Kỷ niệm 10 năm thành lập
 
AUN-QA: Cái đích của những trường đại học hướng đến chất lượng

Một giờ học của sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. ẢNh: MH
Chuẩn kiểm định chất lượng AUN đang là cái đích mà nhiều trường ĐH tại Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á hướng tới. Mục tiêu của các trường ĐH không chỉ là thu hút học viên mà còn khẳng định chất lượng đào tạo Và dần tiến tới là việc xây dựng văn hóa chất lượng của một trường ĐH.


AUN-QA là gì?

Với mục đích phát triển nguồn nhân lực thông qua giáo dục đại học trong khu vực ASEAN, năm 1995, Mạng lưới các trường đại học khu vực Đông Nam Á đã được thành lập. Tính đến nay, đã có 27 trường đại học đến từ 10 quốc gia trong khu vực trở thành thành viên của tổ chức này. Nhằm đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng bên trong các trường ĐH trong khu vực, AUN đã đưa ra sáng kiến đánh giá chất lượng giáo dục đại học theo những tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung của khu vực ASEAN (ASEAN University Network - Quality Assurance, viết tắt là AUN-QA). Đây cũng là cách mà mạng lưới các trường đại học ASEAN nâng cao sự tin tưởng lẫn nhau về chất lượng đào tạo giữa các trường trong khu vực cũng như với các trường đại học đối tác trên thế giới, từng bước góp phần thúc đẩy sự công nhận thành quả học tập và phát triển hợp tác giữa các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á.

Ngày 7/4/2011, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN chính thức công bố vượt qua đợt kiểm định chất lượng theo bộ tiêu chuẩn của AUN đối với chương trình đào tạo đại học ngành Kinh tế quốc tế hệ chất lượng cao với mức điểm 4,69 trong thang điểm 7, điểm cao thứ 2 trong 5 chương trình đã được cấp tại Việt Nam. Đây là chương trình thứ 5 tại Việt Nam đạt chuẩn AUN và là chương trình đào tạo về kinh tế duy nhất tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn này.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN, việc lựa chọn kiểm định theo chuẩn AUN nhằm giúp các trường biết chương trình đào tạo đã đạt đến cấp độ nào trên thang đánh giá của khu vực. Tiếp nữa, để phát hiện chương trình còn tồn tại những gì cần khắc phục nhằm đảm bảo chương trình đạt chất lượng ngang tầm các chương trình cùng lĩnh vực trong khu vực ASEAN.

Bộ tiêu chuẩn của AUN-QA có 18 tiêu chuẩn với 74 tiêu chí. Mỗi tiêu chí được đánh giá theo 7 mức là: 1 = không có gì (không có tài liệu, kế hoạch, minh chứng ); 2 = chủ đề này của hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong mới chỉ nằm trong kế hoạch; 3 = có tài liệu, nhưng không có minh chứng rõ ràng; 4 = có tài liệu và minh chứng; 5 = có minh chứng rõ ràng về hiệu quả trong lĩnh vực xem xét; 6 = chất lượng tốt; 7 = xuất sắc. Mỗi tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn đều có trọng số như nhau, điểm đánh giá của toàn bộ chương trình là điểm trung bình cộng của cả 74 tiêu chí. 4.0 là ngưỡng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của AUN.

Tính đến thời điểm hiện nay Việt Nam đã có 5 chương trình học được AUN kiểm định theo chuẩn AUN-QA. Mặc dù các chương trình đánh giá khá đa dạng, từ đào tạo kỹ sư, công nghệ thông tin đến Kinh tế kinh doanh, Hóa học, Văn học, Tâm lý… Tuy nhiên, ở Việt Nam mới chỉ kiểm định ở ba mảng là Kinh tế và Công nghệ, Điện - điện tử. Cụ thể là các chương trình: Công nghệ thông tin (Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội): 4,52 điểm; Kinh tế quốc tế hệ chất lượng cao (Trường ĐHKT, ĐHQG Hà Nội): 4,69 điểm; Công nghệ thông tin (Trường ĐHKHTN, ĐHQG tp. Hồ Chí Minh): 4,92; Công nghệ thông tin (Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG tp. Hồ Chí Minh): 4,61. Với thang điểm này, cả 5 chương trình học được chứng nhận của Việt Nam đều chỉ ở mức trên 4 điểm, tức là đạt chuẩn ở mức có tài liệu và có minh chứng. TS. Vũ Anh Dũng, Chủ nhiệm Khoa KT&KDQT, Trường ĐHKT - ĐHQGHN, phụ trách chương trình đào tạo đại học ngành KTQT hệ CLC vừa được công nhận chuẩn AUN cho biết: "Ngay cả đối với các trường đại học lớn, có uy tín cũng khó đạt được mức điểm 6 hay 7 bởi nếu vậy thì quá hoàn hảo. Mà trong giáo dục thì luôn phải đổi mới, từ giáo trình, cơ sở vật chất, trang thiết bị, giảng viên…".

Trường ĐHKT - ĐHQGHN họp báo công kết quả kiểm định chương trình đào taọh đại học ngành KTQT hệ CLC. Ảnh: Cao Tuấn

Vì sao lại là AUN?

Quay lại thời điểm những năm 2000, việc hướng tới một chuẩn chất lượng đã được ngành giáo dục đặt ra như một vấn đề trọng tâm cần giải quyết. Chuẩn quốc gia được coi như mốc cơ bản đối với những trường muốn khẳng định chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, xu thế hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng khiến các trường ĐH bắt buộc phải tìm cho mình những thước đo mới tầm cỡ quốc tế. Năm 1995 Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á mới ra đời và đến năm 2000 các thành viên ban đầu của AUN cùng nhau xây dựng các tiêu chuẩn nhằm đẩy mạnh xây dựng một hệ thống đảm bảo chất lượng để sử dụng như một công cụ duy trì, cải tiến và nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu trong các trường ĐH thành viên AUN; xây dựng những chuẩn mực chất lượng chung cho các trường ĐH thành viên AUN; thúc đẩy công nhận chuẩn chất lượng giữa các trường ĐH thành viên AUN

Theo TS. Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN: "Năm 2009, Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã tiến hành kiểm định chương trình đào tạo đại học ngành KTQT hệ chất lượng cao theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của ĐHQGHN. Kết quả tự đánh giá và đánh giá ngoài chương trình này đã đạt cấp độ 1, tức là tương đương tiêu chuẩn quốc gia, theo quy định về kiểm định chất lượng của ĐHQGHN. Ngay sau đó, chúng tôi đã thực hiện đánh giá ngoài kiểm định chất lượng AUN-QA cũng đối với chương trình này và nhanh chóng được công nhận đạt chuẩn. Như vậy, việc đạt chuẩn kiểm định chất lượng của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á cho thấy chất lượng đào tạo của chương trình từ trước đó đã có kết quả tốt, đạt yêu cầu quốc tế. Nó cũng đồng nghĩa với việc, các chương trình đạt chuẩn quốc gia nếu tiếp tục đổi mới, phát triển thì khả năng tiến tới đạt chuẩn quốc tế không phải là quá xa vời".

Một lý do khác khi AUN được lựa chọn đó chính là bộ tiêu chuẩn này không tập trung vào những đặc trưng riêng của từng chuyên ngành mà tập trung đánh giá những điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo của một chương trình. Bộ tiêu chuẩn tập trung và những lĩnh vực mà bất kỳ chương trình đạo tạo bậc đại học nào cũng có như chuẩn đầu ra; khung chương trình; giảng viên và sinh viên, cơ sở vật chất, công tác đảm bảo chất lượng, …

Nói về sự lựa chọn tiêu chuẩn AUN-QA của nhiều trường ĐH tại Việt Nam, TS. Vũ Anh Dũng cho rằng, việc hướng tới và đạt được tiêu chuẩn này không chỉ đem lại lợi ích cho nhà trường, sinh viên mà cả người sử dụng lao động. Đối với nhà trường, thông qua hoạt động tự đánh giá và đánh giá ngoài, những điểm mạnh và điểm tồn tại của chương trình đào tạo đã được chỉ ra, và nhà trường phải có kế hoạch hành động cụ thể để cải tiến khắc phục những tồn tại này. Đây là cái được lớn nhất từ phía nhà trường. Đồng thời, gián tiếp hưởng lợi là sinh viên và giảng viên vì môi trường dạy và học được cải thiện, nâng cấp và đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, nhờ kiểm định chất lượng theo chuẩn AUN, nhà trường xác định được vị thế của chương trình đào tạo trong khu vực và làm cơ sở để xây dựng lộ trình phát triển cho chương trình đào tạo theo hướng vươn tới các chuẩn mực quốc tế.

Trong khi đó, sinh viên là đối tượng được hưởng lợi rất lớn từ hoạt động đánh giá này, bởi được học tập trong một môi trường được cải tiến liên tục và đảm bảo chất lượng; Kết quả kiểm định AUN như một sự khẳng định chương trình đào tạo với xã hội về chất lượng sản phẩm đầu ra của chương trình, vì thế chắc chắn sinh viên tiếp cận việc làm phù hợp dễ dàng hơn; Trong tương lai gần, tham gia kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn AUN-QA còn tạo điều kiện cho sinh viên được chuyển đổi tín chỉ học tập giữa các chương trình đào tạo của các trường ĐH thành viên AUN; tạo lợi thế cho hoạt động trao đổi sinh viên, giảng viên giữa các trường ĐH. Và cuối cùng, người sử dụng lao động có một cơ sở tin cậy để tìm kiếm nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, từ một chương trình đào tạo có những tham chiếu chất lượng mang tính quốc tế hoá.


Mạnh Tuấn