16,1%, gây nguy cơ xảy ra đình trệ sản xuất tạm thời, doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Quý II tăng trở lại, ở mức 51,9 điểm. Số doanh nghiệp thành lập mới 38.514 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 484,7 nghìn tỷ đồng, tăng 30,8%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động thấp hơn so với cùng kì năm trước, chủ yếu các doanh nghiệp bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe. Lao động có xu hướng chuyển dịch ra ngoài khu vực công nghiệp, tăng trưởng lao động trong ngành đạt mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây (2,3%). Lao động trong nhóm FDI chỉ chiếm dưới 10% tổng lượng lao động.

6 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.391,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,3%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư (43,6%), tăng trưởng cao đạt 16,4%

Lượng vốn FDI tăng trưởng bất ổn qua các quý từ năm 2018 đến nay. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, CPI tăng 2,64% do tác động tiêu cực của dịch tả lợn châu Phi, điều chỉnh giá điện cuối Quý 1/2019, tăng giá sách giáo khoa và thực hiện lộ trình tăng trần học phí đại học và sau đại học và giá xăng dầu giảm mạnh có tác động đến kiềm chế lạm phát.

Thu ngân sách đạt 597.786 tỷ đồng tăng so với cùng kì năm trước. Nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu có đóng góp lớn vào thu ngân sách nhưng dự báo sẽ giảm dần do tác động giảm thuế từ các FTA và hiệp định EVFTA. Cơ cấu thu thuế từ các khu vực kinh tế còn tồn đọng nhiều vấn đề: nhóm doanh nghiệp và tổ chức ngoài quốc doanh chiếm khoảng 8% cơ cấu GDP nhưng đóng góp tới 36,35% (năm 2018) nguồn thu thuế từ sản xuất kinh doanh. Bộ Tài chính cũng dự toán bội chi 222 nghìn tỷ đồng, tương ứng với 3,6% GDP.

 TS. Võ Trí Thành trong phiên thảo luận

Theo TS Võ Trí Thành, tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 tăng 7,3%, chủ yếu nhờ một số thị trường lớn, đặc biệt là thị trường Mỹ.

Nhưng với Mỹ, Việt Nam lại đang có hai vấn đề, một là thặng dư thương mại và hai là Việt Nam nằm trong danh sách các nước bị theo dõi thao túng tiền tệ.

“Điều tốt là chúng ta đã ứng xử rất kịp thời, chu đáo nên cho đến nay mọi việc vẫn tương đối ổn thỏa. Việt Nam không bị xếp vào nhóm thao túng tiền tệ. Dù ông Donald Trump nói gay gắt về thặng dư thương mại với Việt Nam nhưng chúng ta đã giải trình rõ ràng với Mỹ.

“Chúng ta sẽ còn phải nỗ lực giải trình, nỗ lực chống gian lận thương mại, vì thế cần hạn chế nói việc dùng chính sách tiền tệ để tạo lợi thế cạnh tranh thương mại. Rất đáng buồn khi có nhiều kiến nghị về tỷ giá lại chỉ nhìn khía cạnh thương mại, cứ bảo phải phá giá đồng tiền bao nhiêu %. Tôi nhấn mạnh là chúng ta còn phải giải trình, không chỉ là câu chuyện tỷ giá mà kể cả những việc nhỏ như mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối”, ông Thành nói.

 TS. Nguyễn Minh Phong trong phiên thảo luận

TS Nguyễn Minh Phong đưa ra quan điểm về việc giá vàng “dậy sóng” nhưng không xuất hiện hiện tượng sốc tâm lý từ các nhà đầu tư.

Ông cho rằng chênh lệch giữa giá mua và bán, giữa giá vàng trong và ngoài nước không lớn và không có tuyên bố can thiệp để “hạ nhiệt vàng” từ Ngân hàng Nhà nước nên nhà đầu tư vững vàng hơn trong việc chọn mua vàng.

“Thêm nữa, giá vàng trong nước không có kiểu một ngày biến động vài chục lần khiến tâm lý người dân bất ổn. Trước đây, chỉ trong vòng một ngày mà bảng giá của Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh đến 65 lần”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chia sẻ.

 TS. Cấn Văn Lực trong phiên thảo luận

Theo TS Cấn Văn Lực, mức tăng trưởng cao khó có thể xảy ra. Tăng trưởng kinh tế năm 2019 trong khoảng 6,6 - 6,7% do các động lực tăng trưởng từ nay đến cuối năm đều thấp hơn năm 2018.

Theo ông Lực, tăng trưởng xuất khẩu đang chậm lại ở mức hơn 7% so với mức hơn 16% cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2018. Tăng trưởng xuất khẩu tại các thị trường chính như EU, Trung Quốc đều thấp hơn năm trước. Riêng với Mỹ, tăng trưởng xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, tuy nhiên, đây là nước Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thâm hụt thương mại.

 PGS. TS. Nguyễn Đức Thành trong phiên thảo luận

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, kinh tế thế giới chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng đồng loạt trong Quý II/2019. Căng thẳng thương mại tiếp tục đặt nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc dưới nhiều bất ổn, đồng Euro giảm giá mạnh so với USD và GBP, Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi cơn khát nhân lực. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong Quý II ở mức 6,71%, phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI. Cả ba khu vực đều trải qua mức tăng trưởng yếu trong 6 tháng đầu năm. Việc gia tăng đều giá nhóm hàng giáo dục, giá lương thực, thực phẩm tăng do dịch tả lợn châu Phi cùng với giá nhiên liệu biến động bất ổn khiến lạm phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng cao trong thời gian tới. Sự chuyển dịch của dòng FDI vào Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội từ CPTPP, EVFTA và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tạo nhiều cơ hội tăng trưởng của Việt Nam. Đặc biệt, xóa bỏ các rào cản đầu tư kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với vốn, thông tin, công nghệ, minh bạch và công bằng thuế… đang là cơ hội nhưng cũng là thách thức với sự phát triển bền vững của nước ta.

>> Tải tài liệu hội thảo tại đây.
>> Ảnh của sự kiện được cập nhật liên tục tại đây.
>> Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý II năm 2019 tại đây.