Khoa _KTPT cũ
 
Seminar Nghiên cứu kinh tế & chính sách số 4

Tại buổi seminar (Ảnh: Đỗ Chiêm)
Chiều ngày 26/10/20122, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Seminar Nghiên cứu kinh tế và chính sách với chủ đề “Kinh nghiệm quốc tế trong việc khắc phục tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại (đặc biệt sau giai đoạn suy sụp của thị trường tài sản) và những hàm ý chính sách cho Việt Nam”.


Với mong muốn tạo một diễn đàn để các nhà nghiên cứu trẻ trình bày những kết quả nghiên cứu của mình, từ đó tạo thành một mạng lưới nghiên cứu trao đổi với sự hợp tác và hỗ trợ của nhiều tổ chức lớn như Viện Kinh tế Việt Nam (VIE), Trung tâm Phân tích và Dự báo (CAF) thuộc VASS, các viện chiến lược ở các Bộ…, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đã chủ trì chuỗi seminar về nghiên cứu kinh tế và chính sách định kỳ hàng tháng. Đây là seminar thứ 4 trong chuỗi seminar.
Diễn giả lần này là ThS. Nguyễn Mai Thanh - Phó trưởng Phòng Nghiên cứu tổng hợp và Hợp tác quốc tế, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV).
Buổi seminar có sự tham gia của các chuyên gia cao cấp của VEPR: TS. Nguyễn Đức Thành, TS. Phạm Sỹ Thành, TS. Lê Kim Sa; ông Phạm Minh Thái - cán bộ nghiên cứu Trung tâm Phân tích và Dự báo; ThS. Phạm Văn Đại - Ngân hàng Hàng hải… Seminar còn được nhiều nghiên cứu viên và sinh viên đến từ các trường đại học khác nhau quan tâm và tham dự.


ThS. Nguyễn Mai Thanh

Bài nghiên cứu của ThS. Nguyễn Mai Thanh
phân tích các lý luận chung về nợ xấu và đưa ra những kinh nghiệm quốc tế về xử lý khủng hoảng tài chính - tiền tệ. Trong đó, đặc biệt là kinh nghiệm về xử lý nợ xấu tại khu vực Châu Á giai đoạn 1997 - 1998; kinh nghiệm xử lý một số cuộc khủng hoảng tiền tệ tại các nước Mỹ - Latinh như Chi-lê (1981), Mêhicô (1994), Áchentina (2001); kinh nghiệm xử lý nợ xấu ngân hàng của Trung Quốc và kinh nghiệm xử lý nợ xấu của Châu Âu trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra vào năm 2008.
Trên cơ sở đó, bài nghiên cứu đánh giá tình hình, thực trạng nợ xấu trong các ngân hàng Việt Nam cũng như đánh giá các biện pháp xử lý của Chính phủ gắn với chủ trương, chính sách tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng hiện nay. Cuối cùng,  ThS. Nguyễn Mai Thanh đưa ra những khuyến nghị nhằm xử lý vấn đề nợ xấu của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam trên cơ sở các kinh nghiệm quốc tế.
Góp ý về bản báo cáo của ThS. Nguyễn Mai Thanh,  TS. Phạm Sỹ Thành đưa ra những nhận xét về nguyên nhân của nợ xấu Trung Quốc; TS. Lê Kim Sa cho rằng bài nghiên cứu nên đề cập nhiều hơn đến kinh nghiệm xử lý nợ xấu của Đông Âu và Tây Âu. Các nghiên cứu viên và sinh viên có mặt tại seminar cũng đã đặt ra một số câu hỏi thú vị về nội dung nhằm giúp bài nghiên cứu hoàn thiện hơn.

Dương Vân Nga (Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách)