Kỷ niệm 10 năm thành lập
 
Xuân trên gác trọ

Ảnh nguồn: Internet
Năm nào các trường, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên cũng cùng phối hợp với ký túc xá tổ chức họp mặt tất niên, tặng quà cho những sinh viên ở lại. "Ký túc xá Đại học Quốc gia có tới 8.000 sinh viên nhưng số lượng ở lại cũng chỉ vài chục người. Anh Trần Nam - Hội trưởng Hội Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV cho biết: “Từ giữa tháng chạp, trường đã lập danh sách và lên kế hoạch tổ chức tết cho các bạn".


Đêm giao thừa ở ký túc xá Đoàn trường, Hội phụ nữ phường, nhiều cơ quan, đoàn thể khác cũng cử người đến thăm, tổ chức chung cho những người ở lại. Cũng đủ cả: bánh, mứt, rượu sâm-panh, phong bao lì xì, khá rôm rả. Cùng hoàn cảnh ở lại nên mọi người gần gũi nhau hơn.
Nhưng sau những phút vui vầy vẫn là nỗi cô đơn trống vắng. Quay về phòng, đám con gái bắt đầu ôm gối khóc tỉ ti. Đám con trai, không biết làm gì, bèn hè nhau lôi rượu ra uống dù thật tình thì cũng chẳng đứa nào biết rượu ngon hay dở.
Nếu là ngày thường, chuyện này đã bị ban quản lý KTX cấm tiệt, nhưng tết nhất thì hầu như chẳng ai cấm. Gần sáng đứa nào cũng say lăn ra ngủ vùi. Trong mơ hình như đứa nào cũng thấy mình mọc cánh bay về với những ánh mắt đợi chờ ở phía quê nhà.
Cá biệt, có một anh chàng sinh viên ĐHKT tết năm ngoái cũng “cương quyết thử ăn tết xa nhà cho biết". Mới mùng 3 tết, tiền đã nhẵn, nhớ nhà chịu không nổi, đành ra Bến xe miền Đông năn nỉ xe quen cho đi thiếu, về quê bố mẹ trả tiền! Cái mục đích ở lại làm thêm phụ giúp gia đình tự nhiên tan biến.
Đêm giao thừa, Nguyễn Trọng Thắng cũng đi xem bắn pháo hoa, cũng chơi tết. “Sài Gòn đông lắm, vui lắm nhưng không sao bằng ở nhà mình. Đông cũng là người ta, vui cũng là của người ta, có gì của mình đâu".
Khoảng 30 người ở lại cùng đi bộ ra cầu vượt chờ từng giây qua ngày mới, hồi hộp vì mình đã qua một tuổi, đi qua một thử thách, như mới lớn thêm trưởng thành lên. Rồi đi chùa cầu an cho gia đình. Sau đó là ngủ vùi để sáng hôm sau lại đi làm việc.
Nhiều sinh viên nhận việc phục vụ thâu đêm để cố tình quên phút giao thừa. Với họ, ở lại là chấp nhận. Nguyễn Thế Thanh coi việc đi làm thêm như là một sự khỏa lấp chỗ thiếu hụt tình cảm, đón ngày đầu năm mới đơn giản. “Thường thì khi Thanh về đến nhà trọ là đã qua ngày mới, mới ngớ ra mình đã thêm một tuổi".
Ăn tết ở TP HCM, có quê nhưng không về, mỗi người một kiểu nhưng rất khó quên. Nhưng kiểu gì thì đã ở lại là hầu như đều không có tết. Thanh bảo: “Bất đắc dĩ thì đành chịu, nhưng nếu có điều kiện thì chớ có dại mà không về. Buồn, cô đơn chịu không nổi đâu. Không đâu hơn tết ở nhà mình”.
Nhưng cũng như mọi năm, tết này Thanh cũng sẽ ở lại. Nhắc đến tết, bao nhiêu hoạt bát dường như bay biến mất. Thanh nhỏ giọng, nói trầm trầm: “Tết năm nay mẹ chắc lại khóc khi vắng mặt mình"


(ANTG)