Kỷ niệm 10 năm thành lập
 
Sự lựa chọn không bao giờ hối hận

TS. Vũ Thị Dậu - giảng viên Khoa KTCT và sinh viên của khoa
Vậy là đã cuối thu... Những tia nắng còn sót lại của một buổi chiều nhẹ nhàng rơi nhẹ trên vai, tôi chợt thấy lòng mình xao xuyến đến khó tả, một cảm giác rất lạ ùa về trong tim. Chính khung cảnh này, chỗ ngồi này hai năm trước đây, cảm xúc tôi hoàn toàn khác...


     - Bác ơi, xin lỗi bác cho con hỏi Đại học Quốc gia Hà Nội có gần đây không ạ?
Trên trán tôi còn lấm tấm những giọt mồ hôi sau khi len ra khỏi được một quãng đường dài tắc đường. Hôm ấy là ngày tôi đi nhập học.
     - Cháu cứ đi thẳng thêm vài trăm mét nữa là tới, sắp tới nơi rồi đấy.
     - Dạ, cháu cảm ơn bác ạ!
Một con bé nhỏ nhắn với mái tóc dài đen hớt hải đạp xe len lỏi giữa dòng người tấp nập, tôi như cảm thấy mình lạc lõng giữa mảnh đất với nhiều điều mới lạ này. Cuối cùng cánh cổng  Đại học Quốc gia Hà Nội cũng hiện ra trước mắt tôi. Nó thực sự rộng hơn tôi nghĩ. Tim tôi bỗng đập liên hoàn, cứ như đang nhảy theo một bản nhạc nào đó vậy. Bây giờ trong tôi chỉ có hai chữ tròn xoe: hồi hộp. Đây là khoảnh khắc tôi mong chờ nhất suốt 12 năm qua, cánh cổng đại học đang sừng sững trước mặt, dường như muốn bật khóc thành tiếng… Niềm vui tuy không được trọn vẹn vì tôi đạt được 22 điểm khối D, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trong khi khoa tôi đăng ký lại là 23 điểm, và vì muốn được học tại ngôi trường này nên tôi đã nộp hồ sơ nguyện vọng 2 vào Khoa Kinh tế Chính trị. Tôi đã rất thất vọng và không hiểu mình có thể làm nên trò trống gì khi học khoa này, nhưng thời gian sau này đã làm tôi thay đổi suy nghĩ. Khi nhập học đã xong, tôi thở phào nhẹ nhõm, vậy là công việc đầu tiên và có vẻ như là lớn lao nhất của một cô sinh viên tỉnh lẻ nhút nhát đã xong xuôi.
Ngày đầu tiên đi học, xung quanh tôi đều là những người bạn cũng xa quê lên thành phố học, có lẽ chính điểm tương đồng ấy đã giúp chúng tôi nói chuyện cởi mở và rất thoải mái với nhau. Ai ai cũng mang trong mình niềm hứng khởi khi được học ở ngôi trường danh tiếng này, đó là một niềm tự hào lớn trong lòng mỗi sinh viên của trường.
Hôm nay, chúng tôi có một buổi gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện với thầy cô của khoa và các anh chị khóa trên. Trong buổi gặp gỡ này, chúng tôi đã được nghe thầy trưởng khoa giới thiệu về khoa về ngành học mà chúng tôi đang theo học, rồi thầy nhiệt tình vui vẻ giải đáp mọi thắc mắc từ nhỏ đến lớn của chúng tôi. Hình ảnh của thầy hôm đó thực sự như một người cha đang tâm sự với những người con của mình, chứ không phải là hình ảnh của một vị trưởng khoa đầy nghiêm nghị, lạnh lùng như chúng tôi vẫn nghĩ.
Các anh chị khóa trên cũng vậy, họ đã kể lại những gì mà họ đã trải qua sau mấy năm xa nhà, truyền lại cho chúng tôi những kinh nghiệm về cuộc sống sinh viên, về học tập… Cuộc trò chuyện diễn ra trong không khí rất vui vẻ và ấm cúng. Tôi chợt nhận ra, khoảng cách giữa người thầy, người cô và những cô, cậu sinh viên chúng tôi dường như chưa bao giờ tồn tại. Và sau tất cả những lo lắng, thất vọng, tôi đã có thể cười thật tươi và hy vọng về một tương lai mới.
Từ đây, chúng tôi bắt đầu bước chân vào con đường mang tên “Đại học” - một con đường có thể nói là lắm chông gai cũng như thử thách nhất. Trên con đường ấy, chúng tôi phải học cách nhìn nhận về cuộc sống, học cách quyết định tương lai cho chính bản thân mình, và phải tự tìm cách bước chân qua những chông gai đó. Người nào khéo léo sẽ bước chân qua những mảnh gai mà không hề có một vết xước, nhưng chưa chắc họ sẽ là những con người thành công. Vì sao ư? Tất nhiên, họ sẽ không thể bằng những người mang trên mình nhiều vết sẹo do những mảnh gai để lại được. Chính nhờ những va chạm, vấp ngã khi bước những bước đi tự lập đầu tiên mà họ có thêm nhiều kinh nghiệm, họ đã trải qua và rút ra cho mình nhiều bài học từ những cú ngã của bản thân…
Tương lai của mình mình do chính mình tạo ra. Tôi đã ngẫm ra được rất nhiều điều sau buổi giao lưu ấy. Họ đều là những bậc tiền bối đáng noi theo, không chỉ của riêng tôi mà còn của tất cả sinh viên trong ngôi trường này.
Trước đây tôi từng nghĩ, giảng viên đại học chắc là toàn những giáo sư, tiến sĩ những người quanh năm suốt tháng chỉ biết đến sách vở, đề tài khoa học, nghiên cứu này nọ. Thời cấp III, hình ảnh những vị giáo sư, tiến sĩ trong tôi là những người có một cặp kính dày cộp, lúc nào cũng cắp nách một cái cặp đen to với dáng đi nhanh, vội vã, cứ lao đầu về phía trước mà đi vì họ chẳng bao giờ có thời gian rảnh rỗi… Thế đấy, nghe có vẻ buồn cười vì đó là những suy nghĩ rất trẻ con. Nhưng không, hãy thử đến ngôi trường của tôi mà xem, thầy cô cũng là những bậc giáo sư, tiến sĩ lừng danh, nhưng họ không giống như trong suy nghĩ trên đây của tôi đâu. Thầy cô rất thân thiện và chăm chút sinh viên của mình nhé.
Lúc mới chân ướt chân rào bước vào những ngày đầu năm học, có một chuyện làm tôi rất cảm động và thấy thầy cô thực sự như những người cha mẹ của chúng tôi. Lớp tôi có một bạn có hoàn cảnh hết sức khó khăn, số mệnh đã khiến bạn ấy phải chịu cảnh sống không có bố mẹ. Cả khoa tôi từ thầy cô đến sinh viên, ai ai cũng thương và luôn sẵn sàng giúp đỡ. Nhưng người thương bạn ấy nhất có lẽ là cô D. Khi biết được hoàn cảnh của bạn như vậy, cô đã nói chuyện và tạo mọi điều kiện giúp bạn ấy được học tập tốt nhất, xem như là con cái của mình, mời bạn ấy tới nhà ăn cơm… Điều đó làm cho tôi rất cảm động. Không ngờ, khi chúng tôi xa gia đình lại có những người yêu thương chúng tôi như những đứa con của họ.
Tôi thầm cảm ơn ông trời đã cho tôi được học trong ngôi trường này và gặp được nhiều bạn bè, thầy cô tốt như vậy. Cả ngôi trường đại học này là một đại gia đình trong tôi, thầy cô như cha mẹ, bạn bè như anh chị em, tôi tìm được cảm giác bao bọc của gia đình tại nơi đây, nhất là mái ấm của tôi - Khoa Kinh tế Chính trị với những người cha người mẹ đáng kính, những người đã cho tôi không chỉ về kiến thức mà còn cho tôi cảm nhận được tình thương. Nơi đây đã khiến tôi nhận ra rằng “Ông trời không bao giờ lấy đi của ai thứ gì mà không bù lại cho họ điều gì cả”, tôi không đỗ vào khoa của mình mong muốn nhưng tôi lại tìm được cho mình một hướng đi mới cho tương lai ở chính nơi đây - Khoa Kinh tế Chính trị. Tôi tin rằng, sự dạy dỗ tận tình của thầy cô và sự nỗ lực hết mình của bản thân sẽ cho tôi một tương lai tươi đẹp hơn. Có người từng nói “Bản thân con người ta khi gặp phải những rắc rối, khó khăn thường đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan”, tôi đã từng như vậy, nhưng giờ đã khác, tôi cố gắng hoàn thiện bản thân mình về tư cách, đạo đức cũng như trau dồi kiến thức của mình dưới ngôi trường này.
Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, đó là ngôi trường mà tôi đã lựa chọn. Còn nhớ khi tôi chỉ là một cô học sinh cuối cấp đang rất băn khoăn và trăn trở với việc điền vào túi hồ sơ của mình một cái tên - và tôi biết nhiều bạn cũng thế. Nhưng điều đó giờ đây không còn quan trọng nữa, bởi chúng tôi đã ngồi đây, trong ngôi trường này, với sự lựa chọn của cuộc đời mình, điều đó KHÔNG - CÓ - GÌ - PHẢI - HỐI - HẬN!

Trịnh Thị Thùy Linh (QH-2009-E, Khoa KTCT)