Công đoàn
 
Nóng như… chuẩn đầu ra

Buổi Seminar Chuẩn đầu ra của Khoa Kinh tế Chính trị, Trường ĐHKT - ĐHQGHN diễn ra vào sáng 9/6/2010 trở nên nóng ngay sau khi ThS. Đỗ Thị Ngọc Quyên, Giám đốc Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Giáo dục – ĐHKT trình bày tóm tắt hướng dẫn xây dựng chuẩn đầu ra.


Dưới sự chủ trì của PGS.TS. Phạm Văn Dũng, Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị, cán bộ khoa đã có một buổi thảo luận sôi nổi ngay từ những góp ý đầu tiên.
PGS.TS. Phạm Văn Dũng khẳng định, trong nhiều năm, Khoa Kinh tế Chính trị đã cung cấp cho xã hội những cán bộ có chất lượng cao. Trên thực tế hiện nay, chất lượng đầu vào không cao và nhu cầu của xã hội lại thấp. Do đó, xây dựng chuẩn đầu ra bậc cử nhân Kinh tế Chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Phát biểu tại buổi Seminar, TS. Vũ Thị Dậu mong muốn Trung tâm ĐBCL sẽ hỗ trợ tích cực để nhân dịp này, Khoa KTCT sẽ có sự thay đổi triệt để trong đào tạo. Sự tham gia phối hợp của TTĐBCL càng sát bao nhiêu thì việc xây dựng chuẩn đầu ra sẽ càng chính xác bấy nhiêu.
Đi sâu hơn về khối kiến thức, ThS. Phạm Văn Chiến băn khoăn đối với hệ đào tạo cử nhân. ThS. Phạm Văn Chiến cho rằng, thực tế trên thế giới, đa số các nước không đào tạo cử nhân KTCT mà chỉ đào tạo ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ. Ở Việt Nam hiện nay, các cử nhân KTCT khi ra trường rất khó tìm được việc làm theo đúng chuyên môn. “Làm theo chuẩn đầu ra sẽ thực sự là một sự thay đổi lớn trong cách đào tạo chứ không hề đơn giản”, ThS. Phạm Văn Chiến nói.


ThS. Đỗ Thị Ngọc Quyên (bên phải), Giám đốc Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Giáo dục hướng dẫn xây dựng chuẩn đầu ra tại Khoa KTCT

PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng, đại diện nhà tuyển dụng, cho rằng nhiều cơquan nghiên cứu, nhiều trường đại học  - cao đẳng rất muốn tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế Chính trị của Trường ĐHKT - ĐHQGHN . Bởi vậy, đào tạo cử nhân Kinh tế Chính trị là cần thiết. Nhiều thành viên tham dự seminar tán thành ý kiến này.
Tiếp theo, các ý  kiến đã bàn sâu về chuẩn đầu ra ngành Kinh tế Chính trị, các khối kiến thức, các kỹ năng, phẩm chất nghề nghiệp... mà sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế chính trị cần có.
Vấn đề chuẩn ngoại ngữ, công nghệ thông tin và các kỹ năng mềm cũng đã được Khoa KTCT đặt ra nhằm có những tiêu chuẩn thống nhất cho chuẩn đầu ra. Việc lựa chọn giữa TOEIC (tiếng Anh giao tiếp) và IELTS (tiếng Anh học thuật) hay lựa chọn một chuẩn chung cho cả hai đã được cân nhắc và quyết định sẽ chọn chuẩn chung. Trong khi đó trình độ tin học của sinh viên hiện tại cũng là một vấn đề. Cán bộ Khoa KTCT góp ý thêm việc cần xem xét có nên đề xuất học tiếng Anh, tin học ngoài trường hay không. Thực tế, khi sinh viên đi xin việc, đơn vị tuyển dụng luôn đòi hỏi phải có chứng chỉ các môn này, trong khi trường không có chức năng đó. Khoa KTCT cũng khẳng định, sẽ đề xuất thêm các môn liên ngành và cũng tranh thủ cơ hội này để đổi mới cơ bản việc đào tạo của khoa.
PGS.TS. Phạm Văn Dũng cho rằng, đợt khảo sát tới nhằm chuẩn bị cho khung chuẩn đầu ra, Khoa KTCT sẽ phải có sự chuẩn bị kỹ càng. Quan trọng hơn, cần phải có sự tìm hiểu, xin ý kiến các cơ quan của Đảng, Nhà Nước về đào tạo cử nhân Kinh tế chính trị; tham khảo ý kiến các cơ sở đào tạo cùng chuyên ngành... Việc điều tra này sẽ giúp Khoa tìm hiểu được nhu cầu thật sự của nhà tuyển dụng, từ đó đưa ra các chương trình đào tạo hợp lý, đảm bảo đầu ra cho sinh viên.
Do tính chất quan trọng của việc xây dựng Chuẩn đầu ra, PGS.TS Phạm Văn Dũng yêu cầu tất cả các cán bộ của Khoa phải tham gia công việc này; phải đảm bảo cả về chất lượng và thời gian. Việc cần hoàn thành ngay trong tuần sau là bộ câu hỏi và sau đó là tiến hành khảo sát. Mốc thời gian Khoa KTCT phấn đấu hoàn thành dự thảo chuẩn đầu ra để xin ý kiến các chuyên gia vào đầu tháng 8/2010, tức là chỉ còn khoảng 2 tháng nữa.
Theo PGS.TS Phùng Xuân Nhạ, Hiệu trưởng Trường ĐHKT, các khoa, giảng viên, cán bộ Trường ĐHKT phải tổ chức các buổi seminar về chuẩn đầu ra từ đó đánh giá lại quá trình thực hiện chuẩn đầu ra xem còn những tồn tại gì, đề xuất thêm, giảm ở môn nào, khâu nào… Từ đó việc xây dựng chuẩn đầu ra cho trường ĐHKT mới được thực hiện tốt.

Mạnh Tuấn