Kỷ niệm 10 năm thành lập
 
Sinh viên Trường ĐHKT tham gia giao lưu tại Thái Lan

Đoàn sinh viên và giảng viên Việt Nam trong lễ tổng kết. Nguyễn Thành Đạt (thứ 4 từ trái sang), Bùi Thị Thúy Hằng và Nguyễn Bảo Chính (ngoài cùng bên phải)
Trong hai ngày 17 và 18/12/2015, ba sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã có dịp giao lưu với bạn bè quốc tế tại hội thảo “Triển vọng châu Á về hòa bình và phát triển: Thảo luận về tương lai của Tiểu vùng sông Mekong và Asean” (Asian Perspectives on Peace and Development: Questioning the Future of GMS and ASEAN) do Trung tâm Nghiên cứu Tiểu vùng sông Mekong phối hợp cùng Đại học Chiang Mai (Thái Lan) tổ chức.


Sự kiện được tổ chức với mục đích tăng cường hiểu biết và giao lưu văn hóa giữa các nước trong khu vực. Tham gia hội thảo là giảng viên và sinh viên các trường đại học đến từ Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Lào. Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tại hội thảo gồm có Nguyễn Thành Đạt (lớp QH-2013-E TCNH CLC), Nguyễn Bảo Chính (lớp QH-2013-E TCNH), Bùi Thị Thúy Hằng (lớp QH-2013-E TCNH-NN).

Trong khuôn khổ hội thảo đã có 6 chủ đề nóng hổi trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong được thảo luận sôi nổi. Chủ đề “Hòa bình và các xung đột” được thảo luận đầu tiên với các tham luận như “Xung đột trong đảng phái chính trị ở Thái Lan” của tác giả Thannapat Jarernpanit, “Xung đột đang tồn tại ở Nam Philippines” của tác giả David Gore… Đặc biệt là tham luận “Vai trò cấu thành của các tổ chức Đạo Hồi và thúc đẩy hòa bình cùng tồn tại giữa người theo Đạo Hồi và Đạo Phật ở vùng Isan Thái Lan” của TS. Imron Sohsan được hội nghị quan tâm do tính thực tiễn của đề tài, đồng thời mở ra khả năng áp dụng vào thực tiễn của mô hình.

Bên cạnh đó, 2 chủ đề “Sắc tộc, du lịch và phát triển” cùng “Giới tính, vấn đề văn hóa xã hội” cũng được thảo luân chi tiết. Các nghiên cứu được chia sẻ góp phần giúp người tham gia hiểu được sâu sắc hơn về các vấn đề nổi cộm trong khu vực như: “Sự tham gia phát triển du lịch của dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam” của tác giả Phan Thị Minh Ngọc, “Nhìn lại vấn đề hệ thống giáo dục Thái Lan” của Anuwat Jeebunmee, “Jai Baan trong đức tin và văn hóa của Tai Kheun, Bang Shan, Myanmar” - Bongkotporn On-phueng…



Sinh viên Nguyễn Thành Đạt với các thành viên từ Đại học Chiang Mai (Thái Lan) và Đại học Battambang (Campuchia)


Chủ đề “Mối quan hệ quốc tế” được các diễn giả trình bày trong ngày 18 được coi là điểm nhấn của chương trình khi các vấn đề căng thẳng trong khu vực được đem ra thảo luận. TS. Lê Văn Hải (Đại học Hà Nội) trình bày tham luận “Việt Nam trong nỗ lực cân bằng với Trung Quốc và sự dịch chuyển trong chính sách đối ngoại” đã được đánh giá là bài thuyết trình tốt nhất của hội nghị khi đáp ứng được mong mỏi của người nghe về xung đột gia tăng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông. Đồng thời, tham luận của TS. Vũ Anh Dũng (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng được đánh giá cao khi đề cập đến “Sự thay đổi của mạng lưới sản xuất của TNCs ở ASEAN trong bối cảnh hình thành AEC: Trường hợp của Ford Motor và Piaggio ở Việt Nam”.
Bên cảnh việc chia sẻ các công trình nghiên cứu, các hoạt động trao đổi văn hóa giữa các nước tham gia cũng được tổ chức trong khuôn khổ hội nghị. Giảng viên và sinh viên cùng nhau giới thiệu những bài ca và điệu nhảy đến với bạn bè trong khu vực trong phần thi tài năng. Bên cạnh ca khúc “Nồng nàn Hà Nội”; sinh viên Bùi Thị Thúy Hằng và sinh viên Nguyễn Thành Đạt đã giành được giải Nhất và Nhì trong phần thi thể hiện sự hiểu biết về thành viên trong các đoàn tham gia. Cuộc thi câu hỏi trắc nghiệm kiểm tra hiểu biết về GMS và ASEAN cũng được tổ chức và phần thắng thuộc về đại diện Đại học Ubon, Thái Lan.



Sinh viên Bùi Thị Thúy Hằng nhận giải trong hoạt động giao lưu văn hóa


Chương trình đã kết thúc tốt đẹp, đem lại nhiều thông tin bổ ích cho các thành viên tham gia, đồng thời, thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp giữa các trường đại học trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong.

Nguyễn Thành Đạt (QH-2013-E TCNH CLC)