Tại phiên hội thảo (Ảnh: Đỗ Chiêm)
Ngày 17/8/2012, Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội ở Việt Nam thời kỳ 1986 - 2010”. Đây cũng là đề tài nghiên cứu cấp Đại học Quốc gia Hà Nội mà TS. Bùi Đại Dũng (Khoa KTPT) theo đuổi suốt 2 năm qua.
Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia trong lĩnh vực chính sách công của các viện nghiên cứu, các chuyên gia nghiên cứu kinh tế cùng Ban chủ nhiệm và các giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển, ĐHKT.
Mở đầu chương trình, TS. Vũ Quốc Huy - Chủ nhiệm Khoa KTPT nhấn mạnh, hội thảo lần này ngoài việc báo cáo kết quả nghiên cứu của TS. Bùi Đại Dũng, Khoa còn hy vọng nhận được những góp ý cho đề tài và thảo luận về những vấn đề rộng hơn, cũng như gợi mở những hướng nghiên cứu tiếp theo.
Tiếp đó, TS. Bùi Đại Dũng đã trình bày tóm tắt toàn bộ nội dung của nghiên cứu. Trong đó, nêu lên cơ sở lý luận và thực tiễn về mối quan hệ giữa tăng tăng trưởng và công bằng xã hội, thực tiễn tăng trưởng và bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam giai đoạn 1986 - 2010, định hướng điều chỉnh phân bổ đảm bảo phát triển bền vững. Nghiên cứu đi đến kết luận: công bằng xã hội đích thực là công bằng phát triển. Công bằng phát triển có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển bền vững. Công bằng phát triển cần chú trọng đối với 3 nhóm đặc thù: nhóm nghèo, nhóm trung lưu và nhóm cực giàu.
Thảo luận về nội dung đề tài, các đại biểu đều cho rằng đề tài đã được thực hiện rất nghiêm túc, phương pháp nghiên cứu khá hiện đại, thông tin rất có chất lượng và đáng ghi nhận. Nội dung tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội tuy không phải là vấn đề mới nhưng đang đặt ra nhiều vấn đề nóng trong giai đoạn hiện nay đối với hầu hết các quốc gia trong đó có nước ta. Nhưng trong quá trình phân tích, nghiên cứu không thể bỏ qua yếu tố thể chế vì đó là yếu tố quyết định đến tăng trưởng và công bằng xã hội.
Theo lời PGS.TS Trần Văn Tùng (Viện Nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông): “Nghiên cứu đã đưa ra khá nhiều quan điểm về thể chế và công bằng xã hội nhưng cần đưa ra được kết luận; tác giả đã trình bày khá chi tiết về thu nhập và bất bình đẳng, có thể phản biện lại các báo cáo cũ, so sánh với một số nước cùng điều kiện phát triển như Việt Nam và nên phân tích thêm về yếu tố dân chủ”.
Tiếp nối những góp ý cho đề tài, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ đã có những góp ý trong việc sử dụng và khai thác nguồn số liệu, đồng thời góp ý tác giả nên tiếp tục khai thác đề tài này. Hiện tại, đề tài đã có phương pháp nghiên cứu đáng tin cậy, báo cáo súc tích.
Ngoài ra, đề tài cũng nhận được nhiều góp ý của các chuyên gia như TS. Phạm Xuân Đại (Viện Xã hội học), TS. Nguyễn Vi Khải (Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam), TS. Phạm Quỳnh Anh (Giảng viên Khoa KTPT, ĐHKT)…
Sau nửa ngày làm việc nghiêm túc và tích cực, hội thảo đã kết thúc tốt đẹp với nhiều ý kiến trao đổi quý báu đối với đề tài. Phát biểu tổng kết hội thảo, TS. Vũ Quốc Huy chúc mừng TS. Bùi Đại Dũng vì thành quả nghiên cứu đã đạt được trong thời gian qua, cũng như cảm ơn các góp ý của các chuyên gia. Những ý kiến quý báu đó không chỉ giúp hoàn thiện nội dung nghiên cứu mà còn giúp mở ra những hướng nghiên cứu mới trong tương lai.