Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Mở rộng hợp tác với tỉnh Ninh Bình

Toàn cảnh hội thảo tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình
Sáng 21/5/2014, tại tỉnh Ninh Bình, hội thảo “Xây dựng và phát triển nghề trồng nấm tại Ninh Bình” đã được tổ chức với sự tham gia của cán bộ, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, cán bộ huyện Yên Khánh (Ninh Bình) cũng các doanh nghiệp nuôi trồng và sản xuất nấm tại địa phương.


Đây là hội thảo thuộc khuôn khổ dự án “Xây dựng chuỗi giá trị Nấm Ninh Bình” do Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - ĐHQGHN và Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Ninh Bình phối hợp thực hiện.
Phát biểu mở đầu hội thảo, PGS.TS Trần Anh Tài - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT, Chủ nhiệm đề tài đã giới thiệu mục tiêu của dự án nhằm gia tăng giá trị cho hộ nông dân/doanh nghiệp sản xuất nấm; đồng thời giới thiệu mục đích của hội thảo là tìm hiểu thực trạng sản xuất và cung ứng nấm ở Ninh Bình thông qua thông tin hai chiều giữa doanh nghiệp và lãnh đạo quản lý Ninh Bình. Qua các ý kiến đóng góp tại hội thảo, Ban chủ nhiệm đề tài sẽ hoàn thiện bảng hỏi dành cho 5 đối tượng: cán bộ quản lý, doanh nghiệp sản xuất và chế biến nấm, hộ nông dân trồng nấm, người bán lẻ và người tiêu dùng.
Ông Lê Trung Thành - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Yên Khánh đã trao đổi thẳng thắn về những khó khăn và thuận lợi trong phát triển cây nấm ở Ninh Bình. Hiện nay, ở riêng huyện Yên Khánh đã có 95 hộ trồng nấm, 15 tổ hợp tác và các doanh nghiệp trồng và sản xuất nấm với quy mô trung bình. Nghề trồng nấm mang lại lợi ích kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất cây nông nghiệp khác, thu hút nhiều lao động, đặc biệt người trung niên và người già. Phát triển tốt nghề trồng nấm sẽ góp phần giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, theo ôngThành, điểm hạn chế lớn nhất trong phát triển nghề trồng nấm ở Ninh Bình là vấn đề kỹ thuật và đào tạo con người.

Ông Lê Trung Thành - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Khánh phát biểu tại hội thảo
Phần tiếp theo của hội thảo diễn ra rất sôi nổi với sự tham gia thảo luận của các hộ nông dân và doanh nghiệp trồng nấm. Trong đó, có những doanh nghiệp đã có tới 20 năm kinh nghiệm nhưng cũng có các doanh nghiệp/hộ gia đình mới tham gia trồng nấm được vài năm nay. Các ý kiến đều cho rằng trồng nấm là lựa chọn tốt cho Ninh Bình nhưng vẫn mang tính tự phát, làm thủ công là chính, lại chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết trong khi phương tiện máy móc cho sản xuất và bảo quản còn hạn chế.
Ngoài ra, khả năng tiêu thụ nấm phụ thuộc chủ yếu vào thông tin thị trường, chỉ một thông tin bất lợi về chất lượng nấm, ví dụ như tin đồn ăn nấm bị ngộ độc thời gian đã làm cho các hộ sản xuất nấm ở Ninh Bình thiệt hại hàng trăm triệu đồng do sức mua từ thị trường Hà Nội giảm đột ngột. Chủng loại nấm cũng đơn điệu, chưa phù hợp thời vụ.
Tại đây, các đại biểu cũng đưa ra những ý kiến nhằm phát triển nghề trồng nấm như: tăng cường kỹ thuật sản xuất và chế biến nấm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nấm Ninh Bình, cần có các chương trình quảng bá về ích lợi của cây nấm, kỹ thuật chế biến món ăn hoặc sản phẩm từ nấm… Nhiều đại biểu trăn trở với chủng loại nấm mới để thay thế các loại nấm đang bị thoái hóa hiện nay.
Một số ý kiến đề xuất ban chủ nhiệm đề tài cần nghiên cứu kỹ thực trạng của Ninh Bình để giải đáp vấn đề đang tồn tại hiện nay là: lao động sẵn có, sản phẩm an toàn, thị trường tiêu thụ dồi dào nhưng nghề trồng nấm tại Ninh Bình vẫn chưa thể phát triển được. Chị Vũ Thị Đàm, đại diện tổ hợp liên kết các hộ trồng nấm cũng nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm hoạt động giữa các hộ nông dân ở Ninh Bình trong việc hỗ trợ nhau cùng sản xuất. Chị nhấn mạnh, cần sinh hoạt theo nhóm và tuân theo chỉ đạo kỹ thuật từ tổ trưởng để nấm đạt chất lượng tốt, vì yếu tố kỹ thuật là yếu tố hàng đầu trong sản xuất nấm.
Kết thúc hội thảo, ông Lê Trung Thành thay mặt lãnh đạo huyện Yên Khánh cảm ơn sự hợp tác của Trường ĐHKT trong đề tài “Xây dựng chuỗi giá trị Nấm tại Ninh Bình”. Ông nhấn mạnh, Ninh Bình đang quyết tâm rất cao cho thay đổi cơ cấu sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là cây nấm. Mong muốn của các cán bộ quản lý địa phương là phải xây dựng được thương hiệu nấm cho Ninh Bình chứ không phải chỉ sản xuất đơn thuần. Sự hợp tác giữa Trường ĐHKT - ĐHQGHN và Sở khoa học & Công nghệ tỉnh Ninh Bình đã đánh dấu bước đầu cho những hợp tác lâu dài trong thời gian tới.
Buổi chiều cùng ngày, Ban chủ nhiệm đề tài đã có buổi làm việc trực tiếp tại các cơ sở trồng và sản xuất nấm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình để tìm hiểu quy trình sản xuất nấm cũng như yêu cầu và nguyện vọng của các hộ dân.

Trịnh Thị Phan Lan (Khoa TCNH)