Hội thảo Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Ngày 30/10/2016, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Hội nông dân Việt Nam, Báo nông thôn ngày nay tổ chức Hội thảo “Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Hội thảo nhằm đánh giá lại kết quả đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thời gian qua và lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp để hoàn thiện hơn nữa chính sách tín dụng ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đồng chủ trì Hội thảo có Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn và Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú. Hội thảo còn có sự tham dự của các chuyên gia kinh tế: TS. Nguyễn Đức Kiên; Phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội; TS. Võ Trí Thành, nguyên Viện phó Viện quản lý kinh tế Trung ương; TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế ngân hàng;... sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp và một số nông dân Việt Nam xuất sắc.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc, ông Lại Xuân Môn khẳng định: Nguồn tín dụng ngân hàng những năm qua đã giúp cho nông nghiệp phát triển, nông thôn ngày càng đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm, đời sống của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt. Nhằm tìm giải pháp khơi thông tín dụng ngân hàng giúp nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn với nguồn vốn vay của ngân hàng, Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá quá trình thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; làm rõ thực tế tiếp cận tín dụng của nông dân, doanh nghiệp; hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và kinh nghiệm thực tiễn. Đối thoại giữa NHNN Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, chuyên gia và các Ngân hàng thương mại về những vướng mắc của từng doanh nghiệp, nông dân.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá: Trong quá trình 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả to lớn. Nhiều mặt hàng nông sản của nước ta đã có kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị hàng tỷ USD như: lúa gạo, cà phê, hạt tiêu, tôm, cá tra...; đời sống của người nông dân đã không ngừng tăng lên, bộ mặt nông thôn đã từng bước đổi mới.
Nhận thức được vị trí và vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngành ngân hàng luôn xác định nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực ưu tiên đầu tư tín dụng để phát triển. Đến 30.9.2016, đầu tư tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn đã đạt trên 925.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và 13,43% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng bình quân trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2010-2015 đạt 17,4%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân chung. Tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 18% tương đương với mức đóng góp của ngành vào GDP của nền kinh tế.
Lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng đã giảm mạnh, phổ biến từ 6-8%/năm, riêng lãi suất cho vay ngắn hạn được khống chế ở mức dưới 7%/năm. Những đối tượng chính sách, ưu đãi và nhiều chương trình tín dụng đặc thù thì lãi suất chỉ khoảng 5-6%/năm.
Phó Thống đốc cho rằng, Hội thảo là dịp để đánh giá lại kết quả đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua và là cơ hội tốt để ngành ngân hàng lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp để hoàn thiện hơn nữa chính sách tín dụng ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhằm đẩy mạnh đầu tư đối với lĩnh vực này theo chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững của Chính phủ. Đây không chỉ là mong muốn của người nông dân, doanh nghiệp đang có nhu cầu đầu tư vào nông nghiệp mà còn là mục tiêu của ngân hàng để khơi thông dòng tín dụng cho lĩnh vực tam nông, góp phần đưa nền nông nghiệp và nông dân phát triển, hội nhập.
Các chuyên gia tham luận tại Hội thảo
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân về những kết quả đạt được trong triển khai chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Những phát biểu tham luận tại Hội thảo đều đánh giá hiệu quả to lớn mà ngành ngân hàng đã đạt được trong việc thực thi nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận làm thế nào để tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận tín dụng của nông nghiệp, nông dân; đạt được lợi ích thiết thực trong quá trình tiếp cận vốn vay của ngân hàng để ngân hàng bảo toàn và nâng cao chất lượng nguồn vốn…
Phát biểu bế mạc, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: Định hướng chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới: (i) Tiếp tục xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên và chủ động phối hợp với các Bộ ngành có liên quan đề xuất các giải pháp hỗ trợ vốn đầu tư phục vụ cho phát triển khu vực này. Đầu tư cho vay cần hướng tới sản xuất nông nghiệp quy mô lớn , tăng khả năng liên kết trong chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm; (ii) Đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ nhằm góp phần triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tăng cường phối hợp với Hội Nông dân và các tổ chức chính trị-xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để các hội viên tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất; (iii) Tích cực triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong đó kết hợp giữa chính sách tín dụng thương mại và tín dụng chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số; (iv) Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục vay vốn của khách hàng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các khoản cho vay nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm đúng mục đích, an toàn và hiệu quả; (iv) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để mọi người dân, doanh nghiệp ở nông thôn đều nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Nhà nước và các quy định của TCTD về cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; lợi ích của tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.