Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Nhiều kết quả NCKH sinh viên được chia sẻ tại hội thảo kinh tế thường niên

Hội thảo thường niên kinh tế Việt Nam dưới góc nhìn sinh viên luôn thu hút sự quan tâm của nhiều sinh viên đam mêm NCKH
Ngày 10/3/2013, Hội thảo thường niên "Kinh tế Việt Nam 2012 dưới góc nhìn của sinh viên" do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với Câu lạc bộ Kinh tế trẻ (YEC) trực thuộc ĐHKT tổ chức đã thành công tốt đẹp.


Tham dự hội thảo có TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN, TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), ThS. Nguyễn Thị Vũ Hà - giảng viên Trường ĐHKT cùng các chuyên gia đến từ VEPR, các thành viên Câu lạc bộ Kinh tế trẻ và đông đảo các sinh viên quan tâm đến kinh tế đến từ các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Từ rất nhiều bài đăng ký tham luận, BTC đã chọn ra 3 bài nghiên cứu xuất sắc nhất để trình bày tại hội thảo lần này. Mở đầu là tham luận “Tổng quan nền kinh tế Việt Nam 2012” của Đào Thanh Huyền (CLB Kinh tế trẻ). Bài nghiên cứu đã cung cấp những thông tin chung nhất về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012. Theo đó, nền kinh tế tiếp tục chịu ảnh hưởng của việc suy giảm tăng trưởng trên toàn cầu. Những vấn đề về nợ công, lạm phát, bất ổn trên thị trường tài sản cũng như việc tái cơ cấu chậm chạp là những gam màu tiêu cực của nền kinh tế Việt Nam.

Các giảng viên, cựu sinh viên ĐHKT cũng như các sinh viên có thành tích NCKH xuất sắc đã trao đổi về các nội dung được đề cập tại hội thảo và chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu

Tuy nhiên, tình hình kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định, xu hướng đầu tư phát triển ngày càng đúng đắn và việc lần đầu tiên Việt Nam xuất siêu sau 20 năm là những điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2012, hứa hẹn cho những bước tiến triển trong 2013.

Tiếp theo đó là tham luận “Thâm hụt thương mại Việt Nam - Trung Quốc” của nhóm sinh viên: Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trần Thị Ngọc Phượng, Đinh Thị Lan Anh và Đặng Hồng Phúc đến từ ĐH Ngoại thương. Bài nghiên cứu mang đến những phân tích sâu về vấn đề thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bằng cách so sánh linh hoạt, nhóm tác giả đã đặt mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trong những bối cảnh và góc nhìn khác nhau. Qua đó, hiện tượng thâm hụt thương mại Việt Nam - Trung Quốc được đo lường và giải thích thông qua các biến: dân số, quy mô kinh tế, sử dụng hiệp định thương mại tự do, hàng rào thuế quan, quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ…
Các chuyên gia đánh giá cao báo cáo tham luận về sự đầu tư nghiêm túc, tuy nhiên, vẫn còn một số thiếu sót cần phải khắc phục như: thiếu tin cậy trong cơ sở dữ liệu, nhiều cảm tính trong việc phân tích. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng tư vấn cho nhóm nghiên cứu về việc sử dụng mô hình nghiên cứu đang được áp dụng rất thành công ở các trung tâm học thuật lớn trên thế giới.

TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT phát biểu tại hội thảo

Tham luận cuối cùng được thuyết trình tại hội thảo là “Tác động của biến đổi khí hậu và các chiến lược thích ứng cho sinh kế của người dân vùng ven biển thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định” của nhóm sinh viên: Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Huyền, Lương Thị Tuyến (Trường ĐHKT - ĐHQGHN). Bằng cách khảo sát trực tiếp người dân và cán bộ ở địa phương, nhóm nghiên cứu đã phân tích về những ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu gây ra. Trong khi đó, người dân và chính quyền địa phương lại có những hạn chế về kiến thức và kinh tế để có biện pháp phòng ngừa, đối phó hiệu quả.

Là nhóm duy nhất sử dụng biện pháp khảo sát bằng phiếu hỏi, nhóm nghiên cứu đã nhận được nhiều lời khen từ hội đồng chuyên môn. Nhóm cũng nhận được những góp ý trong cách sử dụng các thuật ngữ khoa học, cách trình bày các mô hình sao cho sinh động, hiệu quả và những hướng đi mới để phát triển đề tài này.
Sau mỗi phần thuyết trình là những nhận xét của nhóm phản biện (gồm các chuyên gia của VEPR và các khách mời). Những câu hỏi, trao đổi của nhóm phản biện và các sinh viên tham dự cùng phần đánh giá, góp ý sâu của các chuyên gia đã giúp mở ra những hướng nghiên cứu mới, chia sẻ những mô hình hiệu quả trong nghiên cứu khoa học và giới thiệu các cơ sở dữ liệu mới đáng tin cậy hơn, trên cơ sở đó, các tác giả có thể thêm hoàn thiện và phát triển để tài.
Hội thảo đã tạo một diễn đàn thường niên cho các sinh viên đam mê NCKH được cùng trao đổi các kết quả nghiên cứu

Chuỗi hội thảo với chủ đề: Kinh tế Việt Nam dưới góc nhìn của sinh viên” là hoạt động thường niên về nghiên cứu khoa học (NCKH) nhằm thúc đẩy phong trào NCKH sinh viên trong Trường ĐHKT; đồng thời kết nối những người trẻ đam mê nghiên cứu. Đến với hội thảo, mỗi sinh viên như được truyền ngọn lửa đam mê và cảm hứng từ những lời động viên và chia sẻ của các thế hệ sinh viên đi trước.
Sự đồng hành của các chuyên gia kinh tế, các cán bộ, giảng viên trong Trường ĐHKT - ĐHQGHN cũng tiếp thêm sức mạnh cho sinh viên thực hiện những công trình nghiên cứu chất lượng và bước tiếp trên con đường nhiều thách thức nhưng thú vị này.

Đinh Thông (CLB Kinh tế trẻ)