Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2011

Sáng nay (17/5) Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc Trường ĐHKT tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2011.


Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều lãnh đạo và đại diện của các cơ quan  chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan lý luận và nghiên cứu trong nước và quốc tế, trong đó có GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQGHN; GS.TS Nguyễn Cao Huần, Trưởng Ban KHCN; PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương; PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội; Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương; TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả - Bộ Tài chính; ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban giám sát tài chính; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Viện trưởng  - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; PGS. TSKH Võ Đại Lược, Chủ nhiệm văn phòng chương trình KX01; TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương; TS. Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng NCKT Viện Nghiên cứu Phát triển KTXH HN; TS. Mai Hà, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách khoa học - Bộ KHCN; PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viên Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Lê Hồng Nhật, Trường ĐHKT - ĐHQG TP.HCM; TS. Lê Quốc Phương, Phó trưởng Ban phân tích và dự báo vĩ mô; TS. Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường và Giá cả; TS. Trần Việt Ký, Quỹ đầu tư An Phú; ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch chi hội Hiệp hội Marketing; ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji…
Hơn 100 phóng viên các hãng thông tấn báo chí đã tham dự và đưa tin về Hội thảo.


PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKTphát biểu khai mạc hội thảo

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2011 có chủ đề “Nền kinh tế trước ngã 3 đường” ra đời trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp và đề cập đến một loạt vấn đề trọng yếu mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt khi bước vào thập niên mới.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn khẳng định Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam là một trong những sản phẩm nghiên cứu trọng tâm của Trường ĐHKT - ĐHQGHN. Trường luôn đặt mục tiêu trở thành một đại học theo định hướng nghiên cứu, theo đó, đào tạo được thực hiện dựa trên cơ sở nghiên cứu hay nghiên cứu dẫn dắt quá trình đào tạo và nghiên cứu gắn liền với thực tiễn hoạt động của nền kinh tế - xã hội. Về Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2011, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn khẳng định đây là báo cáo khách quan và độc lập. Những phân tích, đánh giá dựa trên số liệu thực tế cũng như các phương pháp nghiên cứu hiện đại của kinh tế học. Do vậy, bên cạnh những phát hiện mới, nhiều vấn đề tưởng như thông thường sẽ được lý giải bằng các phương pháp khoa học và dựa trên các bằng chứng khoa học.

Đông đảo các nhà khoa học, lãnh đạo cá cơ quan bộ ngành đã đến dự

Trong số các thông điệp quan trọng gửi đến các nhà hoạch định chính sách, Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh, năm 2011 “Ở vào thế bất lợi hơn năm 2008, cho dù 2008 là năm chịu ảnh hưởng lớn nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cũng như những khó khăn kinh tế bắt nguồn từ trong nước”. Lý do là vì năm 2008, ngân sách chưa bị thâm hụt quá sâu nên chính sách tài khóa còn có thể khá linh hoạt trong việc thay đổi mức độ thu - chi hoặc lạm phát lúc đó cũng tăng cao, nhưng lãi suất lúc đó chưa cao và khả năng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát còn có thể chập nhận được…
Báo cáo cho rằng, để ổn định kinh tế, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là thắt chặt chính sách tiền tệ một cách kiên quyết và kiên nhẫn. Chính sách tài khóa cũng cần thắt chặt, nhưng trên cơ sở tính toán đến khả năng tăng trưởng dài hạn.
Đáng lưu ý, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, nhiều khả năng nợ công Việt Nam sẽ tạm thời chững lại trong năm 2011, nhưng những năm tiếp theo sẽ tăng dần đều tới mức 64% GDP vào năm 2015 và 80% GDP vào năm 2020. Kịch bản này đòi hỏi Chính phủ phải đưa dần thâm hụt ngân sách tổng thể từ 7,7% trong năm 2009 xuống còn 4,3% trong năm 2011; 3,1% trong năm 2015 và 2,8% GDP trong năm 2020. Mặc dù khẳng định khả năng thanh toán và thanh khoản của nợ công nước ta vẫn trong ngưỡng an toàn, song cục diện chung tiềm ẩn nhiều dấu hiệu cần hết sức thận trọng.

Trình bày trước hội thảo, TS. Nguyễn Đức Thành cho biết, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2011 bao gồm 9 Chương và 2 Phụ lục. Chương 1 “Kinh tế Thế giới năm 2010: Phục hồi nhưng chưa bền vững” tóm lược những biến động kinh tế trên toàn cầu trong năm 2010, cung cấp cái nhìn tổng thể về kinh tế thế giới với những sự kiện lớn như khủng hoảng nợ ở Châu Âu, vấn đề chiến tranh tiền tệ, đi liền với một hệ thống các số liệu thống kê và nhận định cơ bản về khuynh hướng của nền kinh tế thế giới.
Phần tổng quan về kinh tế thế giới, có chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2010” cung cấp một cái nhìn và đánh giá toàn cảnh về kinh tế Việt Nam trong năm qua, các khuynh hướng chính trên các khía cạnh lớn như kinh tế vĩ mô, cấu trúc kinh tế, ngân sách chính phủ, cán cân thanh toán, và các chính sách kinh tế vĩ mô v.v…
Chương 3, “Rủi ro kinh tế vĩ mô trong bối cảnh mới của Việt Nam", đề xuất một mô hình phản ánh những rủi ro tiềm tàng của kinh tế vĩ mô Việt Nam trong giai đoạn sắp tới, với những vấn đề cốt yếu bắt nguồn từ mô hình tăng trưởng kinh tế hiện thời, tích tụ rủi ro lên hệ thống tài chính và thị trường tài sản, đồng thời là nguyên nhân gây ra những mất cân đối vĩ mô trong nền kinh tế.Chương 4, “Những bài học từ một thập kỷ chống lạm phát ở Việt Nam” tập trung tìm hiểu nguyên nhân của lạm phát tại Việt Nam trong giai đoạn 2000-2010, dựa trên cách tiếp cận định lượng hiện đại để tìm ra những bằng chứng mới, trên cơ sở đó đưa ra những khuyến nghị quan trọng về chính sách chống lạm phát trong thời gian tới.
Chương 5 với nhan đề “Hướng tới xây dựng nền tảng cho chính sách lãi suất ở Việt Nam” phân tích chính sách lãi suất của Việt Nam trong những năm qua, chứng minh rằng hiện Việt nam đang thiếu vắng một cơ chế nhất quán trong điều hành biến vĩ mô quan trọng bậc nhất hiện nay là lãi suất. Trên cơ sở mổ xẻ những vấn đề kinh tế nằm sau diễn biến bất thường của lãi suất ở Việt Nam trong nhiều năm qua, các tác giả đề xuất những nền tảng cho một chính sách lãi suất hiệu quả và nhất quán hơn.
Chương 6 của Báo cáo nghiên cứu về vấn đề “Nợ công của Việt Nam: Rủi ro và thách thức”, đưa ra một bức tranh rõ nét về tình trạng nợ công hiện nay, cùng những phân tích sâu sắc về các khía cạnh rủi ro tiềm tàng xung quanh vấn đề này. Chương này cũng xây dựng một bức tranh dự báo về nợ công trong thập niên tới.
Chương 7 với nhan đề “Phân tích cấu trúc thâm hụt cán cân thương mại Việt Nam-Trung Quốc” lần đầu tiên phân tích có hệ thống về cấu trúc mất cân đối trầm trọng trong cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, trên cơ sở đó vạch ra những nguyên nhân chi phối hiện tượng này, đồng thời thảo luận những chính sách ứng xử cần thiết.
Chương 8, “Thị trường lao động: Nhìn qua lăng kính của khu vực kinh tế phi chính thức”, đưa ra những thảo luận chi tiết và hệ thống về thị trường lao động với tâm điểm chú ý là khu vực phi chính thức rộng lớn ở Việt Nam. Nhóm tác giả cho rằng đây là khu vực quan trọng bậc nhất trong thị trường lao động của Việt Nam, nhưng lâu nay vẫn bị lãng quên trên khía cạnh chính sách.
Thay cho lời kết, Chương 9 của Báo cáo về Viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2011 và khuyến nghị chính sách đưa ra đánh giá chung về nền kinh tế năm 2010 và hiệu quả của các công cụ chính sách kinh tế thực hiện trong năm. Chương 9 cũng đưa ra những dự báo về diễn biến kinh tế chính của Việt Nam trong năm 2011.

Rất nhiều góp ý đã được các đại biểu tham dự gửi đến hội thảo

Nhận xét tại hội thảo, các đại biểu tham dự đánh giá cao chất lượng, thông tin mà báo cáo đem lại. PGS.TSKH Võ Đại Lược cho rằng các số liệu, căn cứ, đề xuất đưa ra là phù hợp và sát thực. Vấn đề đặt ra ở đây là thực thi thế nào? Những gì báo cáo nêu ra cho thấy mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhưng liệu có còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay hay không? Việc báo cáo đặt ra các vấn đề cần giải quyết như nguồn nhân lực, công nghệ cao… là đúng nhưng vẫn cần phân tích sâu hơn về mô hình tăng trưởng hiện nay.


TS. Nguyễn Đức Thành, Chủ biên Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2011 trả lời phỏng vấn của các báo chí, truyền hình.

Đồng quan điểm với PGS Võ Đại Lược, đại diện Đại sứ quán Singapore cho rằng, rất nhiều vấn đề mà báo cáo đưa ra đã được nhìn nhận và khẳng định là đúng. Tuy nhiên, cái chúng ta cần là hướng giải quyết cụ thể, hiệu quả và báo cáo cần đi sâu vào việc, giải quyết thế nào cho thật sự hiệu quả. Đồng ý với góp ý của các đại biểu, TS. Nguyễn Đức Thành, Chủ biên Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam khẳng định, các vấn đề còn thiếu sót sẽ tiếp tục được bổ sung trong các báo cáo trong năm tới, đặc biệt là các vấn đề về thực thi chính sách như thế nào và vướng mắc ở những vấn đề gì.
Đại diện lãnh đạo Trường ĐHKT và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.


Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2011 bao gồm 9 chương và 2 phụ lục. Báo cáo được cập nhật thông tin và số liệu đến hết tháng 12/2010, một số vấn đề thời sự được cập nhật đến hết tháng 3/2011.
Báo cáo tiếng Việt đầy đủ gồm hơn 500 trang sách sẽ được xuất bản dự kiến vào đầu tháng 6/2011.
Báo cáo tiếng Anh sẽ được xuất bản sau đó khoảng một tháng, phát hành trên thị trường quốc tế.

Báo cáo là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề về kinh tế vĩ mô tại Việt Nam.


Tin: Mạnh Tuấn - Lưu Mai Ảnh: CaoTuấn, Thúy Diệp, Cao Nhật