Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
ĐHKT công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012: “Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế”

Ngày 24/5/2012, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với Cơ quan viện trợ Ai-len (Irish Aid) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012: “Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế”.


Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều lãnh đạo và đại diện của các cơ quan chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan lý luận và nghiên cứu trong nước và quốc tế, đại diện lãnh đạo các trường đại học... Trong đó, có chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, TS. Đinh Quang Ty - Vụ trưởng, Thư ký khoa học chuyên trách về lĩnh vực kinh tế của Hội đồng Lý luận Trung ương, TS. Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, TS. Nguyễn Đình Cung - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ - Phó Giám đốc Thường trực ĐHQGHN, TS. Lê Hồng Nhật - Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG HCM... cùng đại diện của các hội và hiệp hội, các doanh nghiệp, ngân hàng và các cơ quan thông tấn báo chí.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phát biểu khai mạc hội thảo

Tiếp nối những phân tích về "Nền kinh tế trước ngã ba đường” và đòi hỏi cấp thiết về việc tái cơ cấu nền kinh tế trong báo cáo năm 2011,
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012 ra đời trong bối cảnh nền kinh tế đang bước vào giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ, mà trọng tâm là 3 chương trình tái cơ cấu theo tinh thần của Hội nghị Trung ương 3 (2011): tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu đầu tư công. Với một số thuận lợi về điều kiện kinh tế vĩ mô từ cuối năm 2011, chương trình tái cơ cấu có những lợi thế nhất định để triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, một hệ quả của chương trình bình ổn vĩ mô là sự suy giảm kinh tế và những khó khăn của hệ thống doanh nghiệp. Đây là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy việc tái cơ cấu đòi hỏi những chi phí kinh tế - xã hội không hề nhỏ, đụng chạm đến quyền lợi của nhiều nhóm lợi ích khác nhau, và do đó, đặt cả Chính phủ lẫn toàn bộ nền kinh tế trước những thử thách to lớn. Với tựa đề “Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế”, báo cáo năm nay tập trung mổ sẻ, phân tích và bình luận một cách chi tiết ba chương trình tái cơ cấu hiện nay, vạch ra những khó khăn và hạn chế trong quá trình thực hiện và đề xuất những kiến nghị cho việc thực hiện tái cơ cấu đó.


Ông Garvan McCann phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ôngGarvan McCann, Trưởng Ban phát triển, ĐSQ Ai-len cho biết: những biến động của nền kinh tế là vấn đề chung của nhiều quốc gia hiện nay, vì vậy, việc nghiên cứu về tái cơ cấu luôn được Irish Aid rất quan tâm. Irish Aid rất vinh dự khi được cùng với Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp, hỗ trợ việc thực hiện Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012 để xây dựng những tư vấn về chính sách kinh tế vĩ mô.


TS. Nguyễn Đức Thành giới thiệu các nội dung chính của báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012 tại hội thảo

Nhận xét về Báo cáo kinh tế thường niên 2012, nhìn chung, các đại biểu tại hội thảo đánh giá cao chủ đề mà báo cáo lựa chon năm nay cùng những thông tin mà báo cáo đem lại. Trong đó, ông Trương Đình Tuyển - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng báo cáo đã có những điểm mới thú vị, đặc biệt là những phát hiện mang tính tranh luận của các tác giả. Ông cũng đưa ra một số góp ý về việc đồng nhất thuật ngữ, gợi ý báo cáo cần có thêm phần tổng quan về tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và nên nâng cấp chương cuối cùng của báo lên để nó có ý nghĩa về mặt khuyến nghị chính sách. Ngoài ra, ông Tuyển cũng nhấn mạnh về sự cần thiết của những khuyến nghị mang tình thể chế.

(Từ trái qua) TS. Lê Hồng Nhật, TS Vũ Viết Ngoạn, TS. Nguyễn Đình Cung và ông Trương Đình Tuyển nhận xét về báo cáo

Đồng tình với quan điểm của ông Trương Đình Tuyển, TS. Vũ Viết Ngoạn cho rằng báo cáo có những phát hiện mà ông đánh giá cao như việc chỉ ra rằng vấn đề của kinh tế Việt Nam hiện nay do những vấn đề mang tính nội tại là chính. Ông cũng cho rằng, các cứ liệu khoa học của báo cáo là tốt, áp dụng những phương pháp định lượng mạnh dạn; trong đó có so sánh kinh nghiệm quốc tế trong việc xử lý vấn đề tái cơ cấu; tuy nhiên, báo cáo cần có những phân tích kỹ về tái cơ cấu trong từng lĩnh vực như doanh nghiệp, ngân hàng.
TS. Nguyễn Đình Cung thì cho rằng nội dung trong các chương còn mất cân đối, về nội dung còn một số điểm vẫn lặp lại những kết quả nghiên cứu cũ. Nhóm tác giả cần trả lời những câu hỏi mới hơn; nên tập trung nghiên cứu, trả lời câu hỏi tại sao những giải pháp được kiến nghị lâu rồi mà vẫn chưa được áp dụng; đồng thời, các kiến nghị nên được ưu tiên (những kiến nghị nào nên được thực hiện trước mắt, những kiến nghị nào sau) hơn là liệt kê một loạt. Ông cũng cho rằng, báo cáo cần được thể hiện với những quan điểm, nhận định và khuyến nghị mạnh mẽ hơn.


Báo cáo nhận được nhiều ý kiến nhận xét của các đại biểu tại hội thảo

Kết thúc hội thảo, thay mặt lãnh đạo nhà trường, đồng thời thay mặt nhóm tác giả, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT đã cảm ơn những ý kiến nhận xét, đóng góp của các chuyên gia, các đại biểu có mặt tại hội thảo và khẳng định những ý kiến nhận xét sẽ là những tham khảo hữu ích đối với nhóm tác giả trong việc tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện báo cáo.


Nhóm tác giả của Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012


Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam là chuỗi báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn một năm qua, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và khuyến nghị chính sách trong bối cảnh hiện thời.
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012 được cập nhật thông tin và số liệu đến hết tháng 12 năm 2011, một số vấn đề thời sự được cập nhật đến hết Quý 1 năm 2012.
Báo cáo tiếng Việt đầy đủ gồm hơn 400 trang sách sẽ được xuất bản dự kiến vào cuối tháng 6 năm 2012. Báo cáo tiếng Anh sẽ được xuất bản sau đó khoảng một tháng, phát hành trên thị trường quốc tế.
Mọi ý kiến trao đổi và góp ý về nội dung chuyên môn của Báo cáo Thường niên kinh tế Việt Nam 2012 xin được gửi tới chủ biên, TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, tại địa chỉ email:
nguyen.ducthanh@vepr.org.vn



=============
Tin liên quan:

Tin: Đỗ Chiêm - Ảnh: Phạm Diệp