Công đoàn
 
Hội thảo “Tư tưởng Kinh tế Việt Nam hiện đại”

Sáng 15/4/2010, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Tư tưởng Kinh tế Việt Nam hiện đại” về bộ môn Lịch sử Tư tưởng kinh tế và Lịch sử Kinh tế tiếp tục định hình một hướng nghiên cứu cơ bản.


Đây là hội thảo cấp bộ môn nhưng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong và ngoài trường. Phát biểu ngay trong phần khai mạc hội thảo, PGS.TS. Phạm Văn Dũng - chủ nhiệm khoa Kinh tế Chính trị đã đánh giá cao ý nghĩa khoa học và đặc biệt nhấn mạnh mô hình tổ chức của hội thảo. Dưới sự chủ trì của chủ nhiệm bộ môn - TS. Nguyễn Ngọc Thanh, các nhà khoa học đã tập trung trao đổi, đưa ra nhiều vấn đề tranh luận.

TS. Đinh Quang Ty với bài tham luận “Những ý kiến bước đầu về việc nghiên cứu tư tưởng kinh tế Việt Nam hiện đại” đã nhấn mạnh cách phân kỳ tư tưởng kinh tế của người Việt; sự tác động của tư duy kinh tế bản địa mang tính truyền thống đến tư tưởng kinh tế hiện đại; ảnh hưởng của các dòng tư tưởng từ nước ngoài, nhất là các trường phái lý thuyết phương Tây và Phật giáo phương Đông đến tư tưởng nước ta. Tham luận tại hội thảo, TS. Đinh Quang Ty bước đầu đã nhận diện hai dòng tư tưởng ở Việt Nam và xu hướng phát triển của chúng trong những thập niên tiếp theo. Như một sự khẳng định sự cần thiết của hội thảo, TS. Đinh Quang Ty đã đề nghị Nhà trường tiếp tục duy trì chuỗi hội thảo này và đưa hướng nghiên cứu này vào chương trình khoa học công nghệ quốc gia trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015.

Thống nhất với ý kiến của nhiều đại biểu trước đó, PGS.TS. Lê Cao Đoàn đã có một tổng kết ngắn về đặc điểm tư tưởng kinh tế Việt Nam từ khi Việt Nam giành được độc lập năm 1945 đến nay. PGS.TS Lê Cao Đoàn cho rằng dưới nền tảng của học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội, Việt Nam đã định hình một dòng tư tưởng chính thống về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội với tính nhất quán cao về mục tiêu phát triển. Theo dòng tư tưởng này, Việt Nam đang xây dựng một hệ thống các tư tưởng về mô hình kinh tế thị trường XHCN; về con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa rút ngắn; về nền kinh tế độc lập tự chủ trên cơ sở mở cửa, hội nhập kinh tế toàn cầu… Kết thúc bài phát biểu, PGS.TS. Lê Cao Đoàn một lần nữa nhấn mạnh lý do cần phải làm rõ tư tưởng kinh tế Việt Nam hiện đại. Đó là con đường hấp thụ có chọn lựa hay quá trình đặc thù hóa tư tưởng thế giới hiện đại theo trình độ phát triển và văn hóa Việt Nam.

Nhấn mạnh đến môi trường phát triển của các tư tưởng kinh tế, TS. Nguyễn Đức Thành đã tiếp cận tư tưởng kinh tế Việt Nam hiện đại dưới một góc độ khác biệt. Tham gia hội thảo, PGS.TS Phạm Quốc Trung đã đưa ra ba dòng tư tưởng kinh tế Việt Nam hiện đại và nhấn mạnh đến dòng tư tưởng ngoại vi. Bổ sung vào các ý kiến tham luận trước đó, ThS. Trần Đức Hiệp đã đưa ra cách tiếp cận nhóm lợi ích trong việc định hình các tư tưởng kinh tế hiện đại đặc biệt từ nhóm lợi ích của các chủ thể kinh tế là các doanh nghiệp trong mỗi nền kinh tế. ThS. Phạm Văn Chiến bằng cách tiếp cận từ quan niệm về tư tưởng kinh tế đã phác thảo những nét cơ bản về lịch sử tư tưởng kinh tế Việt Nam hiện đại. Ngoài ra, hội thảo còn nhận được nhiều ý kiến đóng góp khác nhau của các nhà khoa học và đông đảo các giảng viên tham dự.

Phát biểu có tính chất tổng kết hội thảo TS. Nguyễn Ngọc Thanh đã khẳng định hội thảo này là một bước tiếp tục củng cố hướng nghiên cứu cơ bản của Bộ môn Lịch sử tư tưởng kinh tế và Lịch sử kinh tế. Trong thời gian tới, chuỗi hội thảo theo chủ đề này sẽ được tổ chức thường xuyên và tiến tới kiến nghị đưa chủ đề tư tưởng kinh tế Việt Nam thành một trong nhiều chủ đề của chương trình khoa học công nghệ quốc gia cấp Nhà nước.


TS. Nguyễn Ngọc Thanh khai mạc và chủ trì hội thảo

TS. Đinh Quang Ty thuyết trình tại hội thảo


Trần Thị Hồng Bích (Khoa KTCT) - Ảnh: Thùy Dung