Khoa _KTPT cũ
 
Sinh viên và vấn đề thực tập hiệu quả: Buổi trao đổi kinh nghiệm thiết thực tại Khoa Kinh tế Quốc tế

Sinh viên Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường ĐHKT
Khó khăn nhất của sinh viên thực tập là tìm được cơ quan cho thực tập đúng chuyên ngành và vấn đề thứ hai là thường phải chịu sự nhàm chán, bị coi như người thừa tại cơ quan đang thực tập.


Vì vậy, sinh viên cần chuẩn bị những gì khi đi thực tập để có được kết quả thuận lợi hơn?. Làm thế nào để sinh viên có thể tham gia thực tập hiệu quả nhất? Câu hỏi này là mối quan tâm cũng như là sự trăn trở của lãnh đạo Khoa và các thầy cô giáo trong Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN . Trên tinh thần đó nhân dịp triển khai công việc phổ biến thực tập, Khoa Kinh tế Quốc tế đã tổ chức buổi “Gặp mặt và trao đổi thực tế trước chuyến đi thực tập của sinh viên”.
Thông qua buổi gặp mặt này Khoa sẽ giúp sinh viên tiếp cận và làm quen trước với những công việc trước chuyến đi thực tập đồng thời cũng hiểu rõ hơn những vấn đề mà sinh viên quan tâm, giải quyết kịp thời những vướng mắc còn tồn tại, để chuyến đi thực tập đạt hiệu quả tốt nhất.

Buổi gặp mặt diễn ra vào 8h ngày 1/7/2010 tại Giảng đường Việt Úc, với sự tham gia của PGS.TS Hà Văn Hội, Phó Chủ nhiệm khoa; TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Chủ nhiệm bộ môn và các giảng viên, trợ lý đào tạo cùng sinh viên 3 lớp QH-2007-E CLC, QH-2008-E CLC, QH-2007-E KTĐN. Đặc biệt, buổi gặp mặt còn đón nhận 2 khách mời thuộc khối doanh nghiệp bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Tiếp Vận Thăng Long (Dragon Logistics Ltd.) và ông Phạm Văn Sơn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Cung ứng nhân lực hàng không ALSIMEXCO, hiện là Phó giám đốc Nhà in Đại học Quốc gia Hà Nội.

Mở đầu buổi gặp mặt, Đại diện Ban Chủ nhiệm khoa, PGS.TS Hà Văn Hội nhấn mạnh Khoa Kinh tế Quốc tế và Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã làm việc trước với các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu về số lượng sinh viên thực tập, phân bố lịch trình thực tập và nội dung nghiên cứu. Việc làm này mang tính kế hoạch, định hướng cho sinh viên hơn dạng tự phát là để sinh viên tự đi liên hệ. PGS.TS Hà Văn Hội cũng nhấn mạnh trách nhiệm trong việc tạo điều kiện cho sinh viên thực tập và làm việc của doanh nghiệp, sự kết hợp của doanh nghiệp cùng nhà trường để đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Trong phần tiếp theo, các khách mời nhấn mạnh đến những kỹ năng cần thiết khi tham gia thực tập tại các doanh nghiệp, trong đó lưu ý sinh viên ngoài kiến thức đã học, sinh viên phải có một số kỹ năng cơ bản khác như ngoại ngữ, sử dụng máy tính, giao tiếp khách hàng và cũng đảm bảo tuân thủ văn hóa và kỷ luật của doanh nghiệp. Ngoài ra giữa nhà trường và thực tế ở đây có khoảng cách từ lý luận cơ bản đi vào nghiệp vụ cụ thể nên sinh viên phải có thời gian làm quen. Sinh viên được xem là thực tập hiệu quả khi hoàn thành nội dung học tập của nhà trường trong thực tế, hoàn thành được nội dung theo chuyên đề luận văn tốt nghiệp, và doanh nghiệp có thể sử dụng kiến thức sinh viên đã nghiên cứu, hoặc thăm dò khảo sát, hoặc so sánh sản phẩm giữa các doanh nghiệp.

Tiếp đó, buổi gặp mặt đã dành thời gian để sinh viên đưa ra câu hỏi, góp ý đối với Khoa và cùng trao đổi, thảo luận những vấn đề sinh viên quan tâm đến công tác thực tập. Rất nhiều các câu hỏi được sinh viên đưa ra về nội quy, quy chế khi đi thực tập, thời gian thực tế khi đi thực tập, trách nhiệm, bổn phận của sinh viên, làm thế nào để thích nghi và tạo mối quan hệ tốt tại nơi thực tập, vấn đề hoàn thiện báo cáo thực tập… đã được đại diện Ban Chủ nhiệm khoa, giảng viên và 2 khách mời đến từ doanh nghiệp giải đáp, tư vấn thỏa đáng. Buổi gặp mặt đánh giá cao những ý kiến đóng góp giá trị của sinh viên đối với quá trình triển khai thực hiện chương trình thực tập cho sinh viên nhà trường.

Trong lời phát biểu kết luận, PGS.TS Hà Văn Hội, Phó Chủ nhiệm khoa nhấn mạnh: để trở thành một nhà kinh tế, sinh viên phải nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu, tự tìm hiểu. Hơn lúc nào hết bản thân sinh viên phải luôn nỗ lực phấn đấu, tự trang bị cho mình những kỹ năng thực hành, kỹ năng làm việc theo nhóm,…Chuyến đi thực tập là cơ hội thực tế để sinh viên tiếp cận và làm quen trước khi tham gia vào thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.


Bảo Ngọc (Khoa KTQT)


Các tin khác