Kỷ niệm 10 năm thành lập
 
Sinh viên ĐH Kinh tế giao lưu với đoàn ĐH Waseda

Những hình ảnh đẹp của buổi giao lưu văn hóa giữa sinh viên ĐH Kinh tế và ĐH Waseda
Ngày 22/11/2013, đoàn công tác Đại học Waseda (Nhật Bản) do Giáo sư Trần Văn Thọ - giảng viên ĐH Waseda dẫn đầu đã đến Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và có buổi giao lưu với Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế (KT&KDQT).


Đây là hoạt thường niên diễn ra giữa hai trường ĐH Waseda và ĐH Kinh tế, tạo cơ hội để sinh viên hai trường làm quen, giao lưu, trao đổi kiến thức và văn hóa giữa hai quốc gia.
Mở đầu cho chuỗi hoạt động giao lưu là hội thảo khoa học với chủ đề “Vietnam’s industrialization in East Asean Perspective” (Công nghiệp hóa ở Việt Nam dưới góc nhìn Đông Á). Hội thảo có sự tham dự của đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên hai trường.
Với chủ đề trên, sinh viên Khoa KT&KDQT mang đến 2 tham luận: “Industrialization models in the world and in VietNam” (Mô hình công nghiệp hóa trên thế giới và Việt Nam)  và “Supporting industries in VietNam” (Công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam). Qua đây, những mô hình công nghiệp hóa và việc áp dụng vào Việt Nam trong từng giai đoạn cụ thể đã được trình bày một cách sinh động và chi tiết.
Tham luận tiếp theo đến từ đoàn sinh viên ĐH Waseda với chủ đề “The East Asian Dynamism and Vietnam” (tạm dịch là: Các nền kinh tế năng động Đông Á và Việt Nam). Trong đó, các sinh viên Nhật Bản mang đến cách tiếp cận những khó khăn trong công nghiệp hóa ở Việt Nam dưới tác động của tự do thương mại (free trade trap), so sánh việc công nghiệp hóa tại Việt Nam với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…, đồng thời đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn bằng việc sử dụng nguồn vốn FDI và quản lý hệ thống doanh nghiệp nhà nước một cách hiệu quả.

Các sinh viên tham gia thuyết trình tại phiên hội thảo về công nghiệp hóa

Qua buổi trao đổi học thuật này, sinh viên hai trường đã có những cái nhìn và tiếp cận mới mẻ về một vấn đề kinh tế đã quen thuộc nhưng chưa bao giờ cũ.

Sau giờ nghỉ trưa, sinh viên hai trường tiếp tục chuỗi giao lưu thú vị với chương trình trao đổi văn hóa. Sinh viên Khoa KT&KDQT mở đầu bằng lời chào ngọt ngào qua bài hát “Hello Việt Nam”. Những tà áo dài trắng thướt tha, những câu hát du dương, nồng ấm là món quá mà các sinh viên ĐH Kinh tế muốn gửi đến các sinh viên Trường Đại học Waseda. Tiếp đó là những điệu nhảy hiện đại sôi động và màn nhảy sạp vô cùng thú vị.
Điểm ấn tượng nhất của chương trình là việc trưng bày, quảng bá văn hóa Việt Nam, Nhật Bản qua các gian hàng nhiều màu sắc.
Sinh viên ĐH Kinh tế thể hiện hình ảnh đất nước Việt Nam qua 3 gian hàng “Bắc, Trung, Nam” với những địa danh đặc trưng: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồ Gươm, phố cổ, Áo dài truyền thống, ruộng bậc thang... kết hợp với các món ăn đặc sản, truyển thống của nhiều vùng miền. Đến với mỗi gian hàng, người tham quan không chỉ được nghe giới thiệu về con người, văn hóa, phong tục đặc trưng của từng vùng mà còn được thưởng thức các món ăn đặc sản, và chơi các trò chơi dân gian như: chơi chuyền, chơi chắt, chơi vòng...
Đến với chương trình lần này, các sinh viên Trường Đại học Waseda cũng mang đến những nét đặc sắc về văn hóa của đất nước mặt trời mọc. Nhật Bản hiện lên là một đất nước mang đậm dấu ấn của văn hóa truyền thống với những trò chơi dân gian như: Fukuwarai, Kendama, Hanetsuki, trò đánh quay Begoma, trò đập gỗ..., hay những trang phục truyền thống, nhiều món ăn hấp dẫn và một điều không thể không nhắc đến là những bộ truyện tranh nổi tiếng đã gắn liền với tuổi thơ của biết bao bạn trẻ Việt Nam: Naruto, Đô-rê-mon, Pokemon hay Bảy viên ngọc rồng...


Trò chơi nhảy sạp được sinh viên hai trường hào hứng tham gia

Sau khi tham quan các gian hàng văn hóa, chương trình lại được tiếp tục với màn trình diễn cat-walk trang phục truyền thống Việt Nam - Nhật Bản qua màn biểu diễn của các người mẫu không chuyên. Những điệu nhảy flasmod, những chiếc huy hiệu được trao, những cái ôm thân thiết, lời cảm ơn và nụ cười hạnh phúc là những hình ảnh đẹp của buổi giao lưu giữa sinh viên hai trường.

Tin: Mai Hương - Thúy Lan (QH-2012-E KTQT-CLC) Ảnh: Đỗ Đỗ


Các tin khác