Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Kinh nghiệm của Nhật Bản về vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong tái cơ cấu ngân hàng

Ngày 15/6/2015, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm của Nhật Bản về vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong tái cơ cấu ngân hàng”.


















Tham dự Hội thảo có ông Katsunori Mikuniya - Chủ tịch Bảo hiểm tiền gửi Nhật Bản; ông Nguyễn Quang Huy - Chủ tịch Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, ông Takashi Sakakibara - Cố vấn trưởng JICA tại Việt Nam; đại diện một số Vụ, Cụ, đơn vị thuộc NHNN và cán bộ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.



Ông Nguyễn Quang Huy phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Huy - Chủ tịch Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nhấn mạnh: Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Bảo hiểm tiền gửi Nhật Bản đã thiết lập mối quan hệ hợp tác, gắn bó trong nhiều năm qua. Bảo hiểm tiền gửi Nhật Bản đã hỗ trợ tổ chức một số Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm tại Việt Nam về các vấn đề như xây dựng Luật bảo hiểm tiền gửi; thu hồi nợ khó đòi; xử lý nợ xấu; tái cơ cấu ngân hàng…

Ông Nguyễn Quang Huy cho biết: Hội thảo “kinh nghiệm của Nhật Bản về vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong tái cơ cấu ngân hàng” được tổ chức ngày hôm nay nằm trong khuôn khổ dự án tái cơ cấu ngân hàng Việt Nam do JICA tài trợ. Hội thảo hy vọng nhận được nhiều sự quan tâm, trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về vai trò của bảo hiểm tiền gửi trong tái cơ cấu ngân hàng và các vấn đề liên quan từ các chuyên gia, diễn giả tham dự, từ đó đưa ra các khuyến nghị hữu ích và thiết thực cho Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Ông Katsunori Mikuniya trình bày về lịch sử ngành Tài chính Nhật Bản

Tại Hội thảo, ông Katsunori Mikuniya - Chủ tịch Bảo hiểm tiền gửi Nhật Bản đã có bài trình bày về lịch sử ngành Tài chính Nhật Bản và hệ thống bảo hiểm tiền gửi, thể chế tài chính, trong đó nhấn mạnh các nội dung như: Chính sách được xây dựng qua thời kỳ khủng hoảng tài chính Nhật Bản; Lịch sử tài chính Nhật Bản sau khi bong bóng kinh tế hình thành và sụp đổ; Cải cách ngân hàng, xử lý nợ xấu; Lịch sử xây dựng mạng lưới an toàn; Khuôn khổ pháp lý đối với việc tham gia góp vốn; Nghiệp vụ của Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Nhật Bản.

Bên cạnh đó, ông Satoshi Ohuchi – Phó Vụ trưởng Vụ quốc tế và ông Nobuhiro Hirobe – Trưởng nhóm, Nhóm hợp tác quốc tế, Bảo hiểm tiền gửi Nhật Bản đã giới thiệu tổng quan về Hệ thống Bảo hiểm tiền gửi của Nhật Bản. Sứ mệnh của Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Nhật Bản là bảo vệ người gửi tiền và bảo đảm khả năng thanh toán về vốn cho các tổ chức tín dụng phá sản; góp phần duy trì ổn định tài chính. Bảo hiểm tiền gửi Nhật Bản thực hiện các nghiệp vụ chủ yếu, bao gồm: Nghiệp vụ trả tiền bảo hiểm; nghiệp vụ xử lý đổ vỡ; nghiệp vụ mua bán nợ xấu, truy cứu trách nhiệm; nghiệp vụ bơm vốn. Ngoài ra, ông Satoshi Ohuchi và ông Nobuhiro Hirobe cũng đã trình bày chi tiết về vai trò của Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Nhật Bản trong xử lý phá sản theo hai hình thức: xử lý đổ vỡ theo hình thức tái cơ cấu và xử lý đổ vỡ theo hình thức thanh lý.

Về phía Việt Nam, bà Phạm Bảo Khánh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã giới thiệu một số nét chính về bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, trong đó nhấn mạnh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính nhà nước do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Mục tiêu của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; góp phần duy trì sự ổn định tài chính của các tổ chức tín dụng và sự phát triển an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã đặt ra nhiều câu hỏi và được các chuyên gia của Bảo hiểm tiền gửi Nhật Bản chia sẻ những kinh nghiệm nghiên cứu và thực tiễn liên quan đến vai trò của bảo hiểm tiền gửi trong tái cơ cấu ngân hàng và các vấn đề liên quan. Hội thảo là dịp tốt để hai cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam – Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện chính sách bảo vệ người gửi tiền và duy trì sự ổn định tài chính của ngành Ngân hàng.


Theo: http://www.sbv.gov.vn