Kỷ niệm 10 năm thành lập
 
Học tại UEB - Môi trường quốc tế đâu xa!

Sinh viên nước ngoài trong lễ khai giảng năm học 2017 - 2018
Đối với sinh viên, việc đi du học là một khát khao vô cùng lớn, không chỉ là ước mơ được đến học tại một môi trường tốt hơn mà đó là sự thay đổi, sự trải nghiệm mới và một góc nhìn mới.


Và sinh viên Việt Nam cũng vậy, họ cũng rất mong muốn được ra nước ngoài học tập không phải vì giáo dục các nước bạn tốt hơn nước ta mà là họ muốn có cơ hội được giao lưu, được quan sát quê hương đất nước mình từ bên ngoài, từ các bạn sinh viên quốc tế.

Thực tế đã chỉ ra rằng, ngay tại Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, hằng năm đón hàng chục các bạn sinh viên ngoại quốc đến học tập, trong đó chủ yếu là các bạn sinh viên đến từ châu Âu, nơi mà môi trường giáo dục của họ rất tốt.

Điều này chứng tỏ rằng, môi trường giáo dục tại Việt Nam mà cụ thể tại Trường ĐHKT cũng không thua kém gì các nước bạn, sự thu hút sinh viên quốc tế cho thấy sự không giới hạn về tri thức cũng như vị trí địa lý. Để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn hợp tác quốc tế, bản thân nhà trường phải luôn tự đổi mới, cập nhật, hoàn thiện chương trình giáo dục chuẩn quốc tế mới có thể thu hút được sinh viên ngoại quốc.

 
 
Các bạn sinh viên nước ngoài đang theo học tại Trường ĐHKT 

Xu thế hội nhập sâu rộng của Trường ĐHKT

Như năm vừa qua, Viện QTKD chào đón 9 bạn sinh viên từ Pháp, Indonesia, Thái Lan, Nhật Bản, Ba Lan tới học đó. Sang năm học 2017 - 2018, có thêm 9 bạn đến từ: Đan Mạch, Pháp, Đức, Indonesia, ..đó là các bạn: 

Dennis Amann

Đại học Regensburg, Đức

Viktoria Dalsgaard Sorensen

Đại học Nam Đan Mạch, Đan Mạch

Katharina Helmo Rasmussen

Đại học Nam Đan Mạch, Đan Mạch

Lebailly Alicia

Đại học Rennes 1, Pháp

Laurent Marion

Đại học Rennes 1, Pháp

Léon Antoine

Đại học Rennes 1, Pháp

Mesle Laure

Đại học Rennes 1, Pháp

Morin Diole Lea

Đại học Rennes 1, Pháp

Lisa Aisa

Trường Đại học Bogor Agricultural University

Và có nhiều bạn sinh viên Việt Nam đã và đang học tại các trường ĐH nổi tiếng ở trên thế giới như bạn Nguyễn Hoàng Kim đã học tại Đại học Rennes, Pháp, bạn Nguyễn Thị Nga đã học tại Đại học Quốc tế Akita - Nhật Bản, bạn Nguyễn Hải Hà học tại Đại học Nam Dương - Singapore, bạn Nguyễn Phương Linh học tập tại Đại học Uppsala - Thụy Điển và nhiều bạn sinh viên hiện tại tiếp tục đang học trao đổi tại các trường trên thế giới.

Đối với các bạn sinh viên quốc tế, học tập tại UEB là một trải  nghiệm vô cùng thú vị, các bạn được học bằng tiếng Anh từ các giảng viên từng học tập và bảo vệ luận án tiến sĩ từ các trường Đại học danh tiếng trên thế giới như thầy Khôi, thầy Tuyến…những kiến thức mới nhất luôn được các thầy cập nhật nhanh chóng và đưa vào bài dậy một cách rất khoa học và dễ hiểu.

Đặc biệt, đúng chất quốc tế đối với các bạn sinh viên nước ngoài khi cơ sở vật chất thuộc loại tốt, các giảng viên nắm rõ văn hóa của từng nước để có thể giảng dậy cho các bạn dễ hiểu nhất. Trong lớp học còn có các bạn sinh viên Việt Nam, mọi người có thể trao đổi nói chuyện với nhau về văn hóa, đất nước và con người mỗi quốc gia từ đó thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết và phát triển mối quan hệ giao lưu nhân dân qua kênh giáo dục.

Hoạt động ngoại khóa đa dạng

Không chỉ chất lượng giảng dạy chuyên môn liên tục được cải thiện mà những hoạt động ngoại khóa cũng ngày càng nở rộ. Sinh viên quốc tế cũng rất tích cực tham gia vào các hoạt động ngoại khóa của nhà trường như tham gia các câu lạc bộ, một số hoạt động tình nguyện, vui chơi, thể thao, gần như không có rào cản về ngôn ngữ giữa sinh viên quốc tế và sinh viên Việt Nam tại ĐHKT.

Ngoài ra, các giờ học ngoại khóa, các sinh viên quốc tế còn được đi tham quan các di tích lịch sử văn hóa của Việt Nam, đây là hoạt động nằm trong kế hoạch hợp tác của Trường với các Trường nước ngoài.

Sinh viên Viktoria Dalsgaard Sorensen đến từ Đại học Nam Đan Mạch, Đan Mạch đang theo học tại UEB cho biết: Môi trường học tập tại UEB rất tốt và chuyên nghiệp, các giảng viên rất thành thoại ngoại ngữ và truyền dậy cho chúng tôi những kiến thức mới nhất trên thế giới, chúng tôi được học kinh tế tại một đất nước đang phát triển như Việt Nam cho chúng tôi một cái nhìn tổng quản hơn về kinh tế thế giới. Ngoài giờ học trên lớp, chúng tôi còn được tạo điều kiện giao lưu, trao đổi văn hóa giữa hai đất nước qua kênh sinh viên, con người Việt Nam thật hiếu khách, thân thiện, món ăn và thời tiết ở đây cũng rất tuyệt vời.

 

Thông tin thêm:

Hiện nay, có 2 hình thức trao đổi sinh viên mà trường đang triển khai:

(1) Giao lưu/Trao đổi ngắn hạn: Các CT trao đổi ngắn hạn đã và đang được triển khai hàng năm như: Diễn đàn sinh viên Châu Á- Global Partnership of Asian Colleges GPAC, Diễn đàn sinh viên quốc tế - International Students Forum ISF, Khóa học mùa hè tại ĐH Thương mại Chiba, Nhật Bản - CUC Summer School, Khóa học tiếng Nhật và văn hóa Nhật Bản tại ĐHQG Yokohama, Nhật Bản, Chương trình giao lưu nghệ thuật Asean Art Festival tại ĐHQG Malaysia, và một số chương trình giao lưu khác với Đại học Waseda, Nhật Bản. Với các chương trình này, trường ĐHKT thu hút từ 50 đến 200 sinh viên quốc tế đến trao đổi, cử 30 đến 50 sinh viên sang trường đối tác giao lưu, thực tập thực tế.

(2) Trao đổi tín chỉ: CT trao đổi tín chỉ yêu cầu sinh viên tham gia ít nhất 1-2 học kỳ tại trường đối tác. Theo đó, sinh viên được miễn hoàn toàn học phí và có thể được xem xét công nhận tín chỉ sau khi hoàn thành học kỳ trao đổi ở trường đối tác nếu các học phần đã hoàn thành tương đương với khung chương trình đào tạo của sinh viên đó tại Trường ĐHKT. Chương trình trao đổi tín chỉ mà nhà trường đã và đang triển khai được thực hiện với các trường ĐH tại Châu Á (ĐH Oita, ĐH Quốc tế Akita, Nhật Bản; ĐHQG ChengChi, Đài Loan), tại Châu Âu (ĐH Quản lý Varna, Bulgaria; Đại học Regensburg, Đức; Đại học Rennes, Pháp; Đại học Nam Đan Mạch, Đan Mạch; Đại học Uppsala, Thụy Điển); bên cạnh đó có một số chương trình trao đổi dành cho sinh viên ĐHQGHN có học bổng toàn phần như chương trình trao đổi cho sinh viên trong Mạng lưới các trường đại học Asian (AUN), và dự án EU-SHARE.

 

Nguyễn Công