Công đoàn
 
Chuyến đi thực tế cho dự án: "Khởi nghiệp dành cho nữ doanh nhân doanh nghiệp vừa và nhỏ"

Bà Nguyễn Thị Lập - một trong những doanh nhân điển hình của Bắc Ninh
Ngày 13/1/2012, các thành viên nhóm dự án “Khởi nghiệp dành cho nữ doanh nhân doanh nghiệp vừa và nhỏ” đã có một chuyến đi Bắc Ninh thăm quan cơ sở sản xuất của 2 nữ doanh nhân thành đạt.


Đây là chương trình do phía Australia tài trợ và các giảng viên 2 Khoa Tài chính - Ngân hàng và Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp thực hiện.
Chuyến thăm nhằm mục đích ghi hình và thu thập các thông tin cần thiết để viết nghiên cứu về các điển hình làm kinh tế, phục vụ cho việc giảng dạy trong khuổn khổ dự án. Được sự giúp đỡ từ phía Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Gia Định, các giảng viên đã chia thành hai nhóm đến thăm, quan sát và phỏng vấn 2 trong các nữ doanh nhân tiêu biểu của Bắc Ninh.
Nữ doanh nhân đầu tiên là bà Nguyễn Thị Lập - Giám đốc Công ty Trung Nguyệt, chuyên sản xuất thanh đồng gia công cho các nhà máy như VinaKip, Việt Tiệp. Đứng dậy từ hai bàn tay trắng, năm 2007, bà Lập đã quyết định thành lập công ty với số vốn chủ yếu huy động từ gia đình, bạn bè. Việc sản xuất và kinh doanh những ngày đầu gặp rất nhiều khó khăn khi chuyện tính toán còn phải đếm trên đầu ngón tay và đóng dấu tên công ty còn ngược. Năm 2008, kinh tế khủng hoảng, cơ sở sản xuất của bà cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Tuy nhiên, với nghị lực của người phụ nữ Việt Nam, bà Lập đã từng bước đưa cơ sở sản xuất của mình đứng vững và đi lên.
Hiện nay, Công ty bà có khoảng 10 lao động, liên tục kinh doanh có lãi và tạo được lòng tin tốt với khách hàng, đặc biệt là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Gia Định - nơi bà vay vốn. Bà cũng đã có nhà xưởng, đất đai; kinh tế gia đình ngày càng khấm khá.
Cơ sở sản xuất thứ hai chúng tôi ghé thăm là Công ty May Phú Thịnh được thành lập năm 2010, Giám đốc công ty là cô Nguyễn Thị Lan, 38 tuổi. 8 năm trước, cơ sở sản xuất của cô chỉ mới là hộ gia đình kinh doanh, chuyên nhận may gia công cho các cơ sở khác. Tuy mới thành lập nhưng công ty của cô đã có những bước tiến khá vững chắc. Hiện tại, công ty có 40 máy may công nghiệp, chuyên cung cấp các sản phẩm may mặc cho những người có thu nhập trung bình. Đặc biệt, trong số 40 công nhân may tại công ty của cô thì có đến 10 công nhân khuyết tật.
2 trường hợp chúng tôi đến thăm đều là điển hình của người phụ nữ vượt khó làm kinh tế. Tuy trình độ chỉ là THCS và thấp hơn nhưng với nghị lực của mình, những người phụ nữ này không những “đảm việc nhà” mà còn góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế tỉnh Bắc Ninh.
Những thông tin và hình ảnh về 2 nữ doanh nhân thành đạt đã được chúng tôi tập hợp và chọn lọc để có video clip phù hợp trình chiếu trong khuổn khổ dự án nhằm khuyến khích các chị em phụ nữ mạnh dạn làm giàu, cải thiện kinh tế gia đình.


Trịnh Thị Phan Lan (Thành viên nhóm Ausaid, Khoa TCNH)