Kỷ niệm 10 năm thành lập
 
Cựu sinh viên ĐH Kinh tế “bật mí” cách khởi nghiệp làm ông chủ

Anh Lại Mạnh Quân - Cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN
Hiện nay, theo khảo sát, số sinh viên ra trường thất nghiệp chiếm tỷ lệ khá cao khiến cho nhiều thí sinh, sinh viên “hoang mang”, mất niềm tin vào cánh cửa đại học. Thậm chí, có người tốt nghiệp đại học loại giỏi cũng “loay hoay” tìm một công việc để chống cháy. Là một cựu sinh viên, cựu học viên Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN trẻ tuổi, khởi nghiệp thành công, anh Lại Mạnh Quân sẽ chia sẻ một số bí quyết học tập, khởi nghiệp để các em thí sinh, sinh viên có động lực phấn đấu và đặt niềm tin vào con đường sắp đi.


- Nhiều sinh viên cho rằng “đại học là tự học”. Trong 4 năm học đại học, anh chọn phương pháp học tập như thế nào cho hiệu quả?

Mình đi học rất thường xuyên và hầu như không nghỉ học ngày nào trong suốt quá trình học đại học, nhưng lại không viết bài đầy đủ. Nguyên do mình muốn nghe, hiểu và rút ra những điều mình thấy bổ ích cho mình ngay trên lớp. Đến cuối kỳ ôn thi thì mượn vở các bạn nữ, chữ đẹp, viết đầy đủ photo để làm đề cương. Bất kỳ môn gì mình cũng làm đề cương ôn tập và đề cương được làm theo dạng sơ đồ hoá, logic và bản đồ. Kể cả những môn được mang tài liệu vào phòng thi vẫn làm đề cương.

Bên cạnh đó, trong quá trình học đại học là lúc mình xác định phải trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết của một người mà mình mong muốn trở thành. Ở đây là một doanh nhân nên những gì liên quan đến phẩm chất, kỹ năng của một doanh nhân, mình sẽ tự học hỏi và trang bị cho bản thân: sự quyết đoán, khả năng thuyết trình, kỹ năng lãnh đạo, dẫn dắt và làm việc nhóm. Ngoài ra, mình học Tin học từ năm 1998 (lúc đó 15 tuổi) và khi học đại học, hầu hết sinh viên cùng lớp loay hoay với môn Tin học đại cương thì mình đã thành thạo Microsoft Office.

 
 
Lại Mạnh Quân (thứ 2 từ trái sang) trong Ban Giám khảo cuộc thi UEB Genesis Startup 2017

- Kiến thức, quá trình đào tạo ở trường đại học có giúp ích nhiều cho anh trong quá trình lập nghiệp sau này không? Ngoài ra, theo anh cần thêm những yếu tố gì để có thể thành công trong sự nghiệp?

Trường đại học giúp mình nhiều chứ, rất nhiều là đằng khác. Điều mà các trường đại học giúp là cung cấp tư duy giải quyết vấn đề, hiểu được logic của sự việc và tư duy phân tích để từ đó đưa các cách hành động đúng. Nhiều bạn trẻ hiện nay nói “Học đại học không giúp ích gì, không kiếm được việc từ đại học”, theo mình điều đó là phiến diện, duy ý chí, rập khuôn, “thấy cây mà không thấy rừng”, “thấy hiện tượng mà không thấy bản chất” và những người đó khả năng thành công rất thấp. Mình vừa mới vận dụng kiến thức của môn Triết học Mác - Lênin đó, một môn đại cương vô cùng quan trọng.

Lại Mạnh Quân là cựu sinh viên QH-2002-E-QTKD Quản trị Kinh doanh, cựu học viên cao học QH-2017-E Quản trị Kinh doanh, của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Lĩnh vực kinh doanh chính của anh là Bảo hiểm phi nhân thọ. Hiện anh đang giữ chức vụ Giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện Tràng An - Tổng Công ty bảo hiểm Bưu điện PTI (http://www.pti.com.vn/, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) được thành lập ngày 01/08/1998 với 3 cổ đông lớn là Công ty Bảo hiểm Dongbu - Hàn Quốc (chiếm 37,32%.), Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (chiếm 22%) và Tổng công ty Chứng khoán Vndirect (chiếm 22%)). Hiện PTI là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu thị trường, trong đó nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới đứng vị trí thứ hai và nghiệp vụ bảo hiểm con người đứng thứ ba. Ngoài ra, anh còn tham gia một số dự án/công ty khác với vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị và Uỷ viên Hội đồng quản trị.

Trong thời gian học tập ở Trường ĐHKT, anh là Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng phụ trách Hội sinh viên. Anh được nhận nhiều bằng khen của Trường ĐHKT, bằng khen của TW Đoàn, TW Hội và rất nhiều danh hiệu thi đua khác. Anh Lại Mạnh Quân hiện còn là giám khảo của một số cuộc thi ý tưởng sinh viên tại Trường ĐHKT – ĐHQGHN với tư cách một doanh nhân khởi nghiệp thành công.

 
Không ai mang Toán cao cấp để quan hệ với đồng nghiệp cả, không ai mang Kinh tế lượng để xây dựng văn hoá doanh nghiệp, không ai mang Triết học để tìm kiếm khách hàng cả,… nhưng những môn học tại đại học đã cung cấp cho mình một “phông” kiến thức về các vấn đề kinh tế, về cách giải quyết các vấn đề, để từ đó áp dụng vào lĩnh vực mình làm việc, nhằm đạt hiệu quả và năng suất cao nhất.

Theo mình, muốn thành công trong công việc cần hội đủ 3 nhóm kiến thức: 1. Kiến thức cứng/kiến thức nghề (các trường đại học sẽ cung cấp); 2. Kiến thức mềm để truyền tải kiến thức cứng, kỹ năng (các câu lạc bộ trong trường sẽ cung cấp); 3. Kiến thức công cụ (Tin học, ngoại ngữ). Muốn trở thành người có chuyên môn cao phải có kiến thức số 1 tốt, nhưng muốn thành công trong sự nghiệp thì nhóm kiến thức 2 và 3 lại là yếu tốt quyết định. Điều đó giải thích cho việc, nhiều sinh viên học giỏi chỉ làm chuyên môn (nghiên cứu, giảng dạy…) còn những sinh viên học kém hơn thì thành công hơn trong cuộc sống vì nhóm kiến thức 2 và 3 của những sinh viên này rất tốt. Một người sở hữu tốt cả 3 nhóm kiến thức thì chắc chắn sẽ thành công trong thời gian rất ngắn.

- Anh bắt đầu khởi nghiệp từ khi nào và như thế nào? Anh có thể chia sẻ động lực cũng như cách mà anh chọn để khởi nghiệp tới các bạn trẻ không? Anh đã từng thất bại chưa?

Có nhiều cách để khởi nghiệp. Có thể làm trong một cơ quan nhà nước, có thể làm cho doanh nghiệp, có thể tự kinh doanh, hoặc làm nhà đầu tư… Tuy nhiên, làm bất cứ gì cũng cần có đam mê, yêu thích ngành nghề mình làm và đặc biệt phải có quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức.

Mình khởi nghiệp bằng cách đi làm cho doanh nghiệp tư nhân lúc mới ra trường vì mong muốn trở thành một doanh nhân trong tương lai. Với một sinh viên mới ra trường, làm trong môi trường doanh nghiệp sẽ học hỏi được rất nhiều điều và từ đó bổ sung kiến thức, vốn sống, kinh nghiệm… sau này sẽ là hành trang để trở thành doanh nhân. Sau khi đã tích lũy được một số kinh nghiệm cũng như vốn rồi thì mình nhen nhóm ý định mở công ty. Mình vạch ra kế hoạch rõ ràng đó là kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, rồi trình bày ý tưởng đó với một số bạn bè và đặc biệt là thầy cô giáo ở Trường ĐH Kinh tế để thầy cô góp ý, sau khi cảm thấy mọi thứ đã chín muồi, mình quyết định huy động vốn và mở Công ty Bảo hiểm Bưu điện Tràng An năm 2016 thuộc Tổng Công ty bảo hiểm Bưu điện PTI có trụ sở tại Tầng 6, tòa nhà 434 Trần Khát Chân, Phường Phố Huế, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Hiện tại, Công ty vẫn đang phát triển rất tốt và sẽ mở rộng quy mô trong những năm tiếp theo.

Thất bại ư? Mình cũng đã từng thất bại chứ! Thất bại là mẹ của thành công mà! Trong thời gian làm ở doanh nghiệp, mình có những dự án cho riêng mình (mà giờ mọi người đang gọi là Start-up), nhưng những lần thất bại đó là động lực và bài học kinh nghiệm để mình tiếp tục con đường sự nghiệp ở phía trước.

- Gia đình có ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp của anh?

Gia đình ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiệp của mình. Mình có được như bây giờ thì vai trò của gia đình là quan trọng nhất. Gia đình lớn luôn tin tưởng và ủng hộ mình tuyệt đối. Gia đình nhỏ thì luôn động viên và hy sinh nhiều thứ để mình có thể tập trung vào sự nghiệp.

Mình luôn quan niệm “Không có gì được mà không mất, có nhiều thứ mất mà chẳng được gì”. Với suy nghĩ đó, mình luôn cố gắng để cân bằng gia đình - công việc - xã hội.

- Nhiều bạn trẻ cho biết rất muốn khởi nghiệp nhưng không có ý tưởng mới, không có vốn, không có các mối quan hệ. Vậy theo anh phải làm thế nào?

Hầu hết các bạn trẻ đều không có vốn và chưa có nhiều mối quan hệ. Nhưng nếu đặt vấn đề như thế, thì không thể khởi nghiệp được sao? Theo mình, đối với các bạn trẻ muốn khởi nghiệp thì trước hết phải có ý tưởng - ý tưởng phải mới, phải hay, phải độc đáo… và có quyết tâm thực hiện, sau đó sẽ kêu gọi được vốn, khi kêu gọi được vốn thì sẽ có quan hệ. Hiện nay, mình biết, có rất nhiều Quỹ đầu tư cho các dự án khởi nghiệp nên các bạn trẻ có nhiều cơ hội để khởi nghiệp hơn thời của mình cách đây hơn 1 thập niên.

- Có ý kiến cho rằng: Các bạn trẻ phải biết sợ nghèo để khởi nghiệp vươn lên. Anh nghĩ sao về điều này?

Ai cũng sợ nghèo, bạn trẻ thì càng sợ. Sợ là một chuyện, còn có làm hay không lại là chuyện khác! Không phải ai sợ cũng cố gắng vươn lên. Mẫu số chung là sợ nghèo nhưng tử số giàu thì lại rất ít!

- Hiện nay, sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều. Anh có thể tư vấn cho các em sinh viên cần học như thế nào, cần phải làm gì để ra trường không lo thất nghiệp?

Quan điểm của mình thất nghiệp nhiều là phản ánh đúng thực trạng xã hội của chúng ta hiện nay. Mình không đi vào chi tiết, nhưng theo mình, nên thất nghiệp nhiều hơn nữa để cân bằng lại lực lượng lao động. Các bạn sinh viên cần học, cần trang bị gì để ra trường không lo thất nghiệp thì mình đã chia sẻ ở trên, đó là cần trang bị đủ 3 nhóm kiến thức.

Thực tế hiện nay, doanh nghiệp không ngại nhận sinh viên mới ra trường, mà ngại nhận sinh viên không biết làm việc, không chủ động tiếp cận công việc, không có ý tưởng táo bạo. Các doanh nghiệp cần sinh viên ra trường hội tụ đủ 3 nhóm kiến thức đã đề cập ở trên. Nếu sinh viên có đầy đủ nhóm kiến thức đó thì doanh nghiệp sẽ đến tận trường để tuyển dụng. Ngược lại, nếu không có thì con số thất nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới!

- Cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị và chúc cho anh gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp của mình!

 
Để cung cấp cho sinh viên nhiều kỹ năng, kinh nghiệm sau khi ra trường, hiện nay, chương trình đào tạo của Trường ĐHKT có nhiều thay đổi, nghiên cứu gắn liền với thực tiễn của doanh nghiệp. Ngoài ra, Nhà trường còn tổ chức nhiều chương trình khởi nghiệp, các câu lạc bộ, các cuộc thi về tài chính, kinh doanh để sinh viên trau dồi kiến thức, kỹ năng. Sinh viên tốt nghiệp Trường ĐHKT - ĐHQGHN không chỉ có kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn được đào tạo các kỹ năng, tăng cường vốn ngoại ngữ, tin học để có thể lập nghiệp thành công, tự tin trước các nhà tuyển dụng

Lương Thu - Nguyễn Công