Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Trường ĐHKT tăng cường tham gia mạng lưới đào tạo và nghiên cứu trong khu vực Đông Á

Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, TS. Nguyễn Quốc Việt và TS. Nguyễn Anh Thu) tham dự hội thảo
Từ ngày 5/12 - 7/12/2012, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, dẫn đầu là PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng nhà trường, đã tham dự Hội thảo lần thứ II về “Thúc đẩy các nghiên cứu về ASEAN và Đông Á” do Cộng đồng các học giả Đông Á (CEAS) tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.


Hội thảo này nằm trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy các nghiên cứu về ASEAN và Đông Á” do Quỹ Hợp tác ASEAN + 3 (ASEAN và Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) tài trợ và cơ quan chủ trì là Trường Đại học Thammasat, Thái Lan. Mục tiêu của dự án là đưa các kết quả nghiên cứu về ASEAN và Đông Á vào chương trình giảng dạy tại các trường đại học của các nước ASEAN +3 nhằm nâng cao hiểu biết lẫn nhau và tăng cường hợp tác học thuật giữa các nước này. Các nội dung nghiên cứu được phát triển thông qua quá trình hợp tác giữa các trường đại học và các hội thảo do dự án tổ chức.
Hội thảo lần thứ hai của dự án có sự tham gia của đại diện các trường đại học thuộc Cộng đồng các học giả Đông Á (thuộc 10 nước ASEAN và 3 nước Đông Bắc Á là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc). Hội thảo diễn ra trong ba ngày với các nội dung chính: Thảo luận và hoàn thiện các chủ đề nghiên cứu đã đưa ra cũng như các nội dung trong cuốn sách giáo khoa sẽ được sử dụng để giảng dạy; Ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm thúc đẩy các nghiên cứu về ASEAN và Đông Á cũng như các hoạt động trao đổi giảng viên và sinh viên; Thảo luận về việc thực hiện MOU.
Các nội dung nghiên cứu trong dự án sẽ được tổng hợp trong 2 cuốn sách. Cuốn thứ nhất giới thiệu về quá trình phát triển của từng nước ASEAN+3 trên các khía cạnh lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội và sự tham gia của những nước này vào hợp tác khu vực ASEAN và ASEAN+3. Cuốn thứ hai đi sâu vào nghiên cứu một số vấn đề nổi bật của khu vực Đông Á theo 3 chủ đề chính: (1) các vấn đề phát triển trong khu vực; (2) vấn đề an ninh con người và (3) vấn đề thể chế.
Hai cuốn sách này sẽ được sử dụng làm tài liệu tham khảo nghiên cứu cũng như tài liệu giảng dạy trình độ đại học và sau đại học ở các nước ASEAN+3. Những nội dung này đang được hoàn thành và được đưa ra thảo luận tại hội thảo.
Cũng trong thời gian diễn ra hội thảo, ngày 6/12/2012, buổi lễ ký kết MOU giữa các trường đại học tham gia dự án nhằm thúc đẩy các nghiên cứu về ASEAN và Đông Á cũng như triển khai các nội dung nghiên cứu vào chương trình đào tạo đã được tổ chức trang trọng. Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN - PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn đã ký kết bản MOU nói trên cùng với Hiệu trưởng Trường Đại học Thammasat, Thái Lan và đại diện các trường đại học khác thuộc Cộng đồng các học giả Đông Á.
Dự kiến các nội dung nghiên cứu trong khuôn khổ dự án sẽ được triển khai vào các chương trình đào tạo tại Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN).

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN (bên trái) cùng đại diện Trường Đại học Thamasat (Thái Lan) và Trường Universitas Katolik Parahyangan (Indonesia) ký kết MOU  tại hội thảo


Với những nội dung đã được thống nhất tại hội thảo, MOU sẽ được triển khai theo các định hướng như sau:

  • Năm 2014 sẽ hoàn thành xuất bản hai cuốn sách được dùng để giảng dạy ở bậc đại học và sau đại học tại các trường đại học các nước ASEAN+3 tham gia dự án.
  • Hướng tới việc xây dựng các môn học chung/chương trình đào tạo về hội nhập ASEAN và ASEAN+3.
  • Thúc đẩy việc trao đổi giảng viên/sinh viên trong khuôn khổ các nước thành viên dự án, cụ thể như: (i) Tổ chức hàng năm hội thảo về giảng dạy các môn học về ASEAN và ASEAN+3 giữa các trường Đại học tham gia dự án, qua đó trao đổi kinh nghiệm giảng dạy và cập nhật nội dung giảng dạy về ASEAN ở mỗi nước; (ii) Tổ chức Diễn đàn sinh viên ASEAN+3 luân phiên ở các trường đại học thành viên dự án để sinh viên có cơ hội học tập, trao đổi và trải nghiệm thực tiễn tại các nước ASEAN+3; (iii) Đẩy mạnh việc tiếp nhận giảng viên thỉnh giảng và trao đổi sinh viên; (iv) Tổ chức các hội thảo chuyên môn quy mô nhỏ (song phương hoặc giữa một số trường thành viên dự án) cho giảng viên và sinh viên liên quan đến chủ đề nghiên cứu về ASEAN; (v) Hướng tới xây dựng các chương trình hợp tác đào tạo theo dạng đồng cấp bằng giữa các trường thành viên.
Ngoài ra, các trường đại học thành viên còn thống nhất cùng nỗ lực tìm kiếm thêm các nguồn tài trợ phù hợp để có thể triển khai được các nội dung hợp tác kể trên song song với các hoạt động trong khuôn khổ dự án này.
Việc thực hiện dự án và các chương trình hợp tác sẽ thiết lập được một mạng lưới nghiên cứu và đào tạo về ASEAN và Đông Á do chính các trường đại học trong ASEAN đóng vai trò trung tâm. Đối với Trường ĐHKT - ĐHQGHN, dự án này sẽ giúp trường tham gia vào mạng lưới các trường đại học Đông Á và Đông Nam Á một cách toàn diện và sâu sắc hơn cả trên phương diện nghiên cứu, đào tạo và trao đổi sinh viên/giảng viên. Hơn nữa, đây cũng là nền tảng giúp nhà trường, đặc biệt là Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, phát triển hướng nghiên cứu và đào tạo liên quan đến hội nhập khu vực ASEAN và Đông Á.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo

Anh Thu (Khoa KT&KDQT)