Công đoàn
 
Vai trò cuả Công đoàn trong việc xây dựng văn hóa cộng đồng của Trường ĐHKT - ĐHQGHN

Đồng chí Phạm Bích Ngọc trình bày tham luận tại Đại hội Công đoàn lần thứ VI (Ảnh: Duy Ni)
Có rất nhiều bài viết bàn luận về văn hóa cộng đồng (VHCĐ), văn hóa tổ chức (VHTC)... Vậy VHCĐ là gì? Vai trò của nó đối với sự phát triển của tổ chức ra sao? Việc xây dựng VHCĐ cần phải có những điều kiện gì và đặc biệt vai trò của Công đoàn trong việc xây dựng VHCĐ là như thế nào?


Trước hết, VHCĐ của một trường đại học chính là những yếu tố văn hóa được chọn lọc, hình thành trong quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển của nhà trường. Những yếu tố văn hóa đó thể hiện được ước vọng, mong muốn của cán bộ, giảng viên và sinh viên về nhà trường của mình.
Sắc thái văn hóa là đặc thù quan trọng nhất của một nhà trường. Nhà trường là nơi đào tạo, rèn luyện những lớp người mới, là chủ nhân gìn giữ và sáng tạo nên văn hóa cho tương lai.
VHCĐ của trường giúp cho cán bộ, giảng viên thấy rõ sứ mạng cao cả, mục tiêu, định hướng và bản chất của công việc mà mình đang làm. VHCĐ phù hợp, tích cực sẽ tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp giữa các các cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên trong nhà trường từ đó tạo ra một môi trường làm việc thoải mái, vui vẻ và lành mạnh. VHCĐ tích cực giúp cho cán bộ, giảng viên, sinh viên tự hào, hãnh diện vì mình là thành viên của trường, được làm việc vì những mục tiêu chung của nhà trường.
Xây dựng VHCĐ của một trường đại học không phải là vấn đề mới mẻ. Tuy nhiên tôi cũng xin được đưa ra một số ý kiến về việc xây dựng VHCĐ và vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc góp phần xây dựng VHCĐ trong Trường ĐHKT - ĐHQGHN của chúng ta:
Thứ nhất, trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường niên của mình, Công đoàn trường cần tăng cường hơn nữa các hoạt động mang tính cộng đồng cao như: tuyên bố lịch, nội dung các hoạt động cộng đồng cố định trong năm, dần tạo nên nếp nghĩ, thói quen, văn hóa về hoạt động đó (ví như các hoạt động về Gala cuối năm, thắp hương ở Văn miếu - Quốc tử giám nhân dịp đầu năm mới...
Thứ hai, thường xuyên tổ chức các hoạt động mang tính tập thể. Ở đây theo tôi, những hoạt động tập thể này sẽ nâng cao hơn sự giao lưu và hiểu biết giữa cán bộ, công đoàn viên. Và không ai khác, Công đoàn Trường ĐHKT chính là cầu nối, là đơn vị tổ chức cho các công đoàn viên như: các hoạt động dã ngoại, các hoạt động thể thao, thi cắm hoa, thi nấu ăn... Vừa qua chúng ta đã thực hiện được một số hoạt động được sự ủng hộ và tham gia rất nhiệt tình của công đoàn viên như: các giải thể thao bóng bàn, cầu lông, bóng đá, văn nghệ.v.v…
Thứ ba, trên cơ sở bản Hướng dẫn xây dựng văn hóa cộng đồng và xây dựng thương hiệu mà ĐHQGHN đã ban hành, đề nghị lãnh đạo Nhà trường, Công đoàn trường phân khai, cụ thể hóa thành các chương trình hành động để sao cho có thể lồng ghép hiệu quả vào hoạt động của tổ chức công đoàn.
Thứ tư, việc xây dựng VHCĐ không thể chỉ là ngày một, ngày hai mà nó đòi hỏi một quá trình. Do vậy, ngoài việc đề ra các chương trình hành động, tổ chức Công đoàn cần phải có sự phân công cho một thành viên Ban Chấp hành Công đoàn chuyên trách theo dõi về vấn đề này. Có như vậy việc xây dựng VHCĐ mới đạt được hiệu quả cao đóng vai trò quan trọng trong tổng thể hoạt động chung của Công đoàn trường.
Trên đây là một vài chia sẻ của tôi nhằm đóng góp một vài ý kiến về xây dựng VHCĐ. Hy vọng rằng, với sự quyết tâm và nỗ lực của lãnh đạo Nhà trường, của tổ chức Công đoàn và toàn thể đoàn viên công đoàn thì việc xây dựng VHCĐ trong Trường ĐHKT sẽ ngày một thành công, góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược đã đặt ra và tạo nền tảng phát triển bền vững cho nhà trường.

Trích tham luận của Phạm Bích Ngọc - Phó Chủ tịch Công đoàn Khối Hiệu bộ tại Đại hội Công đoàn Trường ĐHKT lần thứ VI (nhiệm kỳ 2013 - 2015)