Khoa _KTPT cũ
 
Hội thảo quốc tế “Kinh doanh tại Việt Nam”

Sáng 28/4/2009, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã phối hợp với Trường Đại học Lisbon (Bồ Đào Nha) tổ chức Hội thảo quốc tế “Kinh doanh tại Việt Nam” nhằm mở ra cơ hội giao lưu và hợp tác giữa các doanh nghiệp của Châu Âu và Việt Nam.


Hơn 120 đại biểu bao gồm các doanh nhân đồng thời là sinh viên Quản trị Kinh doanh (MBA) của Trường Catholica và Nova (Đại học Lisbon) cùng đại diện các doanh nghiệp đối tác của Trường Đại học Kinh tế và các học viên cao học, nghiên cứu sinh của Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tham dự hội thảo. Đại diện các đơn vị truyền thông, báo chí cũng đến tham dự và đưa tin về hội thảo, đặc biệt hội thảo được bảo trợ thông tin bởi Kênh truyền hình InfoTV.

Mở đầu hội thảo, tham luận về “Thực trạng phát triển kinh tế tại Việt Nam: các vấn đề cốt lõi và thách thức” của TS. Vũ Quốc Huy - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển đã đem đến một bức tranh toàn cảnh về tình hình kinh tế Việt nam hiện nay. Nhìn lại các giai đoạn thăng trầm của nền kinh tế Việt Nam từ trước thời kỳ đổi mới cho đến nay, tiến sĩ chỉ ra những thành quả mà Việt Nam đã đạt được từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, đó là sự mở rộng của khu vực tư nhân, sự hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, sự phát triển của ngành xuất khẩu cũng như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)...

Góp phần hoàn thiện bức tranh kinh tế Việt Nam, tham luận của TS. Lê Đăng Doanh - Nhà kinh tế cao cấp Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển, là cái nhìn sâu hơn về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Sau hai năm gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới nhờ những thành công trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, vị thế của Việt Nam trong môi trường kinh doanh quốc tế còn khá khiêm tốn do cơ sở hạ tầng lạc hậu, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, hệ thống pháp luật kinh doanh chưa thực sự hoàn chỉnh. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay cũng có tác động không nhỏ lên nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, trước những khó khăn trên, bà Phan Thị Thùy Trâm - Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Bộ Kế hoạch - Đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng lâu dài của nền kinh tế Việt Nam. Tham luận “Đầu tư vào Việt Nam: Các chính sách đối với khu công nghiệp và khu chế xuất” của bà Phan Thị Thuỳ Trâm nêu bật những chính sách đầu tư, thuận lợi, cũng như khó khăn mà các doanh nghiệp Châu Âu gặp phải khi đầu tư vào Việt Nam. Bà kết luận, Việt Nam vẫn đang là một trong những môi trường đầu tư tiềm năng và hấp dẫn.
Ông Prebend Hjortlund, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu (EUROCHAM), chia sẻ với các doanh nghiệp Châu Âu cũng như các nhà đầu tư tương lai về kinh nghiệm thực tế của ông trong suốt 18 năm làm việc tại Việt Nam.
Tại hội thảo, các sinh viên MBA của trường Đại học Lisbon, các học viên của Trường Đại học Kinh tế và đại diện các doanh nghiệp của Việt Nam và Bồ Đào Nha đã sôi nổi thảo luận, trao đổi các thông tin về nền kinh tế, môi trường kinh doanh và các cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Kết thúc hội thảo, thay mặt Trường Đại học Kinh Tế, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cảm ơn sự có mặt của các vị khách mời và nhấn mạnh: “Hội thảo đã cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài đã và đang rất quan tâm đến VN… Hội thảo còn là cơ hội để các sinh viên MBA đang được đào tạo tại Đại học Lisbon, đại diện các doanh nghiệp Bồ Đào Nha cũng như học viên MBA, DBA Trường ĐHKT và đại diện các doanh nghiệp Việt Nam cơ hội để làm quen, trao đổi thông tin, ý tưởng nhằm tạo dựng mối quan hệ kinh doanh trong tương lai...”. PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn tin tưởng rằng, hội thảo sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai giữa Trường Đại học Kinh tế với Đại học Lisbon cũng như thắt chặt mối quan hệ đầu tư - thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu trong đó có Bồ Đào Nha.


Các đại biểu sôi nổi thảo luận tại hội thảo.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau hội thảo.


Nguyễn Bình Minh (P.NCKH&HTPT) Ảnh: Phạm Diệp