Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Hội thảo quốc tế "Trao quyền phụ nữ - Cơ hội và thách thức trong khởi nghiệp"

Các đại biểu trong nước và quốc tế tại hội thảo
Ngày 18/10/2013, Hội thảo quốc tế “Trao quyền phụ nữ: Cơ hội và thách thức trong khởi nghiệp” do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với Viện Pacific Century (Hoa Kỳ) tổ chức đã thành công tốt đẹp.


Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các chuyên gia nghiên cứu quốc tế từ nhiều nơi trên thế giới, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu tại Việt Nam, các nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, các trường đại học, tổ chức; lãnh đạo và các học viên/sinh viên Trường ĐHKT cùng nhiều cơ quan thông tấn báo chí. Đặc biệt, hội thảo còn có sự tham dự của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - ngài David Shear; nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - ngài Michael Michalak; Nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động và Thương binh Xã hội - Bà Nguyễn Thị Hằng, Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên minh Châu Âu - bà Tôn Nữ Thị Ninh.

Người phụ nữ trong xã hội ngày nay đã và đang được phát huy quyền để tham gia đầy đủ các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực, góp phần xây dựng nền kinh tế mạnh hơn, đồng thời đạt được mục tiêu quốc tế về phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ nói riêng, gia đình và cộng đồng nói chung.Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng bất bình đẳng giới, nghèo đói và thất nghiệp đối với đối tượng nữ giới vẫn còn tồn tại trong cộng đồng. Do đó, phát huy quyền cho phụ nữ là một vấn đề đáng quan tâm đối với các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách.
Chính vì vậy, Hội thảo này đã được tổ chức nhằm góp phần tăng cường, nâng cao trao đổi học thuật và chia sẻ kinh nghiệm về quyền cho phụ nữ Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung.


TS. Vũ Anh Dũng phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy quyền cho phụ nữ về nhiều mặt trong sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội nói chung cũng như kỳ vọng hội thảo (được tổ chức vào dịp trước Ngày phụ nữ Việt Nam 20-10) là trở thành diễn đàn giúp cho việc trao đổi học thuật và chia sẻ kinh nghiệm cho chủ đề, giúp cho phụ nữ có thể nâng cao hơn nữa các kỹ năng trong khởi nghiệp, kinh doanh và hỗ trợ trong công việc. Sự kiện này cũng là cơ hội để các học giả, nhà nghiên cứu, các nhà kinh tế, các nhà thực tiễn, các nhà hoạch định chính sách… trao đổi, thảo luận về các giải pháp để nâng cao chất lượng nghiên cứu, hoạch định chính sách và đào tạo phụ nữ trong khởi nghiệp, kinh doanh...


Đại sứ Hoa Kỳ David Shear


Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Hoa Kỳ David Shear cho rằng việc trao quyền cho phụ nữ là vấn đề cốt lõi và bình đẳng giới là vấn đề quan trọng đang được thực hiện ở các quốc gia trên thế giới.

Ngài Michael Michalak

Trước khi hội thảo bước vào phiên thứ nhất, ngài Michael Michalak - Nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cám ơn Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức hội thảo này, cám ơn các diễn giả, các đại biểu đã tới tham gia hội thảo. Sau đó diễn giả Jerilyn Brusseau - nhà sáng lập Cinnabon và Peacetree Việt Nam đã chia sẻ những câu chuyện thực tế, những bài học kinh nghiệm của bà trong khởi nghiệp. Từ câu chuyện bắt đầu mở một cửa hàng, tìm hiểu và sáng tạo cách làm bánh quế, tới việc xây dựng được sự tin cậy, chia sẻ giữa những người phụ nữ nước Nga và Mỹ, giải quyết các vấn đề sau chiến tranh, thiết lập mối quan hệ hữu nghị với bạn bè Việt Nam… Mỗi câu chuyện là những thử thách khác nhau. Qua đó diễn giả Jerilyn Brusseau khẳng định sức mạnh xuất phát từ trong mỗi cá nhân, đối với người phụ nữ, nếu dám nghĩ, dám làm thì họ sẽ thực hiện được ước nguyện của mình.


Bà Jerilyn Brusseau

“Trao quyền phụ nữ” thông qua khởi nghiệp
Tiếp đó, hội thảo bước vào phần nội dung chính với 5 phiên, gồm tham luận từ các chuyên gia quốc tế và Việt Nam và phần trao đổi từ các đại biểu.
Phiên đầu tiên của hội thảo do bà Tôn Nữ Thị Ninh chủ trì là những tham luận về chủ đề khởi nghiệp - một phương thức để trao quyền cho phụ nữ trong kinh doanh. Tham luận của bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam phân tích vai trò quan trọng của nữ doanh nhân Việt Nam hiện nay thông qua việc nhấn mạnh những thành tựu nổi bật của nữ giới trong một số lĩnh vực cuộc sống, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế; nhấn mạnh những cơ hội mà nữ doanh nhân Việt Nam có và cần nắm bắt hiện nay và những nguyên nhân khởi nghiệp được coi là một công cụ trao quyền cho phụ nữ. Trên cơ sở đó, bà Minh cũng đưa ra một số khuyến nghị đối với cá
c cấp chính quyền, các cơ quan đối tác trong và ngoài nước trong việc nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế.


Đoàn chủ tọa phiên đầu tiên của hội thảo. Từ trái qua, bà Dawn Trudeau, bà Tôn Nữ Thị Ninh, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh


Bà Dawn Trudeau - Giám đốc Công ty Seattle Storm - thông qua quá trình khởi nghiệp nhiều thử thách của mình đã cho rằng, người phụ nữ phải chấp nhận rủi ro nếu muốn đạt được thành công. Bản thân mỗi phụ nữ cần biết rõ được thế mạnh của mình là gì để từ đó phát huy trong công việc nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.
Những chia sẻ này của 2 diễn giả nhận được sự quan tâm của các đại biểu tham gia. Nhiều ý kiến đã trao đổi thêm về vấn
đề khó khăn của phụ nữ trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình. Bàn về vấn đề bình đẳng giới, một số ý kiến cho rằng, bên cạnh sự nhìn nhận của xã hội thì chính phụ nữ cũng cần nhận thức được vai trò chủ động của mình trong xã hội hiện đại; một số nội dung mang tính khuôn mẫu trong vấn đề truyền thông, giáo dục cũng cần có những thay đổi mới mong có những tác động lớn về mặt tư tưởng.

Phụ nữ khởi nghiệp cần gì?

Trong những phiên tiếp theo, các tham luận tập trung thảo luận về một số phương pháp và công cụ hữu ích mà phụ nữ cần khi tham gia khởi nghiệp hiện nay.
Kỹ năng xây dựng mạng lưới và quan hệ đối tác trong khởi nghiệp được thảo luận trong phiên 2 với các tham luận của bà Nguyễn Thị Hương Huyền - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế phát triển (Trường ĐHKT - ĐHQGHN) về một số điển hình từ các nữ doanh nhân tham gia dự án Thriive, và tham luận của Tiến sĩ Julie Pham - Giám đốc Marketing của Avidian Technologies về kinh nghiệm của bà trong quá trình khởi nghiệp tại một số quốc gia Châu Á, Châu Âu và Mỹ. Trong phiên này, ông Todd Hamner - Giám đốc Văn phòng Phát triển kinh tế, Cơ quan hỗ trợ phát triển Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID Vietnam) - mang tới những chia sẻ về kinh nghiệm mở rộng mối quan hệ với các tổ chức địa phương, các doanh nghiệp khu vực tư nhân nhằm thực hiện trách nhiệm xã hội trong đó có vấn đề trao quyền phụ nữ.


Từ trái qua, ông Michael Michalak (chủ trì phiên 2), Tiến sĩ Julie Pham, bà Nguyễn Thị Hương Huyền, ông Todd Hamner

Ngài Desaix Anderson (Viện Pacific Century, Hoa Kỳ) chủ trì phiên trưa với bài tham luận của bà Tôn Nữ Thị Ninh về điển hình nữ lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam - chỉ số nữ CEO Việt Nam


Trong phiên thứ 3, các diễn giả thảo luận về cách tiếp cận các nguồn quỹ trong khởi nghiệp của phụ nữ. Bà Hồ Thị Quý - Trưởng ban Hỗ trợ Phát triển Kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - chia sẻ về những hoạt động của Hội trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, trong đó có việc tiếp cận các nguồn vốn của Hội cùng như Hội là cầu nối. Đây là nội dung nhận được nhiều quan tâm của các đại biểu tại hội thảo. Trả lời các câu hỏi được đặt ra, bà Quý cũng mách nước cho sinh viên về việc lập dự án kinh tế khởi nghiệp phù hợp khi xin hỗ trợ từ các tổ chức.
Tham luận của bà Sue McKinney - Giám đốc Crila Health (TP Hồ Chí Minh) bàn về một số hình thức huy động vốn như: vốn từ nguồn lực gia đình, vốn từ các nhà tài trợ, vốn liên doanh, vốn huy động xã hội… Kể về quá trình phát triển sự nghiệp kinh doanh trong 20 năm qua tại Việt Nam, bà Sue McKinney cho biết việc xoay xở với số vốn huy động từ gia đình và bạn bè khá khó khăn nhưng bà cho đó phương thức vốn phù hợp với dự án của mình.


Tại phiên 3, TS. Phan Chí Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh, Trường ĐHKT (ngoài cùng bên trái - chủ trì), bà Hồ Thị Quý (giữa) và bà Sue MsKinney 

Phiên thứ 4 là phần trình bày của TS. Julie Pham về phương thức marketing sản phẩm và thương hiệu thông qua các kênh mạng xã hội như: Facebook, Twitter, Youtube, Blog. Đây là một cách quảng bá rất phổ biến, dễ dàng hiện nay và rất tiết kiệm cho những phụ nữ mới khởi nghiệp. Tuy nhiên, vì những đặc thù của mạng xã hội, người dùng cần rất cẩn trọng với những thông tin nên đưa và không nên đưa lên kênh của mình. Bà Jerilyn Brusseau và Bà Sue MsKinney cũng đã chia sẻ thêm một phần kinh nghiệm về xây dựng thương hiệu và tiếp thị cho sản phẩm của doanh nghiệp mình khi khởi nghiệp.


Tại phiên 4 do TS. Vũ Anh Dũng chủ trì

Phiên thứ 5 của hội thảo với chủ đề “Trao quyền cho phụ nữ thông qua các văn bản pháp luật và các chính sách” được chủ trì bởi Giáo sư Hiromittsu Takemi đến từ Trường Đại học Thương mại Chiba, Nhật Bản.

Bài tham luận đầu tiên của phiên 5 do TS. Marion Fischer - Quản lý dự án EU, KAS Vietnam (thuộc Đức) trình bày đã đề cập đến việc lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam cần được cải thiện hơn và vấn đề bình đẳng giới vẫn còn chưa được chú ý nhiều ở khu vực ngoài nhà nước cũng như tại các cơ quan chính quyền địa phương. Khoảng cách giữa những vấn đề được quy định trong luật và thực tế cũng là một vấn đề của bình đẳng giới ở Việt Nam. Cuối cùng Bà nhấn mạnh việc tăng quyền cho phụ nữ là một chìa khóa, nền tảng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Tiếp đó, bà Laura Stone – Tham tán kinh tế của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội trao đổi về việc tạo ra môi trường khởi nghiệp cho phụ nữ. Bà đưa ra các gợi ý về sự ổn định về, cơ sở hạ tầng thuận tiện, môi trường chính sách, pháp luật, cơ chế bảo vệ tốt người tiêu dùng...


T
ừ trái qua, TS. Marion Fischer, GS. Hiromittsu Takemi (chủ trì), bà Laura Stone và ông Chainan Nuphet


Cuối cùng là bài trình bày của ông Chainan Nuphet - Phó chủ tịch Tập đoàn CP Việt Nam. Chia sẻ kinh nghiệm từ những người phụ nữ thành công ở Thái Lan, ông cũng so sánh giữa nữ lãnh đạo và nam lãnh đạo để thấy những điểm nổi bật của nữ giới. Thêm nữa, so sánh sự khác nhau về phụ nữ của những thế kỷ trước đây và hiện nay, ông Chainan Nuphet nhấn mạnh phụ nữ cần phải bước ra khỏi ranh giới của chính mình và tạo ra những cơ hội mới cho bản thân.
Phần thảo luận sôi nổi tại phiên này cũng giúp các đại biểu và khách mời nhận được những chia sẻ hết sức quý báu về kinh nghiệm xây dựng luật bình đẳng giới của các nước Nhật, Mỹ, Thái Lan.


Đại biểu Việt Nam và quốc tế trao đổi với các diễn giả tại hội thảo

Sau một ngày làm việc tích cực và hiệu quả, đại diện Ban tổ chức, ngài Desaix Anderson đã tóm tắt ngắn gọn nội dung các tham luận và cảm ơn các diễn giả, các đại biểu đã quan tâm tham dự hội thảo. Thay mặt Ban Giám hiệu Trường ĐHKT, TS. Vũ Anh Dũng cảm ơn lãnh đạo ĐHQGHN, các cơ quan ban ngành, các tổ chức trong và ngoài nước đã hỗ trợ, phối hợp để tổ chức hội thảo; cảm ơn các diễn giả, các đại biểu đã tham dự hội thảo; đồng thời cảm ơn phóng viên các hãng thông tấn báo chí đã tham dự - đưa tin về hội thảo. TS. Vũ Anh Dũng nhấn mạnh: sự nhiệt huyết đóng góp của xã hội trong việc thúc đẩy quyền của phụ nữ sẽ giúp cho phụ nữ phát huy được năng lực và tiềm năng tốt nhất phục vụ cho phát triển. Ông cũng bày tỏ hy vọng các cơ quan, tổ chức sẽ tiếp tục hỗ trợ phụ nữ Việt Nam trong vấn đề khởi nghiệp. Trường ĐHKT - ĐHQGHN mong muốn đồng hành và hành động nhiều hơn nữa trong vấn đề này.


Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

_______________

TIN LIÊN QUAN:

Chào mừng 20 năm ngày Chính phủ ban hành nghị định về ĐHQGHN (10/12/1993 - 10/12/2013)


Đỗ Chiêm - Thanh Thúy - Nguyễn Duy