Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
150.000 USD cho Giải thưởng Bảo Sơn năm 2012

Sáng ngày 26/7/2012, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội đã phối hợp với Tập đoàn Bảo Sơn tổ chức Lễ phát động Giải thưởng Bảo Sơn năm 2012. Đây là năm thứ hai giải được tổ chức.


Tham dự buổi lễ có PGS.TS Nguyễn Thế Bình - Phó trưởng Ban Khoa học Công nghệ ĐHQGHN; nhà văn Đào Thắng - Thường trực Hội nhà văn Việt Nam, bác sĩ Trịnh Đình Cần - Giám đốc Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn; cùng các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.
Về phía Ban tổ chức (BTC) giải thưởng có ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Quỹ Bảo Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn, TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cùng các lãnh đạo khác của Tập đoàn Bảo Sơn và Trường ĐHKT.



BTC giải thưởng trong buổi lễ phát động

Phát biểu trong buổi lễ, ông Nguyễn Trường Sơn đã giới thiệu về Giải thưởng Bảo Sơn và những điểm mới trong quy chế xét giải năm nay. Theo đó, ông cho biết: trong năm đầu tiên tổ chức, Giải thưởng Bảo Sơn được phát động trên 3 lĩnh vực: Giáo dục, Xóa đói giảm nghèo, Phát triển kinh tế bền vững và nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học với 23 công trình tham dự. Tuy nhiên, BTC chỉ chọn được một giải cho lĩnh vực Phát triển kinh tế bền vững do nhóm các nhà khoa học của ĐHQGHN (GS.TS Mai Trọng Nhuận chủ trì) thực hiện.
Năm 2012, Quỹ Bảo Sơn sẽ xét trao giải cho các công trình nghiên cứu khoa học tại 5 lĩnh vực, trong đó, có thêm 2 lĩnh vực mới là: Y Dược học; Văn học - nghệ thuật. Mỗi lĩnh vực sẽ xét trao giải cho một công trình nghiên cứu xuất sắc nhất với mức giải thưởng là: 30.000 USD.
Trước đó, đối với 2 lĩnh vực mới được xét trao năm nay, Ban tổ chức đã tich cực phối hợp với các bộ/ban/ngành chuyên môn liên quan để xây dựng và hoàn thiện bộ quy chế cho giải thưởng.
Đại diện cơ quan thường trực Giải thưởng Bảo Sơn, TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN khẳng định: “Ý tưởng xây dựng Giải thưởng Bảo Sơn là một ý tưởng thể hiện tính xã hội cao, hướng tới các giá trị bền vững, những ích lợi dành cho cộng đồng vì sự phát triển bền vững xã hội và con người Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ và quan tâm của các nhà khoa học về Giải thưởng Bảo Sơn trong năm 2012 và các năm tiếp theo.”


Thay mặt lãnh đạo ĐHQGHN, PGS.TS Nguyễn Thế Bình phát biểu đánh giá cao ý nghĩa của Giải thưởng Bảo Sơn.

Trong lễ phát động, phóng viên các cơ quan báo chí đã đặt ra cho Ban tổ chức giải thưởng những câu hỏi liên quan đến điểm mới trong Giải thưởng Bảo Sơn năm nay, về sự theo dõi sự ứng dụng thực tế của các dự án được trao giải từ BTC…
Với những mục đích và ý nghĩa xã hội của Giải thưởng Bảo Sơn, Ban tổ chức hy vọng rằng Giải thưởng sẽ được quảng bá rộng rãi hơn nữa trong công chúng, đặc biệt là các nhà khoa học để có thể tìm ra những công trình nghiên cứu mang tính thực tiễn xuất sắc, áp dụng hiệu quả trong sản xuất và đời sống, đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng.


Ông Nguyễn Trường Sơn (trái) và TS. Vũ Anh Dũng (phải) - đại diện hai đơn vị tổ chức Giải thưởng Bảo Sơn 2012 trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí

Năm 2011, Giải thưởng Bảo Sơn đầu tiên đã được trao cho dự án: “Điều tra, đánh giá, thống kê, quy hoạch các khu bảo tồn vùng đất ngập nước có ý nghĩa quốc tế, quốc gia” của nhóm tác giả Đại học Quốc gia Hà Nội, do GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN làm chủ nhiệm với tổng giá trị là 20.000 USD.
Tính độc đáo của dự án thể hiện ở chỗ: đây là lần đầu tiên bộ tiêu chí đầy đủ của quốc gia để đánh giá các vùng đất ngập nước (ĐNN), hệ thống phân loại ĐNN Việt Nam được xây dựng thay vì sử dụng các công cụ này của các tổ chức quốc tế hay quốc gia khác.
Về khoa học và đào tạo, các nội dung của Dự án đã được sử dụng và công bố trên các tạp chí và công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Nhiều học viên cao học, sinh viên đã nhận được sự hỗ trợ từ dự án để hoàn thành luận văn và khoá luận tốt nghiệp. Trong quá trình thực hiện, Dự án đã tập hợp được đông đảo các nhà khoa học và quản lý hoạt động, nghiên cứu trong các lĩnh vực liên quan đến đất ngập mặn cùng tham gia, nghiên cứu, thảo luận và đẩy mạnh hợp tác giữa các bên, góp phần thúc đẩy xã hội hoá công tác quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên - môi trường quốc gia.


Đỗ Chiêm