Kỷ niệm 10 năm thành lập
 
Giáo sư ĐH Osaka thăm và thuyết trình tại ĐH Kinh tế

GS. Masaharu Ota tại buổi thuyết trình
Ngày 28/6/2012, nằm trong khuôn khổ chương trình giao lưu của đoàn ĐH Osaka tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, GS. Masaharu Ota (Đại học Osaka - Nhật Bản) đã có bài thuyết trình, trao đổi về chủ đề quản lý và đổi mới trước các giảng viên, sinh viên hai trường.


Mở đầu bài thuyết trình, GS. Masaharu Ota đã cung cấp thông tin khái quát về công trình ông đang nghiên cứu, phân tích sự đổi mới cùng các quá trình của nó trong sự phát triển của một tổ chức, doanh nghiệp.
Theo nghiên cứu của GS. Masaharu, đổi mới đơn giản là sự sáng tạo, thay đổi giá trị của các hoạt động trong hệ thống kinh tế. Đổi mới không phải bao giờ cũng có nghĩa là phát minh, sáng chế mà nó bao gồm những sáng tạo trong quá trình sản xuất, cơ cấu tổ chức và thúc đẩy kinh doanh. Bên cạnh những trao đổi, phân tích và lấy dẫn chứng từ một số doanh nghiệp Nhật Bản, ông đi sâu phân tích và đánh giá vai trò của quản lý chất lượng tổng thể (hay còn gọi là quản lý chất lượng toàn diện, quản lý chất lượng đồng bộ) đối với quá trình đổi mới.
Quản lý chất lượng tổng thể (Total Quality Management - TQM) là một triết lý về quản trị nhằm cải tiến và hoàn thiện chất lượng công việc, chất lượng sản phẩm. Hiện nay TQM có thể được áp dụng ở mọi giai đoạn trong các hoạt động của toàn thể thành viên trong doanh nghiệp/tổ chức. Nhật Bản đã áp dụng TQM từ những năm 1950 - thời điểm chưa có các tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý như ISO 9000.
Ở Việt Nam, một số doanh nghiệp cũng đã áp dụng TQM tại một số công đoạn như tổ chức nhân sự; xây dựng chương trình; đánh giá hoạch định và thiết kế chất lượng; tái cấu trúc hệ thống; xây dựng và phát triển hệ thống chất lượng... Theo GS. Masaharu Ota, nếu biết cách quản lý đổi mới một cách có hệ thống và khoa học, doanh nghiệp sẽ thành công. Đổi mới là một quá trình cần quản lý và theo đuổi như một quá trình lâu dài, trong đó TQM được coi như một công cụ hữu hiệu, đặc biệt thích hợp với doanh nghiệp các nước Châu Á.
Sau bài thuyết trình, đã có nhiều câu hỏi được gửi tới GS. Masaharu Ota để cùng chia sẻ, trao đổi. Qua đó, các giảng viên và sinh viên hai trường đã chia sẻ và cập nhật các kiến thức về triết lý đổi mới, phương thức và ảnh hưởng của nó tới quá trình hoạt động cũng như sự thành công của một tổ chức, doanh nghiệp.

Giảng viên và sinh viên ĐHKT đã đặt nhiều câu hỏi và cùng trao đổi với GS. Masaharu Ota


Giảng viên và sinh viên hai trường chụp ảnh lưu niệm cuối chương trình
 
Nhân dịp này, lãnh đạo Trường ĐHKT, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng và TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng cũng đã có các buổi tiếp và trao đổi về chương trình nghiên cứu với GS. Masaharu Ota - Giảng viên Khoa Kinh doanh ĐH Osaka, nhà nghiên cứu hàng đầu Nhật Bản về quản lý đổi mới, quản lý tập đoàn và quản lý chất lượng tổng thể.
 

GS. Masaharu Ota (giữa) trong buổi làm việc với PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT và TS. Nguyễn Đăng Minh - Trưởng Phòng NCKH&HTPT.

GS. Masaharu Ota (bên phải) một phiên làm việc với TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN.


Hải Đăng - Chiêm Đỗ