Công đoàn
 
Mong muốn tiếp tục hợp tác với Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Đó là chia sẻ của lãnh đạo Công ty Thương mại Dịch vụ Tràng Thi sau khi cùng chia sẻ, phân tích đề tài “Phân tích thực trạng việc sử dụng các yếu tố cấu thành thương hiệu Tràng Thi theo mô hình Kapferer và khuyến nghị một số giải pháp phát triển thương hiệu”, do nhóm sinh viên Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường ĐHKT thực hiện thông qua chuyến thực tế tại Công ty.


Đề tài này được trình bày vào sáng 10/9 trước đông đảo cán bộ lãnh đạo của Công ty Thương mại Dịch vụ Tràng Thi và lãnh đạo Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường ĐHKT.
Theo TS. Vũ Anh Dũng, Chủ nhiệm Khoa KTQT - Trường Đại học Kinh tế, để thực hiện đề tài này, nhóm sinh viên đã có 2 tháng khảo sát, phỏng vấn và tham gia các hoạt động của công ty này.


Nhóm sinh viên ĐHKT đã được đánh giá cao vì làm việc nghiêm túc và hiệu quả

Theo đánh giá của đề tài, Công ty Thương mại Dịch vụ Tràng Thi có thương hiệu lâu năm, gắn liền với thủ đô. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh thương hiệu của công ty chưa được thực hiện đầy đủ, bỏ phí nhiều “cơ hội”, khu vực đẹp. Với ưu thế vị trí đẹp giữa trung tâm thành phố, Công ty hoàn toàn có thể đem lại cho người tiêu dùng những thuận lợi trong việc mua sắm. Tuy nhiên, có những yếu tố khiến họ mất đi lợi thế như khu trưng bày sản phẩm chật chội, cách trình bày chưa bắt mắt, thiếu điểm trông xe… Từ những hạn chế trên, nhóm nghiên cứu đã đề ra khá nhiều giải pháp nhằm đem lại hiệu quả trong kinh doanh cũng như nâng cao thương hiệu Tràng Thi. Cụ thể, nhóm nghiên cứu khuyến nghị các biện pháp quảng bá trên báo chí, tăng lượng thông tin trực tuyến, phát triển thông tin trên website, tận dụng khoảng không trong các khu trưng bày để quảng cáo bằng màn hình, tổ chức hội nghị khách hàng, khuyến mãi trong các dịp lễ…
Sau khi nghe trình bày của nhóm nghiên cứu, ông Lê Anh Dũng, Giám đốc Công ty Thương mại Dịch vụ Tràng Thi khẳng định: “Chúng tôi thấy đề tài này rất thiết thực nên đã mời đại diện tất cả các đơn vị thuộc công ty đến dự và góp ý, trong đó có cả đại diện của Tổng công ty Thương mại Hà Nội. Chúng tôi đã từng hướng dẫn rất nhiều sinh viên thực tập nhưng hầu hết nội dung của các đợt thực tập đó không cao. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được làm việc với những sinh viên có chất lượng, đề tài áp sát thực tế, có khả năng ứng dụng. Chúng tôi mong muốn được tiếp tục hợp tác với Trường Trường ĐHKT - ĐHQGHN nhằm phát triển công ty trong tương lai”.


TS. Vũ Anh Dũng góp ý về vấn đề thương hiệu doanh nghiệp

Còn bà Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Công ty thương mại dịch vụ Tràng Thi khẳng định, những góp ý của nhóm nghiên cứu là rất sát thực và có ích đối với công ty.  Nhắc đến  những vấn đề còn tồn tại của Công ty mà đề tài đã đề cập, bà Thảo khẳng định: “Chúng tôi nhận ra điều đó và ai cũng biết cần phải thay đổi điều đó. Nhưng để viết ra, đưa ra giải pháp  thì đây là lần đầu”.


Ông Lê Anh Dũng và đông đảo cán bộ lãnh đạo của Công ty Thương mại dịch vụ Tràng Thi và Tổng Công ty thương mại Hà Nội đã có mặt dự thuyết trình của nhóm nghiên cứu

Cũng trong buổi thuyết trình, đông đảo cán bộ lãnh đạo của công ty cũng như Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã đưa ra nhiều góp ý với đề tài cũng như phân tích các điểm yếu của chính công ty. Buổi thuyết trình được đánh giá là cởi mở khi tất cả mọi người đều tham gia đóng góp ý kiến, thậm chí phản biện các thông tin các bên đưa ra nhằm tìm tới gốc rễ của vấn đề.
Trao đổi bên lề, bà Trần Thị Thảo cho biết, bà rất mong nhận được sự hợp tác với Trường ĐHKT trong nhiều vấn đề, đặc biệt là việc nghiên cứu phát triển thương hiệu. Bà cũng hy vọng sẽ tiếp tục được đón sinh viên của trường về thực tập, nghiên cứu và làm việc.

M.Tuấn