Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Ấn tượng “Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN” tại Hội thảo “Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội: Văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”

Hòa cùng với khí thế tưng bừng của ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong 3 ngày, từ ngày 7 đến 9/10/2010, Hội thảo quốc tế: “Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội: Văn hiến, anh hùng, vì hòa bình” đã được tổ chức với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học trong nước và quốc tế.


Trường Đại học Kinh tế là một trong các đơn vị thành viên ĐHQGHN tham gia rất tích cực tại Hội thảo. Trong số 33 báo cáo khoa học của Tiểu ban III: “Những vấn đề kinh tế - xã hội của thủ đô”, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là đơn vị có số lượng bài tham gia nhiều nhất với 11 bài, chiếm 33%.

PGS. TS. Phùng Xuân Nhạ - Phó Giám đốc ĐHQGHN, Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN tại Tiểu ban Kinh tế - Xã hội
Đồng thời, các nhà khoa học của Trường cũng tham gia điều hành trong hầu hết các phiên Hội thảo của Tiểu ban 3 như: PGS.TS Phùng Xuân Nhạ, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, PGS.TS. Phạm Văn Dũng. Những con số trên đây, một lần nữa đã khẳng định vị thế của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trong các cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế trong những năm gần đây.
Trong các tham luận, các nhà khoa học Trường ĐHKT đã tập trung vào các vấn đề chính sau:
1.  Về vấn đề đô thị hóa và phát triển bền vững của thủ đô

Những đề tài được trình bày thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học trong và ngoài nước
Đô thị hóa là một trong những vấn đề quan yếu nhất hiện nay của thủ đô Hà Nội, nên được nhiều tham luận đề cập đến. Đô thị hóa luôn đi kèm với vấn đề quản lý đô thị. Điều này đã được PGS.TS. Mai Thị Thanh Xuân đề cập đến trong Báo cáo tham luận. Rất nhiều ý kiến tán đồng với kiến nghị của PGS.TS. Mai Thị Thanh Xuân: “Thành phố cần xây dựng hệ thống chế tài xử phạt đủ sức giám sát, xử lý việc thực hiện quy hoạch phát triển thủ đô; giảm sức ép hệ thống giao thông nội đô và đặc biệt là tăng cường nâng cao dân trí, giảm thiểu sự bất bình đẳng trong cộng đồng dân cư. Đây chính là tiền đề giúp Hà Nội phát triển toàn diện và bền vững của thủ đô Hà Nội”.
2. Vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững
Đô thị hóa đồng thời cũng gắn liền với việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thủ đô. Trong báo cáo tham luận, PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ, PGS.TS. Nguyễn Xuân Thiên đều khẳng định: “Nguồn vốn ODA và FDI có một vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Nếu chỉ xét riêng một loại vốn cũng đã là quan trọng, khi hai loại vốn này được khai thác kết hợp bổ sung cho nhau thì sức mạnh lại càng lớn hơn”. Các ý kiến thảo luận tại hội trường đều nhất trí với PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ, PGS.TS. Nguyễn Xuân Thiên khi cho rằng: “TP. Hà Nội cần có tầm nhìn dài hạn trong xây dựng định hướng thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn, cần có quy hoạch tổng thể cho hoạt động ĐTNN của Hà Nội; cần có cơ chế và chính sách rõ ràng về ưu đãi cho các nhà ĐTNN theo hướng xoá bỏ các hạn chế và phân biệt giữa đầu tư trong nước và ĐTNN, tạo điều kiện cho khu vực ĐTNN tham gia nhiều hơn vào phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô…”.
Bên cạnh đó, Tham luận của TS. Hoàng Đình Phi nhấn mạnh thêm việc tăng cường đầu tư để phát triển các công nghệ cao cần chú trọng đặc biệt đến lựa chọn công nghệ sạch nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế Hà Nội theo hướng phát triển bền vững đô thị trong bối cảnh biến đổi toàn cầu và kinh tế tri thức.
3. Về phát triển bền vững các ngành dịch vụ của Thủ đô:

PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn trao đổi thông tin cùng các nhà khoa học tại hội thảo

Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thủ đô, phát triển các ngành dịch vụ đang được quan tâm. Trong bài tham luận của mình, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn đã nhấn mạnh: “Dịch vụ hóa của nền kinh tế thủ đô Hà Nội hiện nay cần gắn liền với quá trình dịch vụ hóa của toàn bộ nền kinh tế. Thủ đô cần phát triển 5 kết nối quan trọng với bên ngoài. Đó là kết nối về thông tin; kết nối về giao thông; kết nối về tri thức; kết nối về văn hóa, và kết nối về tài chính. Mỗi một kết nối đó đòi hỏi sự nỗ lực phát triển của các ngành dịch vụ tương ứng của thủ đô. Theo đó, 4 ngành dịch vụ cần ưu tiên phát triển của Hà Nội là: Dịch vụ hàng khôn, Dịch vụ giáo dục, Dịch vụ tài chính - ngân hàng, Dịch vụ du lịch.
Đồng thời, với quá trình mở rộng như hiện nay, cái đích mà nền kinh tế thủ đô hướng tới không phải là một đô thị - dịch vụ thuần túy mà sẽ là một “vùng liên kết dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp mở” với tính chất là trung tâm phát triển các ngành dịch vụ cao cấp, đồng thời cũng là nôi sáng tạo, trung tâm năng suất và cực tăng trưởng của ngành dịch vụ nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Về phát triển các ngành dịch vụ cụ thể, với nhan đề “Du lịch Hà Nội: hướng tới phát triển bền vững”, PGS.TS. Hà Văn Hội cho rằng: Du lịch Hà Nội có vị thế đặc biệt quan trọng trong phạm vi quốc gia và khu vực, năng lực cạnh tranh cũng từng bước được nâng cao. Do đó, điều chỉnh sự phát triển du lịch đảm bảo sự bền vững về kinh tế, môi truờng sinh thái, môi trường xã hội văn hoá là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài của thành phố Hà Nội”
Vấn đề phát triển dịch vụ nói chung và các ngành dịch vụ cụ thể nói riêng qua Tham luận của PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, PGS.TS. Hà Văn Hội và TS. Phạm Quốc Sử (ĐHSPHN1) đã làm “nóng” lên không khí thảo luận trong Hội trường. Đại diện UBND TP. Hà Nội và Trung ương, như Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương đã rất tán đồng với những đề xuất của các nhà khoa học trong nhằm phát triển dịch vụ bền vững trong quá trình phát triển kinh tế của thủ đô.
4.  Một số vấn đề xã hội, văn hóa


Di dân cũng là vấn đề được các nhà khoa học trong Tiểu ban thảo luận sôi nổi. Các báo cáo của TS. Phạm Thị Hồng Điệp và TS. Đinh Văn Thông đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về hiện tượng dịch chuyển lao động, dịch chuyển dân cư ở Hà Nội trong thời gian vừa qua. Qua trao đổi, các nhà khoa học đều nhất trí phải tiếp cận vấn đề di dân ở Hà Nội theo hướng liên ngành, toàn diện, không chỉ chú trọng các giải pháp quản lý hành chính như hiện nay mà cần phải biết sử dụng các đòn bẩy kinh tế, các giải pháp xã hội và văn hóa một cách hiệu quả.
Vấn đề cũng được trao đổi nhiều là vấn đề phát triển nguồn lực con người của thủ đô. PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, PGS.TS. Phạm Văn Dũng nhấn mạnh: cần chú trọng đến phát triển và sử dụng tốt nguồn nhân lực tài năng, chất lượng cao của Hà Nội. Kiến nghị được nhiều nhà khoa học tán đồng là: “Hà Nội phải thực sự coi phát triển nguồn nhân lực như phát triển nguồn lực quan trọng nhất trong chiến lược phát triển bền vững của mình trên cả hai phương diện thể chất và tinh thần, cả trình độ nghề nghiệp, năng lực ngoại ngữ và sự hào hoa, thanh lịch trong ứng xử văn hóa”.
Bên cạnh đó, vấn đề “đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội” cũng được các đại biểu hết sức quan tâm. Thực chất đây là cái đích tới của toàn bộ chiến lược phát triển bền vững thủ đô. Trong tham luận, PGS.TS. Phan Huy Đường đã đưa ra một bức tranh tổng quát về vấn đề này với một loạt những kiến nghị tâm huyết, trong đó có cả đề nghị phải quan tâm nhiều hơn tới những nhóm xã hội yếu thế ở Hà Nội, chẳng hạn những phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ.

Các giáo sư, nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại Tiểu ban Kinh tế - Xã hội

Mặc dù đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau về quá trình phát triển kinh tế của Thủ đô, nhưng nét đặc sắc của tiểu ban: tính chất liên ngành, đa ngành và giàu tính thực tiễn đã được bộc lộ rất rõ trong suốt quá trình làm việc của tiểu ban. Nội dung chính của tiểu ban là trao đổi, thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội của thủ đô, nhưng tất cả các nhà khoa học trong tiểu ban nói chung và các nhà khoa học Trường ĐHKT - ĐHQGHN nói riêng, đều xem xét các vấn đề được đặt ra để trao đổi từ một xuất phát điểm chung nhất là hướng tới xây dựng chiến lược phát triển bền vững của Hà Nội.
Chính vì vậy, xuất phát từ các vấn đề kinh tế, tập trung vào vấn đề kinh tế, nhưng như một logic tự nhiên, các nhà khoa học đã đề cập đến cả các vấn đề quy hoạch và quản lý đô thị, huy động vốn và phát triển các ngành kinh tế, bảo vệ môi trường, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và tín ngưỡng, tôn giáo v.v... Đồng thời kiến nghị các giải pháp trước mắt mà lâu dài cho việc phát triển kinh tế - xã hội thủ đô theo hướng bền vững nhằm tạo nên một xung lực phát triển mới của thủ đô trong kỷ nguyên bùng nổ công nghệ cao và kinh tế tri thức… nâng cao vị thế của thủ đô trên trường quốc tế, xứng danh Thủ đô văn hiến, anh hùng.

GS. NGND Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam

Trong bài tổng kết quan trọng của Hội thảo, GS.NGND Phan Huy Lê đã nhấn mạnh: Hội thảo không thể thành công, nếu thiếu sự nhiệt tình, tâm huyết và đầy tinh thần trách nhiệm của các nhà khoa học trong nước và quốc tế khi dành nhiều thời gian, công sức và trí tuệ cho hội thảo. Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN rất tự hào khi có các nhà khoa học trong số ấy.
 
TIN LIÊN QUAN:
>> Khai mạc hội thảo khoa học quốc tế về Hà Nội
>> Kỷ yếu báo cáo khoa học
>> "Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hoà bình"

PGS.TS. Hà Văn Hội Ảnh: Mạnh Tuấn - Bùi Tuấn