Kỷ niệm 10 năm thành lập
 
Chiến lược chính sách kinh tế vĩ mô cho Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam

Đó là chủ đề hội thảo quốc tế do Quỹ Nghiên cứu Thái Lan (TRF) và Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tại Trường ĐHKT trong hai ngày 4 và 5/3/2011.


Đây là hội thảo lần thứ ba trong chuỗi hội thảo vể Chính sách kinh tế vĩ mô do TRF tài trợ. Hai hội thảo trước lần lượt được tổ chức tại Lào và Campuchia trong những năm 2009 và 2010.

Đến dự Hội thảo lần này có Tiến sĩ Siriporn Wajjwalku - Tư vấn cao cấp của TRF, các nhà nghiên cứu kinh tế của Đại học Thammasat (Thái Lan) và Đại học Quốc gia Lào, các nhà hoạch định chính sách của Campuchia và các nhà nghiên cứu kinh tế của Việt Nam.

Hội thảo đã trao đổi 8 báo cáo chuyên sâu và 1 báo cáo so sánh tổng hợp về chính sách kinh tế vĩ mô của 4 quốc gia là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam với những phương pháp tiếp cận hiện đại và khoa học.


PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN chủ trì hội thảo

Mở đầu là phiên chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với hai báo cáo của Lào và Campuchia. Báo cáo của Tiến sĩ Phouphet Kyophilavongs, Đại học Quốc gia Lào, tập trung vào việc nghiên cứu ảnh hưởng của các dòng vốn vào mà đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp (FDI) đối với Lào để trên cơ sở đó đưa ra các lựa chọn chính sách cho các nhà hoạch định. Báo cáo đã sử dụng phương pháp ARDL để nghiên cứu tác động của FDI lên tỷ giá hối đoái của Lào và kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng có mỗi liên hệ dài hạn giữa hai biến số kinh tế này. Báo cáo đã được TS. Nguyễn Đức Thành - Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường ĐH Kinh tế và Giáo sư Bhanupong Nidriprabha, Đại học Thammasat (Thái Lan) bình luận chuyên sâu và nhận được nhiều ý kiến góp ý của các thành viên tham gia hội thảo.

Với chủ đề về kiểm soát vốn và đô la hóa ở Campuchia, ông Siphat Lim - Ngân hàng Trung ương Campuchia, đã sử dụng một phương cách tiếp cận mới để đo lường mức độ đô la hóa ở Campuchia nhằm trả lời câu hỏi: "Chính sách nào là phù hợp với Campuchia để đạt được tăng trưởng bền vững và ổn định" khi mức độ đô la hóa ở Campuchia là quá cao. Bên cạnh việc đo lường mức độ đô la hóa ở Campuchia, báo cáo của ông Siphat còn nghiên cứu về các biện pháp kiểm soát vốn ở Campuchia, sử dụng phương pháp Granger Causality để xem xét mối quan hệ giữa lạm phát và đô la hóa ở Campuchia. Trên cơ sở các kết quả tìm được, ông Siphat đã cho thấy tăng trưởng FDI đóng vai trò tích cực trong tăng trưởng kinh tế Campuchia và để giảm mức độ đô la hóa thì các dòng vốn nên tập trung vào phát triên khu vực nông nghiệp và nông thôn. Các biện pháp kiểm soát vốn hiện nay là chưa phù hợp với Campuchia. TS. Kulpatra Sirodom, Đại học Thammasat, Thái Lan đã hết sức chia sẻ quan điểm này với ông Sipat đồng thời đưa ra thêm một số gợi ý nghiên cứu chuyên sâu cho ông Sipat. Điều này cũng được TS. Nguyễn Ngọc Thanh, Trường ĐHKT, đồng ý và bình luận thêm.

TS. Siriporn Wajjwalku

Kết thúc phiên làm việc buổi sáng ngày 4/3/2011, phiên làm việc buổi chiều cùng ngày do TS. Siriporn Wajjwalku - Tư vấn cao cấp của TRF chủ trì với 4 báo cáo chuyên sâu về kinh tế vĩ mô của CLTV. Hai trong số 4 báo cáo này là về chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Trong khi báo cáo của PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - UEB tập trung vào phân tích mối quan hệ giữa các dòng vốn vào và tỷ giá hối đoái ở Việt Nam thì báo cáo của TS. Nguyễn Ngọc Thanh (Trường ĐHKT - ĐHQGHN) lại tập trung phân tích về chính sách tiền tệ ở Việt Nam từ sau những năm đổi mới đến nay. Cả hai báo cáo đều thu hút được sự quan tâm chú ý của các thành viên tham gia Hội thảo. Đặc biệt, TS. Đoàn Hồng Quang đến từ Ngân hàng Thế giới, TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới và TS. Phạm Văn Hà - Bộ Tài chính đã có những góp ý chuyên sâu để các tác giả có thể hoàn thiện báo cáo của mình một cách tốt nhất.

Cùng nghiên cứu về chính sách kinh tế vĩ mô ở Campuchia, nhưng khác với phiên buổi sáng, phiên buổi chiều, báo cáo của ông Chea Ravin và Ung Luyna lại xem xét tác động của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ ở Campuchia lên tăng trưởng sản lượng và lạm phát trong thời gian qua bằng việc sử dụng phương pháp tiếp cận VAR. Kết quả nghiên cứu cho thấy chính sách tài khóa có hiệu quả hơn so với chính sách tiền tệ ở Campuchia. Mặt khác, tỷ giá hối đoái thực tế có phản ứng lại với các cú sốc về tài khóa và tiền tệ. Các kết quả này đã góp phần tích cực nhẳm giúp các nhà hoạch định chính sách ở Campuchia đưa ra các quyết định điều hành kinh tế vĩ mô.

Báo cáo cuối cùng trong phiên buổi chiều ngày 4/3/2011 là Phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô của Thái Lan dưới các chế độ tỷ giá hối đoái khác nhau. Báo cáo đã phân tích các chế độ tỷ giá hối đoái của Thái Lan và ảnh hưởng của các chế độ này tới việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Thái Lan. Báo cáo cũng cho thấy hoạt động xuất khẩu của Thái Lan chủ yếu phụ thuộc vào thu nhập thế giới hơn là vào tỷ giá hối đoái. Chính vì vậy, bất cứ sự cố gắng nào nhằm định giá thấp đồng bath Thái Lan đều không hiệu quả và tốn kém. Kết luận này của ông Bhanupong đã thu hút được sự quan tâm và thảo luận của các vị đại biểu.

Trong ngày làm việc thứ hai, Hội thảo do TS. Nguyễn Ngọc Thanh chủ trì. Tại phiên làm việc này, các thành viên tham gia hội thảo xem xét 3 báo cáo chính. Một là về tác động của chi tiêu chính phủ đến sản lượng của Việt Nam do TS. Vũ Quốc Huy (ĐHKT) trình bày. TS. Huy đã sử dụng một phương pháp tiếp cận rất mới là SVAR để đánh giá tác động của gói kích cầu lên sản lượng của Việt Nam trong thời gian qua. Bài báo cáo thứ hai là Chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô của Giáo sư Bhanupong. Từ hai báo cáo này, các nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại hội thảo đã nhận định và so sánh được hiệu quả của chính sách tài khóa ở Việt Nam và Thái Lan, trên cơ sở đó rút ra những bài học cho tương lai.


Các đại biểu thảo luận tại hội thảo

Báo cáo cuối cùng tại Hội thảo là báo cáo so sánh tổng hợp về hiệu quả của các chinh sách kinh tế vĩ mô ở Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam theo phương pháp tiếp cận PVAR do TS. Phongthorn, Đại học Thammasat, trình bày. Báo cáo đã lần lượt xem xét tác động của chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá tới các biến số kinh tế vĩ mô của các nước như lạm phát, thất nghiệp, tăng trưởng…

Sau hai ngày làm việc tích cực và hiệu quả, Hội thảo Chiến lược chính sách kinh tế vĩ mô cho Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã kết thúc thành công, để lại nhiều dấu ấn đẹp đẽ cho các nhà học giả trong và ngoài nước. Các thành viên tham gia hội thảo đều đã nhận được sự đóng góp chuyên sâu và hữu hiệu để hoàn thiện báo cáo của mình. Dự kiến các kết quả nghiên cứu sẽ được công bố và xuất bản thành sách vào tháng 5 tới. 


Nguyễn Vũ Hà (tổng thuật) Ảnh: Dung - Diệp