Công đoàn
 
Buổi giới thiệu Chương trình trao đổi học giả Fulbright 2014

Sáng 24/5/2013, đại diện của Chương trình trao đổi học giả Fulbright tại Việt Nam - bà Đỗ Thu Hương đã có buổi chia sẻ thông tin về các gói học bổng Fulbright nói chung và Chương trình trao đổi học giả Fulbright nói riêng cho các cán bộ, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.


Tham dự buổi giới thiệu ngoài các cán bộ giảng viên quan tâm đến chương trình còn có sự góp mặt của ứng viên mới nhận được học bổng cho Chương trình trao đổi học giả Fulbright năm 2013 - TS. Đinh Thị Thanh Vân (giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, ĐHKT).
Mở đầu chương trình, bà Đỗ Thu Hương - trợ lý Chương trình Fulbright tại Việt Nam đã mang đến những thông tin chung nhất về Chương trình. Theo đó, Chương trình Fulbright do Thượng nghị sĩ J. William Fulbright đề xuất và phê chuẩn từ năm 1946, dưới sự quản lý của Vụ các vấn đề văn hóa và giáo dục của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Trải qua hơn 60 năm hoạt động, Chương trình Fulbright có khoảng 310.000 thành viên, trong đó 120.000 thành viên đến từ Hoa Kỳ và 190,000 thành viên đến từ các quốc gia khác. Hàng năm, Chương trình Fulbright cấp khoảng 8000 học bổng và hiện đã có mặt tại hơn 155 quốc gia trên toàn thế giới. Chương trình Fulbright tại Việt Nam được thành lập từ năm 1992 với mục đích tối cao là tăng cường hợp tác văn hóa giáo dục thông qua trao đổi học thuật.
Chương trình Fulbright tại Việt Nam đã bắt đầu tiếp nhận hồ sơ ứng viên cho chương trình trao đổi Học giả Việt Nam 2014 (Vietnamese Scholar Program - VSP) - là một trong 4 thành phần truyền thống của Chương trình Fulbright tại Việt Nam tài trợ cho học giả Việt Nam đi giảng dạy và nghiên cứu tại các viện nghiên cứu hoặc đại học Hoa Kỳ trong khoảng từ 3 đến 9 tháng.
Bà Hương cũng chia sẻ rất tỉ mỉ về quy trình nhận hồ sơ, thời gian xét duyệt hồ sơ của các ứng viên cũng như các cách thức để có một bộ hồ sơ xin học bổng cạnh tranh nhất…  Theo đó, các học giả được tuyển chọn sẽ được đài thọ sinh hoạt phí hàng tháng, bảo hiểm sức khỏe trong suốt thời gian tham gia chương trình và vé máy bay khứ hồi tới Mỹ.
Sau khi được chấp nhận, Chương trình Fulbright tại Việt Nam phối hợp với Hội đồng trao đổi học giả quốc tế (CIES) sắp xếp học viên đến những nơi tiếp nhận phù hợp tại Mỹ. Ứng viên muốn nộp đơn tham gia VSP phải có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ (hoặc tương đương trong một số ngành chuyên môn); là công dân Việt Nam có trình độ tiếng Anh thành thạo để nghiên cứu hoặc giảng dạy ở Mỹ.
Bà Hương nhấn mạnh thời hạn nộp hồ sơ của Chương trình Fulbright tại Việt Nam là trước 17h ngày 15/10/2013. Đây là thời hạn nộp hồ sơ cố định cho tất cả các năm. Vì vậy, các ứng viên quan tâm nên lập kế hoạch để chuẩn bị hồ sơ cũng như các tài liệu cần thiết.
Tiếp theo phần trình bày của bà Hương, TS. Đinh Thị Thanh Vân - ứng viên mới được nhận gói học bổng danh giá dành cho Chương trình trao đổi học giả năm 2013 đã chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân về quá trình chuẩn bị hồ sơ, xây dựng đề cương nghiên cứu, cách thức nộp hồ sơ trực tuyến cũng như làm thế nào để thể hiện tốt trong buổi phỏng vấn…
Các cán bộ, giảng viên có mặt tại chương trình đã đặt nhiều câu hỏi cho 2 diễn giả, cũng như chia sẻ những suy nghĩ và dự định của bản thân về Chương trình học giả Fulbright, với hy vọng sẽ có cơ hội tốt nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu thông qua chương trình này.
Các quý vị quan tâm có thể tham khảo kinh nghiệm nộp hồ sơ cho chương trình của TS. Dinh Thị Thanh Vân tại đây.

Tin: Bích Hà (Phòng NCKH&HTPT) - Ảnh: Văn Ba